Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc
Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.
Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.
Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.
Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.
* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.
Ngày 21 tháng 2 âm lịch hằng năm, nhân dân xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa lại tưng bừng mở Lễ hội đền Bà Triệu để tưởng nhớ người nữ anh hùng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống ách đô hộ của quân Đông Ngô. (Riêng năm nay, để chống dịch Covid-19, các lễ hội đầu xuân trên toàn quốc đều không diễn ra để chung tay cùng Nhân dân và Chính phủ chống dịch, "chống giặc" Covid-19 - người viết)
Bà Triệu lớn lên khi nước ta đang bị nhà Đông Ngô đô hộ. Theo truyền thuyết thì bà sinh năm 226, quê ở làng Quan Yên, huyện Nông Cống, quận Cửu Chân, tức là làng Yên Thôn, xã Định Công, huyện Yên Định, Thanh Hóa ngày nay.
Cha mẹ mất sớm, bà ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Trung Sơn. Theo sách Thanh Hóa kỷ thắng của Tổng đốc Thanh Hóa là Vương Duy Trinh, soạn đầu thế kỷ XX, thì bà Triệu tên húy là Trinh, tiểu tự là Triệu Ẩu.
Bộ sử triều Nguyễn Khâm định Việt sử thông giám cương mục, khi chép đến chuyện Bà Triệu, đã giải thích về tên tự Triệu Ẩu của bà như sau: Chữ Ẩu trong tiếng Hán có nghĩa là tiếng gọi tôn kính các bà già, như bà mẹ đại thần nhà Hán được tôn gọi là Vạn Thạch Ẩu, còn nghĩa thứ hai có nghĩa là người bảo vệ nhi đồng. Do đó, đời sau gọi bà là Triệu Ẩu mà không gọi tên húy là tỏ lòng tôn kính, coi bà là bậc nữ lưu tôn quý.
Theo Thanh Hóa kỷ thắng, bà 20 tuổi rồi mà chưa lấy chồng, có chí lớn mưu lược, thường đem của cải nhà mình ra đãi khách, chiêu tập bạn bè, số lượng có tới vài nghìn người, đều là trai tráng đương thời. Khi có người hỏi chuyện chồng con, bà đã có câu nói nổi tiếng: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tỳ thiếp cho người!".
Do đó, khi chứng kiến quan lại nhà Ngô tàn ác với nhân dân ta, bà cùng anh khởi binh chống lại. Về cuộc khởi nghĩa của bà, Đại Việt sử ký toàn thư chép theo sử nhà Ngô rằng: Năm 248, người Cửu Chân lại nổi lên đánh hãm thành ấp, châu quận rối động. Vua Ngô cho Hành Dương đốc quân đô úy Lục Dận làm Thứ sử kiêm Hiệu úy. Dận đến nơi, lấy ấn tín hiểu dụ, nhân dân ra hàng phục đến hơn 3 vạn nhà, trong châu lại yên.
Sau đó, có người con gái ở quận Cửu Chân là Triệu Ẩu hợp quân đánh cướp quận huyện, Dận dẹp yên được.
Sách Giao Chỉ chí của Trung Quốc cũng chép: Năm 248, trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái em họ Triệu, không lấy chồng, họp đảng cướp các huyện trong quận, thường mặc áo ngắn sắc vàng đi guốc gỗ, ngồi đầu voi đánh nhau.
"Bà Triệu" - Tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai.
Hình ảnh bà Triệu luyện voi đánh giặc đã đi vào những câu ca dao vùng Nông Cống xứ Thanh, và nay là cả một huyện được đặt theo họ của bà - Huyện Triệu Sơn:
Ru con, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi.
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu Ẩu cưỡi voi đánh cồng.
Núi đây là núi Nưa, nay ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Điều đặc biệt là tại chân núi Nưa, năm 1961, đã phát hiện một kiếm ngắn bằng đồng, lưỡi dài 4,5 cm, chuôi dài 18 cm, cán kiếm khắc hình một người phụ nữ chống hai tay vào hông. Nhiều người cho rằng, bảo vật thời kỳ đồ đồng Đông Sơn này chính là kiếm lệnh của Bà Triệu trong cuộc khởi nghĩa oanh liệt của bà.
Sau khi anh hy sinh, bà Triệu Ẩu được quân lính tôn lên làm thủ lĩnh, xưng là "Nhụy Kiều tướng quân".
Trong bộ Việt Nam sử lược, nhà sử học Trần Trọng Kim cho rằng, quân của bà Triệu chống đỡ với quân Đông Ngô được năm, sáu tháng thì thua. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.
Sử gia thời Lê là Lê Tung, trong bộ Việt giám thông khảo tổng luận, bình luận về cuộc khởi nghĩa của bà: "Các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh Biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới".
Lúc đầu, quân Ngô coi thường, vì thấy bà chỉ là phận gái, liễu yếu đào tơ, nhưng khi lâm trận thấy Bà luôn thân chinh đi đầu, chỉ huy quân lính, đánh giặc như vào chỗ không người, chúng lo sợ, không dám đối đầu, thấy bà xuất hiện thường bỏ trốn. Quân Ngô ca ngợi bà là "Lệ Hải Bà Vương", truyền nhau hai câu:
Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện Bà vương nan.
Nghĩa là:
Cầm giáo đánh hổ dễ,
Đối mặt Vua Bà thì thực khó.
Khi đọc sử nước ta, đến phần khởi nghĩa của Bà Triệu, vua Tự Đức đã phê rằng: "Con gái nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Ẩu cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem như vậy thì Bắc sử chép chuyện Thành Phu nhân, quân nương tử, há có phải chỉ Trung Quốc là có đàn bà nổi danh tiếng đâu?".
Danh sĩ Dương Bá Trạc đã viết đôi câu đối để ca ngợi bà:
Một đầu voi chống chọi với quân thù, sau Trưng nữ rạng danh bà Lệ Hải;
Ba thước vú tử sinh cùng đất nước, cho Ngô hoàng biết mặt gái Giao Châu.
Trong bộ sử bằng thơ Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát cũng khen ngợi bà rằng:
Gặp cơn thảo muội cơ trời,
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh.
Truyền thuyết dân gian cho biết, sau khi không đánh lại được quân đội của viên tướng Lục Dận, bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc), huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Hiện nay, ở núi Tùng vẫn còn di tích lăng mộ của bà. Cách nơi bà mất không xa, trên núi Gai ngay sát quốc lộ 1A (đoạn đi qua thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc) là đền thờ bà.
Những hoạt động tưởng niệm bà ở đền thờ diễn ra từ ngay những ngày Tết Nguyên đán hằng năm, nhưng lễ lớn nhất được tổ chức vào ngày 21 tháng 2 (âm lịch), là lễ giỗ bà với những nghi thức long trọng nhất.
* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Lê Tiên Long tại đây.