Vũ khí "quét sạch chiến trường" của pháo binh Việt Nam
Pháo phản lực BM-21 Grad được Quân đội Nhân dân Việt Nam đưa vào trang bị từ năm 1978 và là một trong những vũ khí trọng yếu của Binh chủng Pháo binh, với khả năng tấn công mục tiêu ở cự ly lớn và gây sát thương trên diện rộng.
Cụ thể, một tổ hợp pháo phản lực BM-21 có thể tấn công phủ đầu mục tiêu từ khoảng cách 20 cho đến tối đa 40km, tùy loại đạn. Mỗi tổ hợp BM-21 được trang bị bệ phóng 40 nòng mang theo 40 quả đạn rocket cỡ 122mm và nó chỉ cần mất khoảng 20 giây để phóng đi toàn bộ số đạn này.
Tổ hợp pháo phản lực BM-21 của Lữ đoàn 368 cơ động vào vị trí, chuẩn bị chiến đấu... Ảnh: Quân đội Nhân dân.
...khai hỏa tiêu diệt các mục tiêu. Ảnh: Quân đội Nhân dân.
Với các loại đạn rocket thông thường, phạm vi gây sát thương của một tổ hợp BM-21 có thể lên đến 1.000 m2 và mỗi quả rocket đều mang theo một đầu đạn nặng 18,4kg đủ sức xóa sổ mọi sinh vật sống trong khu vực bị nó tấn công.
Tuy nhiên, các tính năng kỹ chiến thuật từng là thế mạnh của BM-21 đang dần mất đi ưu thế trước các loại vũ khí tấn công sử dụng công nghệ cao.
Do đó yêu cầu nâng cấp, hiện đại hóa tổ hợp pháo phản lực này trong Quân đội ta đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm giúp BM-21 có thể đáp ứng được các yêu cầu tác chiến mới trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Từ phóng sự "Nghiên cứu ở Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự" trên QPVN cho thấy, Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên trong việc nâng cấp và hiện đại hóa BM-21 bằng những công nghệ có sẵn trong nước, mang đến một sức mạnh mới cho tổ hợp pháo phản lực này.
"Đi tắt, đón đầu" nâng cấp BM-21
Việc nâng cao uy lực chiến đấu, khả năng cơ động và độ chính xác cho một tổ hợp pháo phản lực sử dụng đạn rocket không điều khiển được xem là bài toán khó đối với nhóm nghiên cứu cải tiến, hiện đại BM-21 thuộc Viện Cơ giới Quân sự.
Thế nhưng nhờ vào việc ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ cao vào trong thiết kế và chế tạo các phần tử chiến đấu mới cho BM-21, tổ hợp pháo phản lực này sau cải tiến đã đạt được nhiều bước đột phá về tính năng kỹ chiến thuật so với bản gốc.
Điều khiển lấy tham số bắn cho tổ hợp BM-21 từ vali điều khiển từ xa do Viện Cơ giới Quân sự phát triển. Ảnh: Kênh Quốc phòng Việt Nam.
Nếu như trước đây việc thao tác lấy phần tử bắn trên BM-21 được thực hiện thủ công thì sau cải tiến quá trình này được tự động hóa hoàn toàn bằng máy tính trên cabine xe hoặc điều khiển từ xa bằng máy tính di động dạng vali xách tay.
Sau khi có kết quả điều khiển tính toán lấy phần tử bắn hệ thống sẽ tự động điều khiển cụm tầm, hướng đưa giàn phóng về vị trí bắn. Để phù hợp với định hướng tự động hóa nhóm nghiên cứu cũng đã sửa đổi một số chi tiết trên xe phóng của BM-21 so với nguyên bản.
Trong đó hộp điều khiển trung tâm là bộ phận tích hợp nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hóa khả năng của thiết bị từ đó tăng khả năng tác chiến của khí tài.
Cùng với việc tự động hóa tính toán phần tử bắn và điều khiển hỏa lực nhóm tác giả cũng đã tích hợp hệ thống thông tin liên lạc mới cho các xe phóng BM-21, đảm bảo tính bí mật quân sự tăng khả năng chống nhiều và chất lượng thông tin ở cự ly lên đến 40km. Đảm bảo tác chiến trong mọi loại địa hình thời tiết ngày và đêm .
Từ khâu thiết kế, chế tạo, xây dựng phần mềm cho tới khối điều khiển nâng cấp cho BM-21 đều do nhóm nghiên cứu của Viện Cơ giới Quân sự chủ động nghiên cứu và thực hiện. Các thành phần chiến đấu mới của tổ hợp đều đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe nhất do Binh chủng Pháo binh đề ra.
Tổ hợp BM-21 bắn thử nghiệm sau khi được cải tiến. Ảnh: Kênh Quốc phòng Việt Nam.
Những tính năng vượt trội của pháo phản lực BM-21 sau cải tiến:
Một là: Có thể tự triển khai và lấy phần tử bắn nhanh và chính xác thông qua hệ thống điều khiển tự động trong xe phóng hoặc vali điều khiển từ xa.
Hai là: Thời gian triển khai và thu hồi pháo được rút ngắn từ 14 phút xuống còn 2,5 phút, hạn chế tối đa khả năng bị đối phương phản pháo. Kíp pháo thủ theo mỗi tổ hợp cũng được rút gọn.
Ba là: Khả tự điều chỉnh lấy lại tham số và giữ thăng bằng cho pháo sau loạt bắn, từ đó đảm bảo độ chính xác cho từng phát bắn dù tốc độ bắn của tổ hợp là cực nhanh.
Bốn là: Tổ hợp được trang bị hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến mới giúp việc trao đổi thông tin dữ liệu về mục tiêu cũng như tiếp nhận chỉ thị từ trung tâm chỉ huy trở nên dễ dàng, với độ bảo mật cao.
Thành công của đề tài cải tiến, hiện đại hóa pháo phản lực BM-21 đã tạo tiền đề quan trọng để Viện Cơ giới Quân sự tiếp tục hoàn thiện các dự án nâng cấp cải tiến và hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có trong Quân đội ta
Quân đoàn 1 nâng cao khả năng hiệp đồng trong diễn tập