Vị vua sáng chói của nước Việt: Sét đánh thành chữ, thuận trời - người lên ngôi hoàng đế

Lê Tiên Long |

Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về - Đại Việt sử ký toàn thư chép.

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.

Vị vua sáng chói của nước Việt: Sét đánh thành chữ, thuận trời - người lên ngôi hoàng đế - Ảnh 2.

Ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân Đình Bảng, Bắc Ninh cũng như nhiều địa phương khác lại tổ chức lễ giỗ vua Lý Thái Tổ, người có công định đô ở Thăng Long. (Năm nay với tinh thần chống dịch Covid-19 như chống giặc nên các hoạt động lễ  hội không tổ chức - nv)

"Dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, đánh dẹp kẻ phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ yên lành, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là mưu lược của bậc đế vương", sử thần Ngô Sĩ Liên ca ngợi Lý Thái Tổ, vị vua mở đầu triều Lý như vậy.

Vị vua sáng chói của nước Việt: Sét đánh thành chữ, thuận trời - người lên ngôi hoàng đế - Ảnh 3.
Vị vua sáng chói của nước Việt: Sét đánh thành chữ, thuận trời - người lên ngôi hoàng đế - Ảnh 4.

Nền tự chủ của nước ta, mở đầu từ các bậc khai nghiệp như Ngô Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, nhưng sự nghiệp của các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê đều khá ngắn ngủi, đất nước cũng chưa hoàn toàn ổn định.

Chỉ đến khi Lý Thái Tổ lên ngôi, rồi dời đô về Thăng Long, một thời kỳ ổn định lâu dài, mở ra một trang sử mới của dân tộc.

Sử sách nước ta cho biết vua Lý Thái Tổ tên tục là Lý Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, nay thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông là người "tư chất thông sáng, hình dạng tuấn tú khác đời". Khi còn nhỏ, ông theo học với nhà sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh lấy làm lạ, nói rằng: "Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước". 

Đến khi lớn lên, Công Uẩn khảng khái có chí lớn. Khoảng giữa niên hiệu Ứng Thiên nhà Tiền Lê, ông làm cấm quân dưới triều Trung Tông. Khi Lê Ngoạ Triều cướp ngôi của anh là Lê Trung Tông để lên làm vua, thăng Công Uẩn lên điện tiền chỉ huy sứ.

Đến khi Lê Ngọa Triều chết, Chi hậu Đào Cam Mộc đã chủ mưu cùng các quan tôn phò Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế.

Vị vua sáng chói của nước Việt: Sét đánh thành chữ, thuận trời - người lên ngôi hoàng đế - Ảnh 5.

Lý Công Uẩn bèn đại xá cho cả nước, lấy sang năm làm năm đầu một niên hiệu mới. Ông cho đốt hết các dụng cụ cực hình của triều Tiền Lê như lò đốt, lưới nhốt người dưới nước, xóa bỏ việc tù ngục và kiện tụng; xuống chiếu cho phép từ nay hễ ai có việc tranh giành thưa kiện, được đến tận triều đình mà tâu bày, nhà vua sẽ thân ra phân xử.

Việc Lý Thái Tổ lên ngôi được các sử quan đời sau cho là "ứng mệnh trời thuận lòng người". Từ đó, nhà Lý bắt đầu một thời kỳ thịnh trị, kéo dài qua 216 năm với 8 đời vua

Vị vua sáng chói của nước Việt: Sét đánh thành chữ, thuận trời - người lên ngôi hoàng đế - Ảnh 6.

Sau khi lên ngôi năm 1009, mùa xuân năm sau, Lý Thái Tổ về thăm quê hương là châu Cổ Pháp, rồi đến tháng 7, cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Nhà vua cho rằng thành Hoa Lư trũng thấp, chật hẹp, nên dụ bây tôi rằng: "Trẫm nay mở xem địa đồ, Đại La thành, kinh đô cũ của Cao Biền, ở trung tâm đất nước, có hình thế hiểm yếu như rồng bò hổ phục, bốn phương sum họp, người và vật đông nhiều, thực là chỗ kinh đô quý nhất của đế vương. Trẫm muốn nhân chỗ địa lợi ấy đóng làm kinh đô. Ý các khanh nghĩ thế nào?". Bầy tôi đều thưa: "Bệ hạ nói đến việc ấy thực là lợi cho thiên hạ muôn đời".

Nhà vua bằng lòng lắm, mới từ Hoa Lư dời kinh đô đến Đại La thành. Thuyền ngự đến bên thành, có con rồng hiện ra. Nhà vua sai đổi tên là thành Thăng Long. Năm 1019, nhà vua cũng mới cho dựng Thái miếu ở lăng Thiên Đức.

Lý Thái Tổ cũng là vị vua có nhiều võ công hiển hách. Năm 1011, nhà vua tự làm tướng đi đánh mán Cử Long, năm 1012, đi đánh dẹp ở Diễn Châu. Năm 1013, khi Hà Trắc Tuấn làm phản ở châu Vị Long, nhà vua cũng thân chinh cất quân đi, dẹp được. Năm 1020, nhà vua lại sai con là Khai Thiên vương Lý Phật Mã đi đánh Chiêm Thành, thắng lớn.

Vua cũng đặt lệ thuế khóa, sau đó sắp đặt lại quân đội.

Kinh thành Thăng Long từ đó đã trở thành kinh đô của suốt các thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, chỉ không phải là kinh đô trong thời nhà Nguyễn (1802-1945) và tiếp tục là thủ đô của nước Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Dưới thời Lý Thái Tổ, kinh thành cũng bắt đầu được đắp vòng thành bằng đất, xây dựng các cung điện, rồi sau đó sửa sang lại vào cuối thời nhà vua trị vì.

Trong Đại Việt sử ký, Lê Văn Hưu cho rằng: Có người hỏi: "Lê Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý".

Sử thần Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt sử ký toàn thư thì bình luận rằng: Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà vua thì vốn có tiếng khoan nhân, trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai! Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương". Tuy nhiên, dưới góc độ Nho giáo, Ngô Sĩ Liên vẫn phê bình Lý Thái Tổ rằng: "Duy có việc vua ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém".

Vị vua sáng chói của nước Việt: Sét đánh thành chữ, thuận trời - người lên ngôi hoàng đế - Ảnh 7.

Sử thần Lê Tung, trong Đại Việt thông giám tổng luận, thì nhận xét ngắn gọn rằng: "Lý Thái Tổ nhân Ngọa Triều thất đức, hiệp điềm tốt sét đánh thành chữ, ứng mệnh trời, thuận lòng người, thừa thời mở vận; có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân, tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ. Bắc Nam thông hiếu, thiên hạ bình yên".

Sang đến triều Nguyễn, khi đọc bộ sử Cương mục do sử quan dâng lên, vua Tự Đức phê rằng: "Nhà Lý được nước, cũng không phải chính nghĩa cho lắm, nhưng đương buổi Lê Ngoạ triều, lòng người lìa tan, sinh dân vô củ, không về với Công Uẩn còn biết theo ai? Cho nên, nhà Lý thì dường như được trời tựa, người theo; nhà Lê thì rõ là thoán đoạt. Còn việc làm của hai nhà ấy, đằng nhân nghĩa, đằng bạo ngược, rõ rệt khác nhau; mà các vua kế tự, bên hiền tài, bên hư hỏng, cũng sai biệt hẳn. Vì thế, một nhà thì ngắn ngủi, một nhà thì lâu dài: phải lắm!".

* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Lê Tiên Long tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại