01.
Trần Quang Diệu (1760 – 1802) là một trong Tây Sơn thất hổ tướng của nhà Tây Sơn. Ông cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã có nhiều đóng góp cũng như cố gắng chiến đấu để bảo vệ vương triều Tây Sơn nhưng không thành công.
Ông là người rất giỏi võ. Lúc nhỏ ông theo học với nhiều thầy. Lớn lên, Trần Quang Diệu được cao thủ võ thuật đương thời là Diệp Đình Tòng (ẩn ở núi Kim Sơn, huyện Hoài Ân) nhận làm đệ tử. Ông Tòng là người thông thạo năm loại binh khí: đao, kiếm, kích, thương, cung nhưng Quang Diệu chỉ chuyên tâm học nghệ đại đao.
Sau này nghe tin Nguyễn Nhạc là người có chí lớn nên tìm đến làm quen. Chính vì mối giao tình này nên khi ba anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa, Trần Quang Diệu tham gia ngay từ đầu.
Năm 1771, trên đường từ Hoài Ân vào Kiên Mỹ để gặp thủ lĩnh Nguyễn Nhạc, Trần Quang Diệu bị cọp tấn công. Vì không mang theo đao, Quang Diệu tay không chống cọp từ sáng đến trưa nên đuối sức, mình đầy thương tích. Đang lúc lâm nguy, Bùi Thị Xuân cùng đệ tự đi săn và cứu được ông. Ít lâu sau, nhờ Nguyễn Nhạc đứng ra chủ hôn, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân trở thành vợ chồng rồi cùng trải bao gian lao dưới ngọn cờ khởi nghĩa Tây Sơn.
Trụ cột của nhà Tây Sơn
Trần Quang Diệu góp mặt trong hầu hết những trận đánh quan trọng của quân Tây Sơn như chiếm thành Quy Nhơn (1773), đánh quân Xiêm (1785), tiêu diệt Mãn Thanh (1789)…
Khi Nguyễn Nhạc xưng đế, ông được phong làm Thiếu phó. Sau chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung cử ông làm Đốc trấn Nghệ An, coi việc trấn thủ và xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở đây.
Theo Đại Nam liệt truyện chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, tháng 9 năm 1792, vua Quang Trung ngã bệnh, bèn triệu Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô ra Nghệ An, phó thác triều đình. Sau khi Quang Trung mất, nội bộ Tây Sơn lục đục và suy yếu dần. Quân Nguyễn Ánh đánh chiếm nhiều nơi, Trần Quang Diệu giữ chức Thiếu phó cầm quân chống đỡ, giải nguy khắp Diên Khánh, Phú Yên, Bình Định…
Đầu năm 1800, đang lúc Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân tái chiếm thành Quy Nhơn thì Nguyễn Ánh tập kích kinh đô Phú Xuân, làm chủ Thuận Hóa buộc Diệu và Dũng kéo quân băng sang đất Lào ra Nghệ An để đánh chiếm lại kinh đô. Tuy nhiên, lần lượt Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng… đều bị quân nhà Nguyễn đánh bại và bắt giữ.
Trung thần không thờ hai vua
Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (1802), chiêu hàng Trần Quang Diệu nhưng ông khẳng khái đáp: "Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua nới rộng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở thôn dã cày ruộng, nộp thuế như người dân thường, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu".
Thấy không thể khuất phục được Trần Quang Diệu, ngày 30 tháng 11 năm 1802, Gia Long đem ông hành hình.
02.
Bùi Thị Xuân
Bùi Thị Xuân (1752 – 1802) là người ở thôn Xuân Hòa, nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Bùi Thị Xuân sớm được học văn và võ.
Tương truyền, Bùi Thị Xuân là người có nhan sắc, khéo tay và viết chữ đẹp. Lúc nhỏ, bà thích ăn vận kiểu con trai, thích múa kiếm đi quyền, lại hay nghe kể chuyện Bà Trưng, Bà Triệu cỡi voi đánh giặc, Bùi Thị Xuân náo nức muốn theo gương các bà.
Năm 12 tuổi, Bùi Thị Xuân theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh và nhanh chóng thành thạo, tài nghệ điêu luyện, nhất là môn song kiếm. Sau khi luyện tập võ nghệ thuần thục, bà rủ các chị em khác trong vùng đến nhà mình luyện quyền, múa kiếm. Đệ tử của bà ban đầu còn ít, dần dần lên đến vài chục người.
Như đã kể trên, năm ấy sau khi Bùi Thị Xuân giải nguy cho Trần Quang Diệu khỏi hổ dữ, hai người dần nảy sinh tình cảm và trở thành vợ chồng khi Trần Quang Diệu đến ở nhà Bùi Thị Xuân để trị thương, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến Phú Lạc.
Nữ tướng tài ba
Ngoài tài nghệ kiếm thuật điêu luyện, Bùi Thị Xuân còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa, và luyện voi. Với lòng dũng cảm phi thường, bà nhanh chóng cùng chồng là Trần Quang Diệu trở thành những vị tướng trụ cột, góp công lớn trong buổi đầu dựng nghiệp của nhà Tây Sơn.
Tháng 7 năm 1775, khi Nguyễn Huệ tiến đánh Phú Yên đã giao vùng Tây Sơn cho Bùi Thị Xuân và Võ Đình Tú trông coi.
Năm 1785, Bùi Thị Xuân cùng Trần Quang Diệu chỉ huy bộ binh, Võ Văn Dũng cùng Nguyễn Huệ chỉ huy thủy quân đã đánh tan 20 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Ở trận này, bà đã chém bay đầu tướng Xiêm là Lục Côn.
Tiếp đến là những năm tháng bà cầm quân đánh dẹp các thế lực chống đối vương triều Tây Sơn, trong đó có lực lượng của hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Chỉ kết hợp với Tù trưởng Bảo Lạc ở Hà Tuyên.
Sau khi Quang Trung mất, bà được cử vào trấn thủ Quảng Nam và nhiều lần đẩy lui được quân của Nguyễn Ánh
Năm 1802, vua Cảnh Thịnh cầm quân đánh chiếm lại Phú Xuân và Bùi Thị Xuân được lệnh đem 5.000 quân đi hộ giá. Chính bà tự tay thúc trống và anh dũng cưỡi voi đánh vào lũy Trấn Ninh, nơi mà Nguyễn Ánh đang cố thủ. Tiếc thay khi thế trận đang quyết liệt thì Cảnh Thịnh vội vã cho lui quân và nhà Tây Sơn trượt dài trên đà suy yếu. Và đây cũng chính là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của bà.