Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã bắt đầu chuyến công du kéo dài với nhiệm vụ "cứu vãn'' thỏa thuận hạt nhân 2015, sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.
Trả lời Sputnik, các nhà phân tích nhấn mạnh vào mối quan hệ lâu dài của Iran – Trung Quốc từ phương diện kinh tế cũng như chính trị, đồng thời cho rằng đòn tấn công của Washington với Tehran có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Bắc Kinh.
Giáo sư, nhà phân tích chính trị tại trường kinh tế Nga, Oleg Matveychev cho rằng bằng cách giáng một đòn mạnh mẽ lên thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký năm 2015, cùng với việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, Mỹ thực chất đang nhắm đến Bắc Kinh.
Theo ông Matveychev, khi áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran 20 năm trước, Mỹ đã luôn tin rằng điều này cũng tác động mạnh mẽ đến Bắc Kinh.
“Rõ ràng đánh vào Iran luôn luôn có nghĩa là đánh vào Bắc Kinh, vì hai bên là đối tác kinh tế thân thiết. Doanh thu thương mại giữa họ ở khoảng hàng chục tỷ USD rất quan trọng đối với Tehran trong khi Mỹ đang cố gắng cô lập Iran về kinh tế. Rõ ràng trước khi Iran bị cô lập và các lệnh trừng phạt được khôi phục, Tehran cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Quốc dẫn đến chuyến thăm của Zarif đến Bắc Kinh.” – chuyên gia nói.
Ông tin rằng khi vấn đề của Iran được thảo luận ở Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Nga – hai thành viên thường trực có thể hỗ trợ Tehran. Mặt khác, vị trí của Trung Quốc đối với Iran có thể trở thành vấn đề tranh cãi trong cuộc đối thoại Mỹ-EU. Theo nhà phân tích, các nước châu Âu có thể khiến Washington nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không ngừng hợp tác với Tehran dù Mỹ có trừng phạt.
Video: Quốc gia có đầu đạn hạt nhân "khủng" nhất thế giới
Ngày 13/5, Ngoại trưởng Iran Zarif gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh trong chuyến công du quốc tế nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Trung Quốc là một thành viên nhóm P5+1 đã ký thỏa thuận này.
Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo vẫn duy trì cam kết này và kêu gọi những bên ký tên khác ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên tiếng ngày 13/5 rằng Tehran sẽ tiếp tục tuân theo các điều khoản hạt nhân nếu Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức ở lại trong thỏa thuận.
“Iran đang cố gắng hết sức để cứu thỏa thuận qua con đường ngoại giao” – Yang Danzhi, chuyên gia từ Trung tâm an ninh khu vực thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc nói. Theo Yang, Tehran vô cùng xem trọng mối quan hệ với Trung Quốc vì: Thứ nhất, Bắc Kinh có thể tin tưởng được; thứ hai, Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Hơn nữa Trung Quốc cũng đang duy trì mối quan hệ mật thiết với Iran về chính trị, kinh tế và thương mại.
“Từ vị trí của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc xem trọng mối quan hệ song phương với Iran và cũng hy vọng nước này có thể nhanh chóng vượt qua khó khăn” – Yang chỉ ra Bắc Kinh muốn tránh căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông.
Mặt khác, “Trung Quốc thuyết phục Iran bám sát giải pháp hòa bình trong khi đối thoại với cộng đồng quốc tế, khiến quốc tế nhìn nhận mong muốn thúc đẩy hòa bình khu vực và tuân thủ các quy định của thỏa thuận hạt nhân là chân thành” – ông Yang cho biết.
Theo học giả Trung Quốc, tuyên bố của ông Rouhani ngày 8/5 về việc có thể khởi động lại quá trình làm giàu uranium “không giới hạn” có thể khiến phương Tây và quốc tế coi là nước này đang khôi phục lại quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Nếu tình hình phát triển theo hướng này, vấn đề Iran chắc chắn sẽ trở nên cấp thiết và Trung Quốc sẽ càng cảm thấy cần thuyết phục Iran cư xử thận trọng.
Trong khi đó, ngày 14/5, ông Zarif có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ngoại trưởng Nga cho biết họ dự định liên lạc với tất cả các bên liên quan đến thỏa thuận trừ Mỹ trong những ngày tới, ngoài ra nhấn mạnh Matxcơva và những nước khác có lợi ích hợp pháp trong thỏa thuận.
Anh, Pháp và Đức cũng đã đưa ra tuyên bố chung thể hiện sự tiếc nuối khi Washington rút khỏi JCPOA và quyết tâm duy trì các cam kết.