Vì sao Trung Quốc không “giải cứu” Iran trước Mỹ?

Hồng Anh |

Với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Trung Quốc và EU phải đối mặt với thách thức làm sao để cân bằng giữa các lợi ích đa phương.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (hay còn có tên gọi khác là Kế hoạch Hành động chung toàn diện – JCPOA) ngày 8/5 vừa qua và tuyên bố thực thi trở lại biện pháp trừng phạt đối với Iran, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif có chuyến công du một loạt các quốc gia trong đó có Trung Quốc, nhằm cứu vãn và xây dựng một tương lai rõ ràng cho thỏa thuận này.

Iran đang cố gắng giành được sự đảm bảo của Trung Quốc về duy trì thỏa thuận hạt nhân trong bối cảnh Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE – một trong những công ty IT lớn nhất của Trung Quốc trong vòng 7 năm tới và phạt công ty này 1,1 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran và Triều Tiên.

Trung Quốc là đối tác quan trọng của Iran

Trung Quốc không chỉ là nhà mua dầu mỏ lớn nhất của Iran mà còn là một đối tác quan trọng về chính trị. Trong năm 2017, trao đổi thương mại giữa hai bên ước tính vào khoảng 37,18 tỷ USD, cao hơn 13% so với năm 2016. Trung Quốc cũng là một trong số ít các nhà đầu tư nước ngoài vào Iran. Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) có 30% cổ phần trong thỏa thuận trị giá hàng tỉ đô la nhằm xúc tiến giai đoạn 11 của South Pars - mỏ khí đốt lớn nhất Iran. Đây là thỏa thuận lớn nhất đạt được giữa hai bên sau khi Iran và nhóm P5+1 ký kết JPCOA. Sau khi công ty dầu khí Total của Pháp rút ra khỏi thỏa thuận kinh tế nêu trên cổ phần của CNPC đã gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng ký kết thỏa thuận trị giá 10 tỉ USD hỗ trợ các dự án khác tại Iran.

Về mặt chính trị, sau khi JPCOA được thực thi vào tháng 1/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Iran. Chuyến thăm này dẫn đến việc ký kết 17 thỏa thuận song phương, trong đó có việc thiết lập lộ trình 25 năm nhằm mở rộng quan hệ giữa hai nước và phát triển thương mại. Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi thương mại song phương lên tới 600 tỷ USD trong 10 năm kể từ thời điểm đó.

Trung Quốc rơi vào thế khó

Iran cho rằng, với mối quan hệ gắn bó nêu trên, Trung Quốc sẽ rất quan tâm đến việc duy trì thỏa thuận JCPOA, đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Iran có lẽ chưa nhận thức được, rào cản lớn nhất hiện nay đối với Trung Quốc chính là quan hệ thương mại với Mỹ.

Nhìn tổng thể, giao dịch thương mại của Iran chỉ chiếm một phần nhỏ trong khối lượng giao dịch thương mại nước ngoài của Trung Quốc. Trong năm 2017, giao dịch thương mại với Iran chiếm 1% tổng khối lượng thương mại nước ngoài của Trung Quốc trị giá 4,28 nghìn tỷ USD. Trao đổi thương mại Mỹ-Trung năm 2017 ở mức 636 tỷ USD, cao gấp 17 lần so với trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Iran. Thêm vào đó 90% giao dịch thương mại của Trung Quốc đến từ khu vực tư nhân, trong đó các công ty đa quốc gia chiếm 40%.

Trung Quốc cũng như Liên minh Châu Âu hiện nay đang phải đối mặt với tình huống phức tạp trong hợp tác kinh tế với Iran do lệnh cấm vận của Mỹ, mà ZTE là một điển hình. Việc thiếu các phụ kiện của Mỹ trong dây chuyền sản xuất đã khiến công ty này đứng trước bờ vực phá sản. Thực tế nêu trên khiến Trung Quốc nhận ra rằng nước này cần phải tính toán thiệt hơn trong xử lý quan hệ với cả 2 bên. Chính phủ cũng như các công ty của Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài phải dần dần thích ứng trước việc Mỹ khôi phục trừng phạt đối với Iran.

Sự im lặng của Trung Quốc một phần cũng được hiểu là do Tổng thống Donald Trump hôm 14/5 vừa qua đã để ngỏ “một con đường sống” cho ZTE. Ông Trump tuyên bố sẽ xem xét lại các hình phạt đối với tập đoàn ZTE của Trung Quốc khi cho rằng đây là đối tác lớn của các nhà cung cấp linh kiện IT tại Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng vấn đề của ZTE có thể được đưa ra thương lượng với phía Trung Quốc. Vẫn chưa rõ ông sẽ làm thế nào để cứu vãn tình hình và liệu ông có muốn nhận bất cứ sự đánh đổi nào từ Trung Quốc hay không.

Hãng tin Bloomberg ngày 18/5 dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết, Trung Quốc tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng nông sản lúa miến của Mỹ. Biện pháp vừa nêu được coi là sự nhượng bộ và thể hiện lập trường hòa giải của Trung Quốc trước căng thẳng thương mại giữa hai bên.

Trung Quốc muốn đẩy trách nhiệm cho EU

Với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Trung Quốc cũng như Liên minh Châu Âu phải đối mặt với thách thức làm sao để cân bằng giữa các lợi ích đa phương. Nếu sử dụng biện pháp cứng rắn để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, Trung Quốc sẽ rất khó trong xử trí quan hệ thương mại với Mỹ trong bối cảnh nước này phải gánh trên vai trách nhiệm to lớn giải quyết các mâu thuẫn quốc tế trên cương vị là một cường quốc mới nổi.

Thỏa thuận hạt nhân bị phá bỏ tất yếu có thể dẫn đến sự bất ổn lớn hơn ở Trung Đông và thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Những thay đổi như vậy sẽ gây tổn hại lợi ích và sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần phải tính đến thiệt hại về kinh tế khi mà một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang lờ mờ hiện ra trước mặt.

Hơn nữa Trung Quốc có lẽ cũng hiểu rằng, trách nhiệm cứu vãn thỏa thuận này còn nằm trên vai của các nhà lãnh đạo Châu Âu, đặc biệt là các quốc gia đầu tàu như Đức, Pháp, Anh. Bởi trước đó, các quốc gia này nhiều lần bày tỏ sẵn sàng đưa ra phản ứng cứng rắn với Mỹ để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Châu Âu cũng muốn khởi động đàm phán về chương trình tên lửa và hạt nhân Iran sau năm 2025- thời điểm thỏa thuận chính thức hết hiệu lực.

Theo nhà phân tích Mohsen Shariatinia, thuộc Đại học Shahid Beheshti của Iran, giải pháp tốt nhất hiện nay là Bắc Kinh cần phải tìm cách duy trì mức độ tương tác kinh tế tối thiểu với Iran song song với việc thích ứng dần các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Và có lẽ nước cờ khôn khéo nhất của Bắc Kinh chính là đẩy trách nhiệm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cho EU./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại