Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc
Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.
Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.
Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.
Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.
* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.
Nghề làm thuốc chữa bệnh ở nước ta đã có từ nghìn năm xưa. Sử sách ghi rằng, từ thời Trần, triều đình đã lập vườn thuốc, làm thuốc dự trữ để phát cho nhân dân khi có dịch bệnh. Thời Hồ bắt đầu lập cơ quan y tế là Quảng Tế Thự và sang đời vua Lê Thánh Tông, nhà vua đã cho lập nhà Tế Sinh đường ở tất cả các địa phương để chăm lo chữa bệnh cho nhân dân.
Trong suốt các thời đại phong kiến Việt Nam, số danh y được lịch sử ghi lại cũng nhiều, nhưng hai danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông được người đời ca tụng, không chỉ vì tài năng chữa bệnh, tác phẩm để lại cho đời, mà cao nhất, còn là đức độ của họ nữa.
Ngày nay, rất nhiều tỉnh, thành có đường phố, trường y dược được đặt theo tên Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông.
Cả hai vị danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đều quê ở phủ Thượng Hồng, tức xứ Đông cuối thời Lê, và tỉnh Hải Hưng trước đây (nay chia ra thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên).
Tuệ Tĩnh (1330-1400), tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, phủ Thượng Hồng, huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông được gửi vào chùa tu tập. Năm 22 tuổi, ông đỗ Thái Học sinh (học vị Tiến sĩ sau này) nhưng không ra làm quan mà tiếp tục tu hành, pháp danh Tuệ Tĩnh, chuyên tâm nghiên cứu y học, đặc biệt là các bài thuốc nam, trị bệnh, cứu người.
Không những viết sách, chữa bệnh ông còn tổ chức cho nhân dân biết cách vệ sinh, phòng chống bệnh, dạy cho nhiều đệ tử và biến các chùa thành nơi chữa bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngay từ làng, xã.
Do tài năng nổi bật trong y thuật, Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng về chữa bệnh, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc. Đến tận cuối đời, ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người. Khi ông mất, trên bia mộ đã khắc dòng chữ "Ai về nước Nam cho tôi về với", khiến các sứ thần Việt Nam đời sau đến viếng mộ đều cảm thấy thương cảm.
Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác (1720-1791), nguyên quán xóm Văn Xá, hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), nên sau này, ông lấy biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, tức là Ông già lười quê ở trấn Hải Dương, phủ Thượng Hồng, không phải ông già lười trên biển như nhiều người nhầm.
Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có ông, bố, chú ruột đều đỗ cao, làm quan to ở thời vua Lê chúa Trịnh, nhưng khi ông trưởng thành thì gia cảnh đã suy sút. Lúc đầu ông gia nhập quân đội, nhưng ngoài 20 tuổi, người anh ở Hương Sơn mất, ông xin về quê nuôi mẹ già ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) rồi cả đời gắn bó với nghề thuốc.
Danh tiếng của Hải Thượng Lãn Ông vang vọng khắp đất Hoan Châu. Khi Huy quận công Hoàng Đình Bảo vào trấn thủ Nghệ An, đã cho mời ông đến dinh để bắt mạch, chữa bệnh. Khi Huy quận công về Thăng Long, làm cận thần trong phủ chúa Trịnh, gặp lúc chúa Trịnh Sâm và Thế tử Trịnh Căn bệnh nặng, đầu năm 1782, đã tiến cử với chúa triệu ông về kinh đô chữa bệnh. Ông ở kinh đô gần một năm, ngoài chữa bệnh cho chúa còn chữa bệnh cho rất nhiều người, cho đến khi chúa Trịnh Sâm qua đời, ông mới xin được trở về quê.
Sống ở thời Trần, Tuệ Tĩnh đã soạn ra nhiều bộ sách như Nam dược thần hiệu và Nam dược chính bản, sau đổi tên thành Hồng Nghĩa giác tư y thư rất nổi tiếng và có ý nghĩa về lịch sử y học và văn học Việt Nam. Đáng tiếc là khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã tịch thu hoặc phá huỷ hết sách vở, nên nguyên tác của các cuốn Dược tính chỉ nam và Thập tam phương gia giảm đều không còn nữa.
Các tác phẩm nói trên chỉ được người đời sau ghi chép lại theo truyền khẩu dân gian mà thôi. Bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư của ông để lại gồm hai quyển, quyển Thượng gồm 590 tên vị thuốc Nam, và đặc tính của 220 vị thuốc Nam, viết bằng thơ Nôm theo lối Đường luật. Quyển Hạ viết về các lý luận âm dương ngũ hành sinh hoá vào con người trong tiết khí bốn mùa, sự ảnh hưởng và bệnh tật, cách điều trị lâm sàng.
Các sách khác của ông như Thập tam phương gia giảm, Bố âm đơn, và Dược tính phú, đều là sách hướng dẫn gia giảm khi dùng thuốc chữa bệnh.
Với những bộ sách đồ sộ này, Tuệ Tĩnh vẫn xứng đáng được coi là ông tổ ngành dược Việt Nam.
Về sau, danh y Hải Thượng Lãn Ông đã kế thừa 496 bài phú dùng thuốc của Tuệ Tĩnh để đưa vào các bộ sách y dược như Lĩnh Nam bản thảo, Hành giản trân nhu, Vệ sinh yếu huyệt…
Với cuốn Nam dược thần hiệu, danh y Tuệ Tĩnh đề cao những công hiệu của các loại thuốc Nam có sẵn ở nước ta, khiến các lương y trong nước có thể xây dựng nền y học tự chủ, tự cường, độc lập, tránh phụ thuộc vào Đông y của Trung Quốc.
Chủ trương của ông là "Nam dược trị Nam nhân", ông nêu lên biện chứng khái quát về dược lý, hướng điều trị của hàng trăm vị thuốc. Ông nhận định, Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, nên bệnh thiên về thấp nhiệt, đàm hỏa và thường thì chính khí hư yếu. Do đó, phép chữa sẽ là: thanh nhiệt, trừ thấp, tả hỏa, hóa đàm, công bổ kiêm thi.
Hải Thượng Lãn Ông cũng là một tác gia lớn của nền y học cổ truyền Việt Nam. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam.
Sau chuyến lên kinh đô chữa bệnh cho chúa Trịnh và thế tử, ông cũng để lại tập bút ký Thượng kinh ký sự, trong đó có ghi lại rất nhiều trường hợp chữa bệnh cho từng bệnh nhân, với chi tiết đơn thuốc, hiệu quả… Bộ sách này không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.
Hải Thượng Lãn Ông có rất nhiều học trò giỏi. Có người học trò, thấy người bạn mình ở phủ Thượng Phúc (Thường Tín, Hà Nội ngày nay) say mê nghề thuốc, muốn về Hương Sơn thờ ông làm thầy mà phải chăm mẹ già nên chưa đi được, đã gửi tặng bạn bộ Y tông tâm lĩnh của thầy. Người bạn đọc sách, nghiền ngẫm cũng trở thành thầy thuốc có tiếng, nên đã lập linh vị thờ sống ông trong nhà. Trong chuyến lên kinh, Hải Thượng Lãn Ông có ghé qua thăm người học trò này để anh ta thỏa lòng mong ước.
Cả Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đều là những tấm gương sáng ngời về Y đức. Trong các tác phẩm của mình, Tuệ Tĩnh luôn nhắc nhở bản thân phải thương dân bệnh tật chết chóc, lo giữ nước vững bền, trước phải tìm thuốc chữa bệnh ở cây cỏ quanh mình, phổ biến một cách rộng rãi cho dân chúng biết và sử dụng.
Ghi nhớ tài năng của Tuệ Tĩnh, làng Văn Thái, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, nơi thờ ông, có đôi câu đối: "Hoàng Giáp phương danh đằng Bắc địa, thánh sự diệu dược chấn Nam bang", tạm dịch: "Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng Trung Quốc, chữa bệnh thần diệu tài quán ở Nam bang".
Hải Thượng Lãn Ông cũng thường xuyên viết về Y đức. Ông viết rằng: "Tôi thường thấm thía: thầy thuốc có nhiệm vụ bảo vệ mạng sống người ta; sự sống chết, điều họa phúc đều ở tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không khoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước nghề y".
Với ông, người thầy thuốc chân chính cần có tám chữ: Nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần (biết quan tâm đến người khác, sáng suốt, đức độ, thông minh, rộng lượng, thành thật, khiêm tốn, chăm chỉ, chịu khó).
Đồng thời, ông cũng nhắc người thầy thuốc cần tránh mắc tám tội: "Lười, keo, tham, dốt, ác, hẹp hòi, thất đức".
Trong Thượng kinh ký sự có câu chuyện minh họa rõ y đức của Lãn Ông. Đó là khi ông ở kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và Thế tử, một hôm, cùng lúc có vị tước hầu, người nhà của vị Quốc sư Tào quận công và bà vợ quan phủ Duy Tiên, người nhà vị Thượng thư, Văn quốc sư cùng đến mời đi thăm bệnh.
Ông nói: "Ngôi có tôn ti mà lễ có cấp bậc, các quan đều là đại thần trong nước hiện nay, một lúc cùng cho vời tôi, chẳng biết phải đến nơi nào trước, nơi nào sau. Xin quý hầu, quý bà xử định. Nhưng cả hai người đều vì tình chủ nhân mà kêu nài, ông mới nói:
"Người thầy thuốc lấy điều hoãn cấp (thư thả hay vội vã) làm trước sau. Thấy Tào quận công bệnh trầm trọng, lẽ tất nhiên là việc cấp. Phu nhân Văn quốc sư bị đau liên miên đã lâu, có cơ hoãn. Tôi xin trước hết đến với Tào quân công, ngày hôm sau sẽ đến thăm Văn quốc sư". Nghe vậy, người nhà hai vị đại quan đều thấy thỏa đáng.
* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Lê Tiên Long tại đây.