Vì Iran, châu ÂU có hi sinh 1.000 tỉ EUR lợi nhuận thương mại với Mỹ để cứu vãn JCPOA?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Tổng thống Trump nói, Mỹ sẽ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt chống Iran và những biện pháp này cũng sẽ được áp dụng với các công ty nước ngoài có quan hệ làm ăn với Iran.

Kịch bản mới về thỏa thuận hạt nhân Iran

Khác với Tổng thống Mỹ Donald Trump - người coi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran là "Thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử", các nước còn lại gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đánh giá đây là một thành công lớn. Các nước này đã đảm bảo với Tehran rằng thỏa thuận JCPOA sẽ vẫn được thực hiện và các nước châu Âu đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này.

Trước đây Iran tuyên bố nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận thì Iran cũng xé bỏ và nối lại các hoạt động làm giàu Uranium ngay lập tức.

Tuy nhiên, bây giờ Tổng thống Hassan Rouhani lại nói: "Nếu chúng tôi đạt được những điều chúng tôi muốn từ thỏa thuận không có Mỹ thì Iran vẫn sẽ tiếp tục ở lại Thỏa thuận. Điều Tehran muốn là các nước ký kết còn lại bảo đảm lợi ích của Iran. Nếu được như vậy thì không cần đến sự có mặt của Mỹ nữa. Nếu chúng tôi thực hiện được các mục tiêu của Thoả thuận bằng việc hợp tác với các thành viên còn lại thì Thỏa thuận vẫn có giá trị".

Như vậy là Iran đã quyết ở lại Thoả thuận JCPOA nếu các nước châu Âu vẫn ủng hộ duy trì thỏa thuận này.

Quả bóng đang nằm bên sân châu Âu, Nga và Trung Quốc. Tình hình này có thể sẽ dẫn đến kịch bản thỏa thuận hạt nhân vẫn được tiếp tục giữ lại nhưng không có sự tham gia của Mỹ.

Có thể nói JCPOA chưa chết hẳn và chỉ có châu Âu mới có thể cứu được nó nếu họ có một chiến lược chung.

Tổng thống Trump: Thỏa thuận hạt nhân Iran là điều khủng khiếp

Chẳng lẽ Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) chiếm hơn một nửa thế giới lại không thể đối phó được với sức ép của Mỹ?

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về thay đổi khí hậu (COP 21), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Tổ chức Giáo dục Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO), các bên ký kết vẫn tiếp tục thực hiện không có Mỹ.

Cuộc chiến thương mại của Mỹ đang nhằm vào châu Âu, Trung Quốc và việc Mỹ tiếp tục cấm vận Nga có thể làm cho các nước này có lập trường chung nhằm giữ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Khó khăn hiện hữu

Tuy nhiên, việc duy trì thỏa thuận hạt nhân không dễ dàng. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận không loại trừ khả năng thỏa thuận này bị đổ vỡ bởi vì đối với Iran, Mỹ là một bên ký kết chính.

Việc Washington áp đặt lại lệnh trừng phạt Iran đã được dỡ bỏ theo các điều khoản của chính thoả thuận này có nghĩa là một trong hai trụ cột chính của JCPOA đã sụp đổ. Thỏa thuận không thể đứng vững trên một trụ cột được.

Chỉ riêng Tehran thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình, các nước châu Âu do sức ép của Mỹ buộc phải từ chối thực hiện thỏa thuận, tuân theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran thì thỏa thuận này còn có giá trị gì?

Washington hiện đang nắm giữ trong tay 90% các biện pháp trừng phạt Iran, phần lớn các giao dịch tài chính, ngân hàng được thực hiện bằng đồng đô la qua các ngân hàng của Mỹ nên không có Mỹ sẽ hết sức khó khăn.

Tổng thống Trump nói, Mỹ sẽ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt chống Iran và những biện pháp này cũng sẽ được áp dụng với các công ty nước ngoài có quan hệ làm ăn với Iran.

Như vậy, các nước châu Âu sẽ phải thỏa thuận được với Mỹ về việc miễn trừ các công ty châu Âu đang làm ăn với Iran khỏi các biện pháp trừng phạt, hoặc sẵn sàng hy sinh các lợi ích của họ trong quan hệ với Mỹ.

Đây là một việc không dễ dàng. Châu Âu có lẽ không dễ dàng hy sinh lợi ích trong giao dịch kinh tế, thương mại lên tới hơn 1 nghìn tỷ Euro với Mỹ để đổi lấy 15 tỷ Euro tổng kim ngạch thương mại với Iran hiện nay.

Về kinh tế, Nga được hưởng lợi giá dầu tăng do Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran. Mặc dù bất đồng với Mỹ trong nhiều vấn đề, ủng hộ Iran nhưng Trung Quốc chắc cũng khó có thể từ bỏ các lợi ích kinh tế trong quan hệ với Mỹ.

Mặc dù châu Âu khẳng định thỏa thuận JCPOA có tầm quan trọng to lớn đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Trung Đông và thế giới, nhưng các đòi hỏi của Mỹ liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo, sự có mặt về quân sự của Iran ở Syria, Iraq và việc Iran ủng hộ Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và Phong trào Hamas ở Gaza... cũng là các đòi hỏi của châu Âu.

Một bản phụ lục bổ sung kèm theo bao gồm các vấn đề nêu trên cũng chính là điều Mỹ đòi hỏi để đạt được một "Thỏa thuận toàn diện" như Tổng thống Trump đã nhiều lần khẳng định.

Vì Iran, châu ÂU có hi sinh 1.000 tỉ EUR lợi nhuận thương mại với Mỹ để cứu vãn JCPOA? - Ảnh 3.

Ông Trump kí hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AP

Phương án của các bên trong tương lai

Điều khác biệt trong quan điểm của Mỹ và châu Âu hiện nay là: Mỹ muốn đàm phán và ký kết một "Thỏa thuận toàn diện" sau khi rút khỏi Thỏa thuận hiện nay, còn châu Âu thì muốn giữ thỏa thuận và tiếp tục thuyết phục Iran đàm phán thêm.

Bộ Ngân khố của Mỹ tuyên bố, các biện pháp trừng phạt Iran sẽ được áp đặt trở lại trong vòng ba đến sáu tháng tới. Điều này có nghĩa là Mỹ muốn dành một khoảng thời gian, tạo cơ hội cho Iran và châu Âu đàm phán để đạt được một phụ lục kèm theo Thỏa thuận JCPOA hoặc là một "Thỏa thuận toàn diện".

Theo tôi, điều mà Iran không thể chấp nhận sửa đổi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) không phải là việc Mỹ đòi kéo dài thời hạn của Thỏa thuận sau 2025, cũng không phải là câu chuyện tên lửa đạn đạo hoặc ảnh hưởng của Iran ở khu vực, mà là Mỹ muốn thay đổi chế độ ở Iran và các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Iran, trước hết là chính sách đối với Israel và vấn đề Palestine.

Iran đặc biệt nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại về tất cả các vấn đề trừ việc can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.

Trong tình hình như vậy, nếu các nước ký kết còn lại, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức không đảm bảo được lợi ích của Iran thì nhiều khả năng thỏa thuận JCPOA sẽ đổ vỡ.

Vì Iran, châu ÂU có hi sinh 1.000 tỉ EUR lợi nhuận thương mại với Mỹ để cứu vãn JCPOA? - Ảnh 4.

Iran sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, hoặc là cũng sẽ rút khỏi Thỏa thuận, hoặc là sẽ khởi động lại các hoạt động làm giàu Uranium và không loại trừ khả năng Iran sẽ rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Tình hình Trung Đông sẽ không thể lường trước được.

Israel và Ả rập Xê út - hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông - đã hoan nghênh quyết định của Trump, nhưng họ chính là những nước sẽ phải chịu hậu quả của quyết định này.

Nếu thỏa thuận JCPOA bị đổ bể, Iran trở lại làm giàu Uranium và nếu chiến tranh xảy ra, chính hai nước này sẽ phải đương đầu.

Còn Washington thì chắc sẽ khó tham gia vì ông Trump đang muốn rút quân khỏi Syria và khu vực. Nhiều nguồn tin cho biết hàng trăm tên lửa của Iran đang hướng về Ả rập Xê út.

Quyết định của tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân ký với Iran sẽ không giúp cải thiện tình hình Trung Đông và Mỹ cũng sẽ không trong tình trạng tốt hơn.

Chữ ký của Trump chưa ráo mực, Iran đã nã tên lửa vào Golan phía Bắc Israel và Israel đã đáp trả bằng một cuộc tấn công quân sự lớn nhất kể từ 1973 đến nay vào các cơ sở quân sự của Iran tại Syria.

Cùng với việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực mới.

Các quyết định chính của Tổng thống D. Trump kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017 đến nay:

- Rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris COP 21.

- Rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

- Rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA.

- Rút khỏi Tổ chức giáo dục, văn hoá của Liên hợp quốc UNESCO.

- Chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem.

- Đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ.

- Hạn chế nhập cư từ những nước Hồi giáo.

- Không kích Syria.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại