Ukraine tiếp tục bị Nga áp đảo
Ukraine vẫn có thể bị pháo binh Nga áp đảo trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2024 bất chấp việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Kiev giữa bối cảnh cả Mỹ và châu Âu đều tăng cường sản xuất đạn tiêu chuẩn NATO và bổ sung kho vũ khí của mình, các nhà phân tích và các quan chức nhận định với Foreign Policy.
Trong nhiều tháng, quân đội Ukraine, từng bắn khoảng 2.000 quả pháo mỗi ngày, giờ chỉ đủ để duy trì một cuộc giao tranh phòng thủ chống lại Nga. Ngay cả khi gói hỗ trợ quân sự mới của Mỹ được thông qua, hầu hết các nhà máy vẫn chưa tăng cường sản xuất.
"Vấn đề là có sự thiếu hụt lớn về đạn pháo trên toàn thế giới", nghị sĩ Ukraine Oleksandra Ustinova nhận định. Theo nghị sĩ này: "Châu Âu nói rằng họ sẽ cung cấp cho chúng ta 1 triệu quả pháo và họ mới chỉ cung cấp 30% trong số đó. Mỹ đã cạn kiệt nguồn dự trữ và họ cũng đang phải vận chuyển vũ khí cho Israel. Họ chỉ đang tăng cường dây chuyền sản xuất".
Việc Quốc hội thông qua gói hỗ trợ mới đồng nghĩa với việc chính quyền Tổng thống Biden có thể bắt đầu bổ sung kho đạn dược của Bộ Quốc phòng mà Mỹ có thể cần trong một cuộc chiến tương lai, từ đó cho phép Nhà Trắng có đủ thời gian để bắt đầu cung cấp pháo cho Ukraine từ các kho ở châu Âu mà không gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị một gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD bao gồm pháo, tên lửa và nhiều phương tiện.
Tuy nhiên, dự kiến, chính quyền Mỹ sẽ dành phần lớn thời gian trong năm để tái xây dựng kho dự trữ của mình về mức trước chiến tranh khi quân đội nước này đặt mục tiêu tăng sản xuất đạn pháo lên 100.000 quả/tháng vào cuối năm 2025.
Bên kia Đại Tây Dương, kho dự trữ của châu Âu đang trống rỗng. Hầu hết sản lượng từ sáng kiến của Liên minh châu Âu nhằm chuyển 1,4 triệu quả đạn pháo cho Ukraine, khoảng một nửa trong số đó đã được chuyển giao, sẽ không đến được đây cho tới cuối năm 2024. Vì vậy, các đối tác của Ukraine trên lục địa này đang tìm kiếm nguồn cung ngoài châu Âu để có đủ pháo cho Ukraine chiến đấu.
Cộng hòa Séc dường như đã huy động đủ tiền từ một tập đoàn châu Âu để mua 500.000 quả pháo cỡ nòng 155mm và hiện đang nỗ lực đưa lô hàng đầu tiên sang Ukraine. Chính phủ Estonia, vốn cũng có sáng kiến huy động vốn từ cộng đồng để cung cấp đạn pháo cho Ukraine, vẫn chưa bắt đầu gây quỹ.
Các quan chức châu Âu cho biết việc tân trạng lại đạn pháo cũ rẻ hơn khoảng 30% so với mua đạn pháo mới nhưng phần lớn loại đạn pháo này đến từ các quốc gia không muốn xảy ra căng thẳng với Điện Kremlin.
"Tôi nghĩ khá hợp lý khi cho rằng trong 12 tháng tới, Ukraine có thể khai hỏa khoảng 75.000 - 85.000 quả đạn pháo/tháng, tức là khoảng 2.400 - 2.500 quả đạn pháo/ngày", Franz-Stefan Gady, học giả tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London nhận định. Theo chuyên gia Gady, đó là lượng đạn pháo tối thiểu mà Ukraine cần để duy trì cuộc giao tranh phòng thủ chống lại Nga.
"Điều đó khiến cho không còn chỗ cho các hoạt động tấn công trong năm nay", ông Gady nói.
Thượng nghị sĩ J.D. Vance đã nhận định trên New York Times vào tháng này rằng Mỹ đơn giản "không có khả năng sản xuất số lượng vũ khí mà Ukraine cần để giành chiến thắng".
Trong khi đó, Nga đang trên đà sản xuất 3.5 triệu quả đạn pháo năm 2024 và có lẽ có thể tăng lên 4,5 triệu quả pháo vào cuối năm nay. Tuy nhiên, một số câu hỏi đặt ra là liệu Nga có đang bắt đầu phát huy tối đa năng lực công nghiệp của mình hay không. Điện Kremlin không thể kéo dài thời gian làm việc khi các nhà sản xuất vũ khí của họ hoạt động suốt ngày đêm. Vì thế, các quan chức châu Âu hy vọng Nga sẽ phải xây dựng thêm các nhà máy để sản xuất số đạn pháo mà nước này cần. Moscow cũng được cho là đang nhận được đạn pháo từ nước ngoài.
Chiến thuật của Ukraine và phương Tây
Phương Tây hy vọng vào đầu năm 2025, các công ty quốc phòng Mỹ và châu Âu sẽ sản xuất đạn pháo với quy mô đủ lớn để giúp Ukraine giành lợi thế một lần nữa. Nếu không đủ đạn pháo, Ukraine phải sử dụng các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) để thay thế, những phương tiện có thể bị bắn hạ bằng các thiết bị gây nhiễu và không thể bay vào ban đêm.
Ukraine đang cố gắng tận dụng lợi thế bằng các loại đạn dược có sức nổ cao hơn, những vũ khí được coi là đóng vai trò quan trọng trong phòng thủ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga dọc tiền tuyến trải dài gần 1.000km.
" Ukraine về cơ bản sẽ ở thế phòng thủ trong năm nay. Đạn chùm nằm trong tốp 5 vũ khí phòng thủ khi họ cố gắng sắp xếp lực lượng của mình", một trợ lý nghị sĩ giấu tên nhận định với Foreign Policy về tình hình chiến trường.
Người này cho biết, đạn thông thường được cải tiến có mục đích kép (DPICM) có sức sát thương cao gấp 4 - 5 lần so với đạn thông thường. Có khoảng 3 triệu quả đạn DPICM trong kho vũ khí Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Tổng thống Biden có quyền cung cấp số đạn pháo trị giá 500 triệu USD và có thể sẽ sớm phê duyệt chúng nhưng những vũ khí này không phải lúc nào cũng phát nổ khi khai hỏa và có thể bị bỏ lại khiến dân thường gặp nguy hiểm.
CNN đưa tin, chính quyền Tổng thống Biden cũng dự kiến lần đầu tiên cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Lục quân Chiến thuật (ATACMS). Tuy nhiên, với việc các nhà máy của Mỹ và châu Âu mới bắt đầu làm việc gấp đôi thời gian, Ukraine dự kiến sẽ dành phần lớn thời gian năm 2024 đào chiến hào phòng thủ như họ đã làm trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những công sự đó có hiệu quả như các phòng tuyến nhiều tầng của Nga đã ngăn chặn cuộc phản công năm 2023 của Ukraine hay không.
"Ukraine đang phát triển các công sự. Họ đang xây dựng chiều sâu phòng thủ. Nhưng vấn đề là khi bạn gặp vấn đề về nhân lực và đạn dược cùng lúc, điều đó sẽ tạo ra nhiều vấn đề", Rob Lee, thành viên cấp cao trong chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, đánh giá. Cho tới khi việc sản xuất được tăng cường, Ukraine có lẽ sẽ tiếp tục tổn thất thêm lực lượng không thể thay thế.