Theo một bài báo gần đây của New York Times, pháo tự hành PzH 2000 do Đức sản xuất không phát huy được khả năng tốt nhất ở Ukraine so với pháo Peony thời Liên Xô.
Bài báo này cho biết xích của Peony giúp cho nó có lợi thế hơn so với các lựu pháo của Đức trong điều kiện bùn lầy.
Hệ thống xích này giúp cho Peony có thể di chuyển dễ dàng hơn trên những địa hình khó khăn. Bài báo cũng đề cập đến việc gần đây Ukraine đã quyết định loại tất cả lựu pháo tự hành của Đức khỏi chiến trường do chúng không thể chạy thoát khi bị Nga pháo kích.
Pháo tự hành PzH 2000. Ảnh: Eurasian Times
Trung úy Serhii thuộc Lữ đoàn Pháo số 43 của Ukraine đã bày tỏ lo ngại về các hệ thống pháo tự hành do Đức sản xuất.
Ông cho biết các phương tiện này thường bị mắc kẹt khi mặt đất ẩm ướt, đặt ra câu hỏi về việc quân đội Ukraine sẽ làm gì nếu bị hỏa lực tấn công. Ông cũng tiết lộ rằng những khẩu pháo này từng được kéo khỏi bùn lầy khi chúng bị mắc kẹt.
"Bùn lầy mùa xuân là một trong những trở ngại mà quân đội Ukraine khó vượt qua", bài báo trên cho hay.
Tuy nhiên, lựu pháo Đức cũng có một số đặc điểm tốt hơn so với hệ thống pháo Peony do Liên Xô sản xuất. Theo đó, nó được trang bị công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như hệ thống nhắm mục tiêu điện tử và nạp đạn tự động - cho phép binh lính phóng đạn pháo nhanh hơn so với hệ thống cũ.
Ngoài ra, lựu pháo Đức mang đến sự bảo vệ tốt hơn cho các binh lính. Phương tiện này có khoang bọc thép mà các binh lính có thể vận hành một cách an toàn thậm chí cả trong điều kiện bị súng cối tấn công trực tiếp hoặc bị tấn công gián tiếp từ các hệ thống pháo khác.
Đây là một sự cải thiện đáng kể so với lựu pháo Peony do Liên Xô sản xuất, vốn không có lớp bọc thép, khiến cho binh lính đối mặt với nhiều rủi ro hơn trước hỏa lực của đối phương.
Lựu pháo 2S7 Pion (Peony). Ảnh: Wikipedia
Lựu pháo Panzer của Đức thường hoạt động tốt hơn trên địa hình bằng phẳng và mặt đất cứng. Trong điều kiện phù hợp, Panzer rất linh hoạt và nhanh chóng, giúp cho binh lính nhanh chóng khai hỏa và rút quân trước khi đối phương đáp trả.
Tuy nhiên, lựu pháo này lại dễ bị tác động trước các điều kiện môi trường thách thức. Các thiết bị điện tử của phương tiện có thể không hoạt động khi ở trong môi trường ẩm và bụi.
Chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin đánh giá, hệ thống pháo này đã không thể hiện được khả năng trong các cuộc giao tranh ở Donbass. Ông Vladislav Shurygin cho biết, trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, PzH 2000 được đánh giá là một trong những pháo tự hành tốt nhất thế giới.
Ông giải thích vấn đề chính với PzH 2000 là ngành công nghiệp quân sự Đức đã thiết kế nó dựa trên điều kiện chiến đấu cách đây 80 năm.
Khi các khẩu pháo tự hành này được triển khai ở Ukraine, rõ ràng chúng cần những đặc điểm khác để phát huy hiệu quả.
Những đặc điểm cần thiết để pháo tự hành hoạt động hiệu quả trong cuộc xung đột hiện nay là khả năng sống sót, khả năng cơ động và có thể bảo trì trong mọi điều kiện. Tuy nhiên, PzH 2000 không đáp ứng các yêu cầu trên, chuyên gia Vladislav Shurygin cho hay.