Tính từ năm 2016, hơn 10 xe tăng Leopard 2A4 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị tiêu diệt tại chiến trường Syria, phần lớn các xe tăng này bị tiêu diệt bởi hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường thế hệ cũ của Liên Xô 9K111 Fagot, loại tên lửa ra đời trước khi thiết kế của xe tăng Leopard 2 được hoàn tất.
Xe tăng chủ lực Leopard 2 được chế tạo bởi tập đoàn Krauss Maffei của Đức từ những năm 1979, được nâng cấp nhiều lần với các tùy chỉnh khác nhau với phiên bản mới nhất mang mã 2A7+. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu khoảng 354 xe tăng Leopard 2A4, dòng xe ra đời khoảng cuối những năm 1980, đầu những năm 1990.
Theo đánh giá của tạp chí quân sự Mỹ, xe tăng Leopard 2 thường xuyên chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng những loại xe tăng mạnh nhất thế giới, loại tăng này cũng có mặt trong quân đội nhiều nước thành viên NATO.
Xe tăng Leopard 2 được trang bị pháo nòng trơn Rheinmetall L/55 120 mm, 2 súng máy MG3A1 7,62 mm, tốc độ tối đa 72 km/h và được chuyên gia phương Tây nhận định có khả năng sống sót rất cao trong giao tranh.
Tuy nhiên những nhận định này phần lớn dựa trên thông số kỹ thuật về mặt lý thuyết của xe tăng Leopard 2, còn trên thực tế loại xe tăng này hiếm khi tham chiến thực sự - chúng chủ yếu làm nhiệm vụ phòng thủ tại các căn cứ quân sự của các nước NATO tại nước ngoài.
Tên lửa chống tăng 9K111 Fagot do Liên Xô chế tạo và sử dụng rộng rãi từ đầu những năm 1970. (Ảnh: RIA Novosti)
Leopard 2 lần đầu tiên thử lửa trên chiến trường vào tháng 12/2016 trong chiến dịch Lá chắn Euphrates của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trận đánh tại thành phố al-Bab, Syria, các tay súng sử dụng tên lửa chống tăng dẫn đường 9K111 Fagot, vốn bị đánh cắp từ kho của quân đội chính phủ Syria, để tấn công xe tăng Leopard.
Trong chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ mất đến hơn 10 xe tăng Leopard 2A4 và hóa ra loại xe tăng bất khả xâm phạm lại chỉ hữu danh vô thực trên chiến trường.
Nhiều xe tăng Leopard 2A4 bị phá hủy do khoang đạn trên xe phát nổ và thổi bay tháp pháo của xe, các chuyên gia quân sự nhận xét đây là gót chân Achilles khiến cỗ máy chiến tranh hiện đại của Đức gục ngã trước tên lửa chống tăng đời cũ của Liên Xô.
Video: Xe tăng Leopard Thổ Nhĩ Kỳ tan tành sau khi trúng tên lửa
“Một lần nữa, rõ ràng xe tăng Leopard 2 có nhược điểm thiết kế chết người là giá chứa đạn được đặt ở phía trước bên trái của tháp pháo, vị trí được bảo vệ kém nhất", các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Công nghệ của Nga nhận định.
"Xe tăng Leopard 2A4 bị tiêu diệt do khoang đạn phát nổ được ghi nhận lần đầu trong các trận chiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại al-Bab, Syria vào tháng 12/2016”.
Tổng biên tập tạp chí Xuất khẩu Vũ khí của Nga, Viktor Murakhovsky nói với RIA Novosti xe tăng, thậm chí cả những loại rất hiện đại, rất khó có thể sống sót nếu trúng tên lửa chống tăng dẫn đường, bất cứ loại nào chứ không riêng tên lửa của Liên Xô hay của Nga.
Riêng với xe tăng Leopard 2, ông nhận định rằng nguy cơ phát nổ khoang đạn trên loại xe tăng này chưa được giải quyết.
Thêm vào đó, loại xe tăng xếp ngay dưới Leopard 2 trong các bản đánh giá của chuyên gia phương Tây, M1A2 Abrams của Mỹ, cũng là nạn nhân của các loại tên lửa chống tăng dẫn đường. Tại Yemen, lực lượng Houthi nhiều lần tiêu diệt xe tăng M1A2 Abrams của quân đội Ả Rập Xê út.
Tất nhiên, dù xe tăng T-90 của Nga tại Syria hiếm khi bị tên lửa chống tăng dẫn đường tiêu diệt song không có nghĩa là dòng xe tăng này bất khả xâm phạm trước loại vũ khí chống tăng nguy hiểm nói trên.
Do còn rất hiệu quả, quân đội Nga vẫn tiếp tục sử dụng tên lửa chống tăng 9K111 Fagot có từ thời Liên Xô bên cạnh các loại tên lửa đời mới như 9K115-2 Metis-M hay 9M133 Kornet.