Bộ trưởng Tài chính Mỹ - người đạo diễn chương trình cấm vận đồ sộ của Mỹ nhằm vào Nga
Trục chính của quan hệ Nga - Mỹ sau năm 2014 là đối đầu toàn diện, công chúng quá quen với động từ “ cấm vận ” vốn từng rất lạ lẫm trong bang giao quốc tế - nó đã bị “vũ khí hóa”. Vậy nhưng, quá trình “sản xuất” thứ vũ khí này còn tốn kém và phức tạp hơn bất cứ loại công nghệ chiến tranh nào.
Chỉ 3 ngày sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine , Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen đã chủ trì cuộc họp để truyền tải chỉ đạo khẩn cấp của Tổng thống Joe Biden.
Ông chủ Nhà trắng yêu cầu áp ngăn chặn hoàn toàn đối với một số ngân hàng lớn nhất của Nga, áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trên toàn nước Nga đối với các công nghệ nhạy cảm, trừng phạt một số giới tinh hoa của Nga. Đồng thời, Mỹ xác định rằng bất kỳ công ty dịch vụ tài chính nào của Nga đều có thể là mục tiêu cho các biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Vài tuần sau, ông Joe Biden đã ban ra mệnh lệnh tổng quát, chưa từng có trong tiền lệ "o ép" một quốc gia khác: cắt đứt Moscow khỏi các nguồn lực cần thiết để theo đuổi chiến sự Nga- Ukraine .
Các bộ phận liên quan nhất trong thượng tầng chính trị Mỹ tỏa đi làm việc bằng mọi cách thức với đồng minh ở châu Á, châu Âu; đẩy một loạt hành động mới lên đỉnh điểm: “đóng băng” hoạt động của ngân hàng trung ương của Nga, thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc tế để truy tìm tài sản của Nga trên khắp thế giới, đồng thời loại bỏ các tổ chức tài chính quan trọng của Nga khỏi hệ thống SWIFT.
Một tháng sau ngày súng nổ ở Donbass, hơn 30 đối tác, bao gồm Australia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các thành viên của Liên minh châu Âu và G7 đã tham gia cùng với Nhà trắng để chống lại hành động quân sự của Tổng thống Putin. Tại sao phương Tây nhanh chóng đạt được đồng thuận về vấn đề hết sức hệ trọng này?
Khi hệ thống kinh tế chính trị thế giới hoạt động ổn định, tất cả phục tùng nguyên tắc do Mỹ và đồng minh đặt ra từ sau chiến tranh thế giới thứ II nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và hội nhập.
Hệ thống này được thiết kế để làm cho các nhiệm vụ có thể tương hỗ lẫn nhau, bằng cách cho phép các quốc gia thành viên ngăn chặn các quốc gia vi phạm nguyên tắc.
Người Mỹ tôn sùng bức tượng này và nghiễm nhiên áp dụng quan điểm của họ khắp thế giới
Không phải ngẫu nhiên mà liên minh này bao gồm các tổ chức phát hành các loại tiền tệ chuyển đổi lớn trong hệ thống tài chính, nắm giữ hầu hết các trung tâm tài chính quan trọng của thế giới và hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu.
Trong đó, USD và sức mạnh quân sự Mỹ là hai gọng kìm khiến các quốc gia phải e sợ. Khi Mỹ đã “lên tiếng” thì cũng có thể hiểu đó là G7, trung tâm châu Âu, Nhật Bản và NATO.
Nga hiện phải đối mặt với nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ suy giảm kinh tế. Một phân tích độc lập dự đoán rằng, về lâu dài, nền kinh tế Nga có thể giảm từ 30- 50% so với mức trước chiến sự Nga- Ukraine. Quan trọng nhất, những hành động của phương Tây sẽ làm suy giảm tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga và làm yếu khả năng triển khai sức mạnh của nước này.
Song, “vũ khí cấm vận” trước nguy cơ mất đáng kể hiệu quả, thử thách với Nga có thể là màn kiểm chứng cuối cùng, đòi hỏi người Mỹ phải tái cấu trúc hệ thống trừng phạt, tinh vi và phức tạp hơn nhiều.
Tỷ trọng tài sản phi chính thức toàn cầu tăng lên đáng kể, đây là tài sản không được kê khai vào GDP. Tiền điện tử và tài chính phi tập trung đã tạo ra những cách mới để nắm giữ và chuyển giá trị bên ngoài các hệ thống truyền thống, cho phép các quốc gia, cá nhân và tổ chức có các phương pháp thay thế để “rửa” các khoản thu bất hợp pháp.
Trong cuộc chạy đua để thao túng lẫn nhau, Trung Quốc nổi lên là đối thủ nặng ký. Và việc dùng con bài cấm vận với cường quốc châu Á chắc chắn không hề dễ dàng như với Nga hoặc Iran!