Việt Nam nâng cấp máy bay An-2: Câu trả lời chính thức từ Nga

Chúc Sơn |

Hãng thông tấn Sputnik ngày 4/11 dẫn tuyên bố từ Viện Nghiên cứu Hàng không Siberia (SibNIA) ở Novosibirsk đã phủ nhận thông tin họ giúp Việt Nam nâng cấp máy bay An-2.

Tuyên bố này được Giám đốc SibNIA là ông Vladimir Barsuk đưa ra khi trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Sputnik. Theo vị giám đốc này, thông tin Việt Nam đề nghị SibNIA nâng cấp phi đội An-2 là không chính xác. Thực tế là đoàn Việt Nam có đến thăm nhà máy sửa chữa của SibNIA.

Phía SibNIA giới thiệu với đoàn Việt Nam máy bay An-2 với động cơ mới (turbin khí) và có thảo luận về khả năng thay loại động cơ này cho máy bay của Việt Nam. "Tôi nhắc lại một lần nữa, phía Việt Nam không có đề nghị gì", ông Barsuk nhấn mạnh.

Vị giám đốc này giải thích thêm rằng "thay động cơ" nghĩa là thay thế động cơ piston AL-62 hiện tại trên máy bay An-2 bằng động cơ turbin khí loại TPE 331-12 do hãng Honeywell (Mỹ) sản xuất.

Nếu thực hiện như vậy, An-2 sẽ từ máy bay cánh quạt trở thành máy bay phản lực cánh quạt. Việc hiện đại hóa An-2 sẽ làm nó nhẹ hơn đến 700 kg, bay nhanh hơn 15-20% so với trước, sử dụng nhiên liệu dầu lửa hàng không thay vì xăng hàng không…

Giám đốc của SibNIA cho biết thêm rằng nếu phía Việt Nam có nhu cầu (nâng cấp An-2) thì sẽ không có bất kỳ vấn đề gì, vì lâu nay máy bay An-2 đã hoạt động tốt trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Với động cơ mới thì ở nhiệt độ không khí và độ ẩm như thế nào máy bay An-2 cũng hoạt động tốt.

Trước đó tờ Izvestia của Nga đã đưa tin rằng, Việt Nam đang tiến hành đàm phán với SibNIA về việc hiện đại hóa hàng chục máy bay An-2 mà nước này được Liên Xô viện trợ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

"Các đại diện của quân đội Việt Nam khi sang dự lễ kỷ niệm lần thứ 75 ngày thành lập Viện đã bày tỏ sự quan tâm hợp tác trong kế hoạch hiện đại hóa khoảng 40 chiếc máy bay An-2 hiện có mặt trong hệ trang bị vũ khí của Không quân nước này” - tờ báo Nga viết.

Ra đời năm 1947, An-2 không chỉ là mẫu máy bay vận tải lâu đời nhất thế giới vẫn còn được sử dụng tới ngày nay mà còn loại phi cơ duy nhất được sản xuất từ thời Thế chiến 2 cho đến tận thế kỷ 21. Chiếc cuối cùng thuộc dòng này được xuất xưởng vào năm 2001.

Với thiết kế lỗi thời nhằm mục đích ban đầu là phục vụ nông nghiệp ở Liên Xô, không ai có thể ngờ rằng chiếc "máy bay bà già" được thiết kế bởi Oleg Antonov lại được sử dụng cho cả mục đích quân sự, ở gần 80 quốc gia, với rất nhiều nước cùng tham gia sản xuất.

Tính đến năm 1991, đã có 19.000 chiếc được sản xuất ở Liên Xô và sau đó là Ba Lan. Ngoài ra còn có hàng ngàn chiếc được sản xuất ở Trung Quốc theo giấy phép của Liên Xô với tên gọi Y-5. Việt Nam cũng nằm trong số hàng chục quốc gia trên thế giới đang sử dụng máy bay vận tải An-2 trong lĩnh vực quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại