Thêm lựa chọn
Dù vẫn đầy uy lực nhưng những chiếc tăng T-54/55 trong quân đội Việt Nam đã có phần lạc hậu và khó có thể thích ứng với chiến tranh hiện đại. Vì vậy, Nga đã đưa ra một số tùy chọn nâng cấp có nội dung trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-V.
- Gói nâng cấp lên chuẩn T-55M5 sẽ lắp đặt thêm giáp phản ứng nổ Kontakt-V lên mặt trước tháp pháo và mặt trước thân, là nơi dễ bị trúng đạn. Động cơ cũ của xe sẽ được thay bằng loại động cơ diesel V-55U hoặc động cơ V-46-5M hiện đại hơn.
T-55M5 vẫn giữ nguyên pháo chính D-10T2S cỡ nòng 100mm, song trang bị hệ thống ổn định pháo mới, cùng kính ngắm TVK-3 cho pháo thủ và TKN-1SM cho trưởng xe. Giá thành của gói nâng cấp này là khoảng 700.000 USD (tính theo thời giá năm 2009).
- Gói nâng cấp T-55M6 sẽ là lựa chọn nâng cấp toàn diện hơn cho xe tăng T-55:
Bên cạnh việc bổ sung giáp Kontakt-V cho khả năng bảo vệ tương đương xe tăng T-80U, xe được bổ sung thêm một hàng bánh chịu nặng, thay thế động cơ cũ bằng động cơ diesel V-46-5M công suất 690 mã lực, thay pháo chính bằng pháo 2A46M cỡ nòng 125mm cùng hệ thống nạp đạn tự động giống như xe tăng T-72BM.
Giá thành của gói nâng cấp này lên đến 1,8triệu USD, và sẽ là 2,4 triệu USD nếu như khách hàng muốn nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực lên loại 1A40-1 cùng tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng pháo 9K120 Svir hay hệ thống điều khiển hỏa lực 1A42 và tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển bắn qua nòng pháo 9K119 Refleks.
Đây là một mức giá quá đắt, và có lẽ Việt Nam không cần thiết phải nâng cấp quá sâu xe tăng T-55 như vậy. Cũng cần nói thêm rằng, gói nâng cấp này hiện vẫn chỉ đang có trong các catalogue chào hàng, chứ chưa hề được đặt hàng trên thực tế.
Trong một giải pháp kinh tế hơn, Việt Nam có thể “học tập” Syria lựa chọn gói nâng cấp T-55MV, với giáp phản ứng nổ Kontakt-I cũ hơn Kontakt-V, nhưng vẫn đầy hiệu quả.
Ngoài ra, xe tăng T-55MV còn được bổ sung thêm tổ hợp tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo 9M117 Bastion, có thể diệt mục tiêu từ khoảng cách 4.000m, sức xuyên giáp 550mm giáp RHA.
Hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ là loại Volna với máy tính đạn đạo kĩ thuật số.
Việt Nam tự nâng cấp
Trước khi Nga đề xuất gói nâng cấp tăng T-54/55 với nhiều lựa chọn, Việt Nam đã nâng cấp xe tăng T-54/55 theo chương trình của Israel, được định danh là T-55M3.
Có thể điểm qua một số điểm cải tiến chính của T-55M3 gồm: thay pháo chính D-10T2S 100mm bằng pháo 105mm M-68 cùng hệ thống điều khiển hỏa lực, bổ sung thêm khẩu cối 60mm; trang bị giáp phản ứng nổ Blazer; cải tiến động cơ (nâng công suất từ 520 lên 580 mã lực).
Đáng tiếc, không rõ lý do vì sao sau cùng chương trình nâng cấp T-55M3 đã bị hủy bỏ.
Hiện nay, lực lượng xe tăng Việt Nam vẫn chỉ sử dụng các xe tăng T-54/55 nguyên bản. Dẫu vậy, đã có những thông tin cho thấy dường như chúng ta đang nỗ lực nâng cấp từng phần mẫu tăng này.
Mới đây, Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự (TĐHKTQS) thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) quân sự, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt thử nghiệm hệ thống điều khiển hỏa lực lên xe tăng T-54/55.
Hệ thống điều khiển lực (FCS) là tập hợp các thành phần làm việc cùng nhau, thường là máy tính dữ liệu pháo, máy ngắm và radar (có thể có trên xe tăng) được thiết kế để hỗ trợ hệ thống vũ khí tấn công mục tiêu.
Với FCS, xe tăng sẽ có khả năng tính toán phần dữ liệu bắn, ngắm bắn nhanh hơn, chính xác hơn.
Trên các xe tăng T-54/55 mà Việt Nam sử dụng do Liên Xô sản xuất từ những năm 1950-1960 nên thường chỉ có kính ngắm ngày/đêm cho trưởng xe, pháo thủ để ngắm bắn.
Chính vì vậy, việc trang bị FCS sẽ tăng đáng kể khả năng tác chiến của tăng trên chiến trường hiện đại.
Ngoài nâng cấp về hệ thống điều khiển hỏa lực, Việt Nam đang nghiên cứu giáp phản ứng nổ để nâng cấp giáp xe tăng T-54/55.
Cụ thể, Viện Thuốc phóng, thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu, chế tạo thành công một loại giáp trang bị cho xe tăng chống được sự tấn công của một số vũ khí, đặc biệt là tên lửa chống tăng B72 (AT-3) - loại vũ khí chống tăng hiệu quả, đang được rất nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Miếng giáp phản ứng nổ gồm ba phần: Phần tử nổ, thân hộp giáp và cơ cấu gá, trong đó, phần tử nổ là bộ phận chính có chức năng cản xuyên, được thiết kế lượng nổ kẹp giữa hai tấm thép.
Giáp phản ứng nổ tăng khả năng bảo vệ xe tăng trước các loại vũ khí chống tăng thông thường có chiều sâu xuyên thép ≤ 450mm.