Vì sao Việt Nam chưa đặt mua máy bay cảnh báo sớm trên không?

Quân sự |

Máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong tác chiến hiện đại.

Căn cứ vào 16 ý kiến bình luận của độc giả gửi về tòa soạn tính đến ngày 9/4/2016, sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định trao giải thưởng cho độc giả sau:

Phần trả lời của bạn Bá Tước Henry

Câu hỏi là tại sao Việt Nam chưa đặt mua máy bay cảnh báo sớm trên không? tôi xin đưa ra nguyên nhân và nhận xét (kèm theo dẫn chứng cụ thể):

*Lý do thứ 1: giá thành “máy bay cảnh báo sớm trên không” đắt đỏ, quá cao so với các loại máy bay khác.

Ví dụ cụ thể 1 chiếc E-2D Hawkeye của Hải quân Mỹ giá 170 triệu USD, 1 chiếc E-3 Sentry của không quân Mỹ giá 270 triệu USD, trong khi giá thành tiêm kích chiến đấu thế hệ 4 Su-30MK2 của không quân Việt Nam là 42 triệu USD, gấp 4 - 6,4 lần.

Tức là 1 chiếc “máy bay cảnh báo sớm trên không” có giá bằng 1 phi đội tiêm kích chiến đấu thế hệ 4 (theo tiêu chuẩn thế giới thì 1 phi đội gồm 3 đến 6 chiếc máy bay).

*Lý do thứ 2: máy bay cảnh báo sớm trên không thích hợp cho tác chiến chủ động tấn công trên chiến trường rộng lớn, chưa phù hợp với chiến thuật tác chiến phòng thủ giới hạn của quân đội Việt Nam.

Nhiệm vụ chính của máy bay cảnh báo sớm trên không là phát hiện và cảnh báo các máy bay của đối phương, chỉ huy và phối hợp tác chiến giữa các máy bay chiến đấu.

Các máy bay AWACS hiện đại có khả năng phát hiện máy bay từ khoảng cách 400 km - 650 km, có thể bao quát một khu vực rộng tới 300.000 km2.

Như vậy máy bay cảnh báo sớm trên không thích hợp cho chiến thuật tác chiến tấn công chủ động trên chiến trường rộng lớn, trong khi chiến thuật của Việt nam là tác chiến phòng thủ trên phạm vi giới hạn.

*Lý do thứ 3: máy bay cảnh báo sớm trên không phù hợp để dùng cho những quốc gia lớn có lực lượng không quân mạnh, số lượng máy bay nhiều mới có thể phát huy được hết sức mạnh.

Còn Không quân Việt nam hiện tại chỉ mới ở mức đủ sức mạnh để phòng thủ đất nước, số lượng máy bay hiện đại chỉ mới ở mức trung bình. (Số lượng máy bay chiến đấu thế hệ 4 mới chỉ có 47 chiếc, còn lại là thế hệ 2,3 đã lạc hậu và tác chiến không mạnh).

Trong khi đó, 1 chiếc máy bay cảnh báo sớm trên không kiểm soát phi đội chiến đấu với 10 - 15 máy bay.

Như vậy rõ ràng là máy bay cảnh báo sớm trên không phù hợp để dùng cho những quốc gia lớn có lực lượng không quân mạnh, số lượng máy bay nhiều (như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ…) mới có thể phát huy hết sức mạnh.

*Lý do thứ 4: Không quân Việt nam chỉ mới được đầu tư và hiện đại hóa trong những năm gần đây, nên cơ sở hạ tầng để vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp máy bay cảnh báo sớm trên không sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi máy bay cảnh báo sớm trên không đòi hỏi nâng cấp cơ sở hạ tầng lớn, thiết bị hiện đại nên sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng tốn kém và cần kỹ thuật cao. Không quân Việt nam sẽ gặp khó khăn lớn trong vấn đề này.

*Lý do thứ 5: Việt nam là nước có diện tích trung bình (331.698 km²), nhưng hình dáng hẹp và kéo dài vì vậy dễ bị không quân kẻ địch đột kích bất ngờ, máy bay cảnh báo sớm trên không sẽ trở nên dễ bị tấn công và tổn thất.

Do máy bay cảnh báo sớm trên không phải đóng tại những căn cứ không quân lớn, đòi hỏi đường băng rộng và dài, khó ẩn nấp.

Trong khi các loại máy bay nhỏ hơn có thể trực chiến tại các sân bay dã chiến mà kẻ địch khó phát hiện, dễ dàng hóa trang ẩn nấp hoặc được bảo vệ trong các hầm trú ẩn dưới mặt đất, trong lòng núi.

* Lý do thứ 6: Việt Nam có một hệ thống radar cảnh báo và theo dõi có phạm vi tác chiến rộng, bố trí từ bắc đến nam, số lượng đông đảo,có kinh nghiệm chiến đấu tốt, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, chống nhiễu mạnh và dần được nâng cấp hiện đại.

Chúng hoàn toàn có thể phát hiện địch và cảnh báo từ xa, không để tổ quốc bị tấn công bất ngờ. Ví dụ cụ thể là quân dội Việt Nam trang bị 1 số loại radar như:

Radar cảnh giới P-14 Oborona-14 làm việc trên dải sóng mét, có cự ly phát hiện xa với tầm hoạt động 600 km;

Radar bắt mục tiêu và cảnh báo P-18 Terek làm việc trên dải sóng mét, có tầm hoạt động tối đa 170 km, có thể theo dõi cùng lúc 120 mục tiêu;

Radar cảnh giới kiêm giám sát mục tiêu P-19 Danube có khả năng phát hiện số lượng lớn các mục tiêu tầm thấp, hoạt động trên tần số UHF, tầm quét 260 km và có thể quay 360 độ;

Radar đo độ cao PRV-16 có nhiệm vụ cảnh giới kiêm dẫn đường, có nhiệm vụ trinh sát, phát hiện, bám sát các mục tiêu trên không.

Chúng dùng để quản lý vùng trời, kịp thời phát hiện địch trên không và thông báo cho các đơn vị hỏa lực phòng không, dẫn đường cho máy bay chiến đấu bảo vệ bầu trời, ít chịu ảnh hưởng nhiễu và hoạt động tốt trong nhiều điều kiện thời tiết;

Radar 36D6 giám sát không phận được sử dụng như một phần của hệ thống phòng không tích hợp, làm nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) nhỏ bay ở độ cao thấp và rất thấp trong môi trường nhiễu chủ động và bị động mạnh.

36D6 là một thành phần quan trọng của hệ thống hỗ trợ điều khiển trong hệ thống phòng không tích hợp S-300PMU1/2;

Radar Vostock E có thể phát hiện máy bay chiến đấu ở cự ly 350 km và bám cùng lúc không dưới 120 mục tiêu, có khả năng bắt máy bay tàng hình ở cự ly 72 km trong môi trường bị đối phương gây nhiễu điện tử mạnh;

Hệ thống trinh sát điện tử Kolchuga có khả năng phát hiện máy bay tàng hình như B-2 Spirit mà không chịu ảnh hưởng của các thiết bị phá sóng hoặc tên lửa bức xạ chống radar;

Hệ thống radar EL/M-2288 AD STAR do Israel sản xuất có tầm trinh sát tới 430 km, là radar 3D hoạt động ở băng tần S, nó được trang bị bộ vi xử lý tín hiệu kỹ thuật số có khả năng tự động theo dõi và phân loại mục tiêu, có khả năng cơ động cao.

Nó xử lý xung Doppler, tự động phát hiện mục tiêu, có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo, khả năng kháng nhiễu ECM, hệ thống nhận dạng bạn thù IFF, có thể hoạt động một cách độc lập hoặc một phần trong hệ thống phòng không tích hợp;

Radar Coast Watcher 100 (CW-100) thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, do Tập đoàn Thales (Pháp) sản xuất.

Coast Watcher 100 sử dụng sóng truyền bề mặt dựa vào sóng đất với bước sóng khoảng 10 m cho phép sóng radar truyền đi theo đường cong của trái đất, có thể cung cấp khả năng giám sát bờ biển 24/7 liên tục trong 365 ngày mà không cần bảo trì…

Như vậy với một lực lượng radar cảnh báo theo dõi đông đảo, hiện đại, đa dạng, phân bố trên khắp đất nước Việt Nam,có kinh nghiệm chiến đấu tốt, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, Việt Nam sẽ phát hiện và theo dõi kẻ thù từ xa, không để tổ quốc bị tấn công bất ngờ.

Đây là một lý do không cần phải mua thêm máy bay cảnh báo sớm trên không nữa.

*Lý do thứ 7: Bố trí thế trận quân sự của Việt nam tại thời điểm hiện nay là tương đối hợp lý, đảm bảo tính chủ động đối phó, phản ứng nhanh với mọi tình huống bất ngờ. Cho nên mua máy bay cảnh báo sớm trên không trở nên không quá cấp thiết nữa.

Quân đội Việt Nam bố trí sân bay quân sự, hệ thống radar, hệ thống tên lửa và pháo phòng không đa dạng, phân bố rộng khắp từ bắc vào nam; phối hợp tác chiến giữa các lực lượng radar, máy bay, tên lửa, pháo phòng không rất chặt chẽ và hiệu quả.

Phát huy được tối đa sức mạnh của các binh chủng hợp thành, sẽ đánh trả kịp thời và mạnh mẽ bất cứ mối đe dọa nào từ kẻ thù.

*Lý do thứ 8: Việt Nam chưa từng sử dụng máy bay cảnh báo sớm trên không nên chưa có kinh nghiệm sử dụng; sẽ cần nhiều thời gian học hỏi nghiên cứu và tốn kém chi phí để đào tạo phi công, nhân lực sử dụng loại khí tài này.

Trong khi tình hình thế giới rất nhiều biến động, bất ổn có thể xảy ra xung đột quân sự vào bất kỳ lúc nào. Nên đây là một lý do để chúng ta chưa cần mua máy bay cảnh báo sớm trên không mà phải đầu tư cho những khí tài khác cần thiết hơn.

*Lý do thứ 9: máy bay cảnh báo sớm trên không là loại máy bay to lớn, cơ động kém, tốc độ chậm, hệ thống bảo vệ yếu, hỏa lực không có hoặc rất yếu nên khi tác chiến dễ bị tấn công tiêu diệt bởi các tiêm kích, tên lửa hoặc pháo phòng không.

*Lý do thứ 10: Tình hình căng thẳng biên giới đất liền và hải đảo buộc chúng ta cần phải đầu tư mạnh cho cả hải quân và lục quân.

Việc xây dựng lực lượng không quân là cần thiết nhưng chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa đã khiến chúng ta phải đầu tư rất lớn vào hải quân (mua tàu ngầm, tàu nổi, xây dựng cơ sở hạ tầng bến cảng, xây dựng hệ thống phòng thủ biển đảo…).

Mặt khác Lục quân cũng đang được xác định sẽ đầu tư hiện đại hóa. Đó là lý do chúng ta không mua máy bay cảnh báo sớm trên không mà sẽ đầu tư mua thêm những khí tài hiện đại cho lục quân để bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc Việt Nam.

*Lý do thứ 11: Lục quân Việt nam có tỷ lệ quân nhân cao nhất (khoảng 80% quân số tương đương 370.000 quân chính quy) nhưng lại lạc hậu nhất nên cần phải đầu tư cho tương xứng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại