Vị tướng xe tăng kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam: Rất khác thường!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Trong khi trên khắp mọi miền Tổ quốc đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập QĐNDVN thì Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước lại chọn cho mình một cách kỷ niệm rất khác thường.

Làng Vây: Ký ức không quên

Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG) được thành lập từ năm 1959 song đến tháng 5.1967, sau nhiều lần đề nghị, nguyện vọng được ra chiến trường chiến đấu của bộ đội TTG mới được Quân ủy TƯ và Bộ Tổng Tư lệnh chấp thuận.

Thời điểm đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đang đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Tác chiến Bộ Tư lệnh TTG. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng binh chủng, ông chính là người trực tiếp soạn thảo Ý định sử dụng TTG trên chiến trường miền Nam cũng như kế hoạch hành quân cho Tiểu đoàn xe tăng 198 - đơn vị được vinh dự cử đi làm nhiệm vụ đầu tiên.

Vị tướng xe tăng kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam: Rất khác thường! - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tăng-Thiết giáp Học viện Quốc phòng.

Sau khi kế hoạch được cấp trên phê duyệt, ông cũng được chỉ định tham gia Bộ Tư lệnh tiền phương, trực tiếp chỉ đạo cuộc hành quân của Tiểu đoàn XT 198 vượt gần 1.000 km đường quân sự dưới sự ngăn trở của không quân Mỹ để vào khu vực Đường 9, đảm bảo 100% xe tăng tới đích.

Tại vị trí này, chính ông cũng là người trực tiếp đến Bộ Tư lệnh mặt trận nhận lệnh cho xe tăng phối thuộc với Sư đoàn BB 304 tiến công giải phóng căn cứ Làng Vây - một cứ điểm mạnh của địch để khai thông con đường vận chuyển lực lượng, phương tiện từ phía Tây về Khe Sanh, Tà Cơn... Đồng thời, qua trận đánh này cũng đánh giá được triển vọng sử dụng xe tăng tại chiến trường miền Nam.

Là trận đầu ra quân, quá trình chuẩn bị cho trận đánh này được tiến hành rất cẩn trọng trên tất cả các mặt. Và chính trong quá trình chuẩn bị đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đã một lần chết hụt khi đi trinh sát và một lần bị thương nặng do máy bay ném bom vào đội hình phải đi điều trị ơ Viện của mặt trận.

Nhờ quá trình trình sát sâu sát, ông đã cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh tiền phương đưa ra một quyết định hết sức táo bạo và độc đáo. Đó là tổ chức thêm một hướng tiến công từ phía nam lên.

Đây là hướng quân địch không ngờ tới vì mặt nam cứ điểm được con sông Sê-Pôn bao bọc. Với sự tích cực, sáng tạo của Trung đoàn CB7 của mặt trận, con sông Sê-Pôn với rất nhiều ghềnh đá đã được cải tạo, trở thành đường cơ động của loại xe tăng bơi PT-76 của Tiểu đoàn 198.

Vị tướng xe tăng kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam: Rất khác thường! - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước bên cạnh chiếc xe tăng PT-76 số hiệu 268 tại Đài tưởng niệm Chiến thắng Làng Vây.

Bởi vậy, quân địch trong cứ điểm mặc dù đã biết Quân giải phóng đã có xe tăng sau trận đánh Tà Mây song đã hoàn toàn bị bất ngờ.

Với hai hướng tiến công, trong đó hướng Nam là hướng chủ yếu, số phận căn cứ Làng Vây với 1 tiểu đoàn biệt kích dưới sự chỉ huy của 24 cố vấn Mỹ đã nhanh chóng được định đoạt với sự tổn thất tối thiểu về phía ta.

Trận đánh thắng ở Làng Vây có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với thế trận chung của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, đồng thời khẳng định hoàn toàn có thể sử dụng TTG tại chiến trường miền Nam một cách hiệu quả, cho phép rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trở sử dụng TTG sau này.

Đồng thời, chiến thắng nay đã mở ra truyền thống vẻ vang "Đã ra quân là đánh thắng" của binh chủng TTG.

Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước, trận đánh Làng Vây trở thành một kỷ niệm vô cùng sâu sắc và ký ức không thể nào quên trong cuộc đời chiến đấu lâu dài của ông.

Vị tướng xe tăng kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam: Rất khác thường! - Ảnh 3.

Xe tăng PT-76 mang số hiệu 555 tham gia trận đánh điểm cao 543. Ảnh tư liệu.

Trở lại chiến trường xưa, tri ân liệt sĩ

Trong những ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước về trận Làng Vây thì ký ức sâu đậm nhất là về những người liệt sĩ.

Đó là chính trị viên đại đội Vũ Tuấn Anh, trung đội trưởng Nguyễn Mạnh Tản, trung đội trưởng Nguyễn Văn Lạc và nhiều anh em nữa. Trong tâm tưởng của ông luôn đau đáu mong muốn một ngày nào đó được trở về chiến trường xưa để tri ân các liệt sĩ đã hy sinh ở đó.

Và tâm nguyện đó của ông đã được phu nhân cùng các con của ông hưởng ứng. Là những doanh nhân thành đạt, các con ông đã quyết định tổ chức một buổi giao lưu Tri ân các anh hùng liệt sĩ và một Đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ ngay tại cứ điểm Làng Vây - nơi cha mình và các đồng đội đã tham gia chiến đấu tháng 2.1968 vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Mặc dù đã sang tuổi 90, sức khỏe đã giảm sút nhiều do tuổi cao và vết thương cũ tái phát song Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đã quyết định sẽ phải có mặt trong sự kiện đó.

Với sự tham gia của đông đảo cựu chiến binh TTG, thân nhân liệt sĩ - trong đó có con của hai liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh Làng Vây, của gần 100 cán bộ, nhân viên Công ty PPCAT Việt Nam, hơn 40 sinh viên các trường đại học tại Hà Nội cùng đông đảo bà con nhân dân địa phương, buổi giao lưu "Tổ quốc khắc mãi tên anh" tối ngày 21.12 đã thành công rực rỡ.

Vị tướng xe tăng kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam: Rất khác thường! - Ảnh 5.

Trong buổi giao lưu đó, các CCB Nguyễn Vũ Cỏn và Phạm Huy Hải- những người đã trực tiếp chiến đấu tại đây tháng 2.1968 đã kể về những gin khổ, hy sinh mà họ đã trải qua để có được trận thắng Làng Vây, đồng thời phát biểu cảm tưởng khi được trở lại chiến trường xưa và chứng kiến sự thay da đổi thịt đến không ngờ của mảnh đất này.

Cũng trong buổi giao lưu đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước chỉ nói ngắn gọn: "Đất nước ta được như ngày hôm nay là kết quả của sự hy sinh chiến đấu của biết bao liệt sĩ.

Vì vậy, chúng ta phải luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và phải phấn đấu nhiều hơn để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh cho xứng đáng với sự hy sinh đó. Đó là trách nhiệm của các thế hệ hôm nay".

Với tài năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các nghệ sĩ và sinh viên đã cất cao lời ca tiếng hát ca ngợi sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, ca ngợi người chiến sĩ QĐND Việt Nam đang ngày đêm vượt mọi gian lao nơi biên giới hải đảo để bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc và cuộc sống của nhân dân.

Ngày 22.12, trong lúc gia đình và các phật tử, bà con nhân dân tiến hành Đại lễ cầu siêu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đã cùng các CCB lần tìm lại một số địa điểm có ý nghĩa trong cuộc chiến đấu năm xưa.

Đó là khu di tích nhà ngục Lao Bảo, nơi tập kết của Đại đội XT 3, bãi cát làng Troài - nơi Đại đội XT 9 tiếp cận lên bờ sau gần 6 km cơ động xuôi dòng sông Sê-Pôn, điểm cao 230- cứ điểm tiền tiêu của Làng Vây, vị trí "cửa mở"...

Mặc dù tuổi đã ngoại 90 song ông vẫn nhớ như in quá trình chuẩn bị, công tác trinh sát, xây dựng quyết tâm chiến đấu trong quá trình chuẩn bị chiến đấu cũng như diễn biến chính và các tình huống đột xuất của trận đánh.

Không chỉ vậy, ông còn chỉ ra nhiều bài học mà các thế hệ cán bộ chiến sĩ TTG ngày nay phải lấy làm kinh nghiệm trong huấn luyện- sẵn sàng chiến đấu...

Dường như Trời Đất cũng cảm thông, các liệt sĩ cũng thấu hiểu tấm lòng của vị tướng già cho nên trong những ngày diễn ra sự kiện đó, thời tiết ở khu vực Làng Vây thật là đẹp mặc dù cả miền Bắc và miền Trung mưa rét não nề.

Còn đối với Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước, dường như ông cũng đã được tiếp thêm sức mạnh. Và trong đôi mắt già nua của ông thấy sáng lên những tia sáng của niềm vui và sự mãn nguyện bởi tâm nguyện bao năm của mình đã thành hiện thực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại