Chiều ngày 26/8/2018, lần đầu tiên kể từ năm 1954, các máy bay quân sự của Không quân Pháp hạ cánh xuống một sân bay của Việt Nam.
Phi đội bay gồm 3 chiếc chiến đấu cơ Dassault Rafale, máy bay vận tải A400, máy bay tiếp vận C-135 và một chiếc A310 tới Việt Nam lần này nằm trong khuôn khổ chiến dịch Pegase.
Sự kiện này đánh dấu sự kiện mang tính chính trị quan trọng, nằm trong chương trình Việt Nam và Pháp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Đặc biệt, chuyến thăm cũng mở ra chương mới quan hệ quốc phòng Việt – Pháp, không chỉ hợp tác hải quân mà dân chuyển sang hợp tác không quân.
Tiêm kích Mirage-2000 do Pháp chế tạo.
Không phải bây giờ nhưng có thể ở tương lai!
Đáng chú ý, trong số các máy bay quân sự Pháp tới Việt Nam lần này bao gồm cả những chiếc tiêm kích đa năng thế hệ 4 hiện đại hàng đầu châu Âu Dassault Rafale. Sự có mặt của nó tại Nội Bài làm dấy lên "nghi vấn" cho rằng phải chăng Pháp đang cố gắng chào hàng Rafale tới Việt Nam.
Dù vậy, trong cuộc họp báo ngay sau đó, Tướng Patrick Charaix - Chỉ huy chiến dịch Pegase tuyên bố "mục tiêu của chiến dịch nói chung và các hoạt động tại Việt Nam nói riêng không nhằm để chào bán vũ khí".
Tuy nhiên, có thể không phải bây giờ, nhưng chúng ta có quyền hi vọng rằng điều đó sẽ diễn ra trong tương lai. KQND Việt Nam vẫn cần được hiện đại hóa mạnh mẽ, và Rafale là một trong những ứng cử viên sáng giá.
Chúng ta càng có cơ sở tin tưởng hơn khi lật lại lịch sử quan hệ quốc phòng Việt – Pháp, những năm 1990 Việt Nam từng có ý định thậm chí suýt chút nữa đã thành công trong thương vụ mua các máy bay chiến đấu Mirage 2000 - thiết kế danh tiếng do Dassault Aviation sản xuất. Đây cũng là "cha đẻ" của dòng máy bay Rafale hiện nay.
Tiêm kích Rafale của Pháp tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Tuấn Khiêm.
Tiếc thương vụ "hụt"!
Trong cuốn "F-4 Phantom II vs MiG-21: USAF & VPAF in the Vietnam War" do NXB Osprey ấn hành của tác giả Peter Davies và "Báo cáo nghiên cứu chính sách (7/2016) của Trung tâm Sigur Nghiên cứu về Châu Á thuộc Đại học George Washington (Mỹ) đã nhắc tới việc Việt Nam không thành công trong thương vụ mua tiêm kích Mirage-2000 từ Pháp.
Theo đó, nguồn tin từ mạng này cho rằng, khoảng năm 1996, Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán mua ít nhất hai phi đội (24 chiếc) tiêm kích Mirage-2000 của Cộng hòa Pháp.
Mirage-2000 thời điểm đó vẫn là một trong những máy bay tiêm kích đa nhiệm hiện đại hàng đầu thế giới. Tính năng của nó có thể so sánh được với MiG-29 (Nga), F-16 (Mỹ), JAS 39 Gripen (Thụy Điển).
Tiêm kích Mirage-2000 do Pháp chế tạo.
Nếu thành công trong việc sở hữu tiêm kích Mirage 2000, Không quân Việt Nam có trong tay một loại chiến đấu cơ thế hệ 4 đủ mạnh để bổ sung cho các máy bay thế hệ 3 như MiG-21 và Su-22 bảo vệ chủ quyền trên không và trên biển.
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, trong đó có việc Mỹ vẫn áp đặt lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam nên hợp đồng mua tiêm kích Mirage-2000 từ Pháp đã phải dừng lại.
Báo cáo của Trung tâm Sigur Nghiên cứu về Châu Á thuộc Đại học George Washington (Mỹ) nhắc tới việc Việt Nam không thành công trong thương vụ mua tiêm kích Mirage-2000 từ Pháp.
So với MiG-21 hay Su-22 của Việt Nam khi đó, Mirage-2000 vượt xa về công nghệ, tính năng chiến đấu, đặc biệt trong khả năng tác chiến không đối không.
Ví dụ như, Mirage 2000 trang bị hệ thống radar Thomson CSF RDY có tầm hoạt động 100km trong chế độ không đối không, có khả năng phát hiện 24 mục tiêu, theo dõi 8 và chỉ thị tên lửa MICA hạ 4 mục tiêu cùng lúc.
Khả năng mang tải vũ khí ấn tượng - đến 6,3 tấn với 9 điểm treo cho phép mang các tên lửa không đối không MICA và R550 Magic. Trong đó, MICA là loại tên lửa tầm trung hiện đại, có khả năng "bắn và quên", đạt cự ly bắn từ 500m tới 80km, sử dụng dầu tự dẫn radar chủ động hoặc đầu dẫn hòng ngoại.
Tiêm kích Mirage 2000 mang được nhiều loại vũ khí không đối không, không đối đất hiện đại.
Trên các phiên bản Mirage-2000 thiên về khả năng tấn công đối đất (như Mirage 2000 D), nó có thể mang các tên lửa không đối đất AS-30L và bom dẫn đường laser GBU do Mỹ sản xuất.
Về mặt tốc độ - cơ động, những chiếc Mirage 2000 thiết kế kiểu cánh tam giác tuy không lý tượng về không chiến ở cao độ thấp nhưng lại nổi bật ở tốc độ bay lớn kết hợp với hệ thống lái tự động fly-by-wire mang lại tính cơ động cao và dễ dàng điều khiển, cùng với độ ổn định và điều khiển chính xác trong mọi thời tiết.
Việc mua hụt Mirage 2000 đã mở ra cơ hội lớn hơn đối với dòng tiêm kích Sukhoi Su-30MK2 ở Việt Nam. Bởi lẽ, Su-30MK2 là một lựa chọn không thể tốt hơn đối với Việt Nam vì dòng tiêm kích đa năng này có khả năng mang nhiều loại tên lửa diệt hạm hiện đại, có khả năng chi viện tốt trên hướng biển.
Cho dù Việt Nam có sở hữu Mirage-2000 đi chăng nữa thì chắc chắn Su-30MK2 vẫn sẽ được Không quân Việt Nam ưu tiên mua sắm, có chăng là số lượng sẽ ít hơn so với hiện tại.
Và khi đó, Không quân Việt Nam sẽ sở hữu đội hình "trong mơ" kết hợp giữa 2 loại máy bay tiêm kích hàng đầu thế giới Su-30MK2 và Mirage-2000.
Rõ ràng, sự kết hợp giữa Mirage 2000 với Su-27/30 trong nhiệm vụ tác chiến không đối đất, không đối hải nâng tầm sức mạnh không quân ta. Chắc chắn, Mirage 2000 làm tốt hơn MiG-21 nhiệm vụ "hộ tống" cho đội hình cường kích. Tiếc là điều đó đã không thành sự thật.
Dẫu vậy, giờ đây, hơn 20 năm đã qua đi, tình hình đã thay đổi, Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Chúng ta đã mua được nhiều loại trang bị tới từ châu Âu, gồm cả máy bay quân sự như vận tải cơ C-295M, các loại radar cảnh giới hiện đại… mà hầu như không gặp phải rào cản đáng kể nào.
Do đó, chúng ta có quyền hi vọng trong tương lai, Việt Nam có thể sẽ tiếp cận được với nhiều loại vũ khí mới cả của Pháp và phương Tây, bao gồm cả Mỹ.
Với Không quân Việt nam, tiêm kích Rafale – "người kế nhiệm" xuất sắc dòng tiêm kích Mirage 2000 của Pháp cũng được coi là một ứng viên tiềm năng.