Theo nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Edin Hardaus, trên lãnh thổ Nam Tư cũ có khoảng 40 địa điểm chiến lược giữ vai trò cực kỳ quan trọng, bao gồm cả một số sân bay ngầm, đó là những bí mật quân sự lớn nhất.
Khoảng 90 tỷ USD đã được chi ra để xây dựng nên tổ hợp công trình đặc biệt trên, trong đó Željava là sân bay ngầm lớn nhất và đắt đỏ nhất, khi tiêu tốn tới 4,5 tỷ USD để hoàn thành.
Căn cứ không quân duy nhất có thể cạnh tranh với Željava mặc dù quy mô nhỏ hơn nhiều là Slatina nằm tại Pristina, thủ phủ của Kosovo. Chúng là cấp độ ưu tiên số 1 của việc đầu tư cho quốc phòng.
Sơ đồ sân bay ngầm Slatina nằm tại thủ phủ Pristina của tỉnh Kosovo
Ở mức thấp hơn, cấp độ hai là những căn cứ không quân có nhà chứa máy bay đủ sức chống chọi lại một cuộc tấn công hạt nhân, ví dụ như các sân bay Podgorica, Mostar và Split.
Cấp độ 3 và cũng phổ biến nhất là xây dựng các nhà chứa máy bay với mái bê tông cốt thép vững chắc, chịu được sức công phá của bom cỡ nhỏ hay đạn pháo. Hầu như mọi sân bay quân sự trên lãnh thổ Nam Tư đều có những công trình kiểu này.
Ảnh vệ tinh chụp khu vực sân bay ngầm Slatina
Tổ hợp công trình ngầm Slatina được so sánh như một mê cung nằm sâu trong lớp đá của đảo Vis thuộc vùng biển Adriatic, với hơn 70 km chiều dài.
Nó hoàn thành vào năm 1965, có thể chứa hơn 5.000 binh sĩ bên trong và đảm bảo duy trì cuộc sống cho họ trong ít nhất 45 ngày bị cô lập hoàn toàn.
Tiêm kích đánh chặn MiG-21 được cất giấu dưới đường hầm sân bay
Trong cuộc không kích của NATO diễn ra năm 1999, 2 phi đội (24 máy bay) tiêm kích MiG-21 và MiG-21UM của Serbia đã được cất giấu tại đây.
Căn cứ này có 300 m hangar nằm sâu trong núi, ở dưới chân một ngọn đồi, được kết nối với đường băng chính của sân bay Pristina bởi 2 đường lăn.
Ngoài ra nó còn các công trình đảm bảo khác như: phòng dành cho phi công, kho vũ khí, xưởng sửa chữa, các dãy nhà tập thể...
Trạm radar cảnh giới được bố trí trên đồi Goles, binh sĩ làm việc trong đó có thể sơ tán nhanh chóng xuống lòng đất thông qua hệ thống thang máy.
Khu hầm chứa máy bay nằm sâu trong núi
Nhờ được bảo vệ bởi tổ hợp công trình kiên cố như vậy mà trong suốt chiến dịch của NATO, các máy bay chiến đấu của Trung đoàn không quân số 83 đóng tại đây đã không phải chịu bất kỳ thiệt hại nào, toàn bộ chúng đều nguyên vẹn.
Sân bay quốc tế Slatina thời điểm hiện tại
Sau khi Liên bang Serbia - Montenegro tan rã cùng với việc tỉnh Kosovo tuyên bố độc lập, Slatina đã được lắp đặt các thiết bị mới và cải tạo thành sân bay quốc tế, tuy nhiên vai trò của nó trong các hoạt động quân sự vẫn được duy trì.