Nga ở đâu khi Israel dồn dập dội “bão lửa” tấn công đồng minh Iran?

Hồng Anh |

Điều khiến dư luận khó hiểu là Nga vẫn “im hơi lặng tiếng” trước việc Israel tấn công cứ điểm của Iran – một đồng minh chủ chốt của Nga tại Syria.

Ngày 10/5 vừa qua, quân đội Israel lại một lần nữa tiến hành không kích vào các mục tiêu của Iran tại Syria. Vụ việc diễn ra hơn 1 tháng sau cuộc tấn công của Israel nhằm vào căn cứ quân sự T-4 tại tỉnh Homs, Syria ngày 9/4. Đáng chú ý phía Israel cho biết, đã thông báo trước cho Nga về các cuộc không kích này.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận khó hiểu là Nga vẫn “im hơi lặng tiếng” trước việc Israel tấn công đồng minh của mình. Theo các nhà phân tích, thái độ im lặng dù được Israel thông báo trước về cuộc không kích vào Syria mang đầy toan tính cần thiết của Moscow.

Nga và Israel – quan hệ đặc biệt

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria theo yêu cầu của Tổng thống Bashar Al-Assad đã khiến Nga trở thành quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Syria, đánh dấu lần đầu tiên Nga có sự hiện diện quân sự tại Trung Đông. Tổng thống Putin đang tìm cách thúc đẩy hòa bình trong khu vực để nâng cao vai trò của Nga, vì thế nếu một cuộc chiến xảy ra giữa Iran và Israel sẽ làm xáo trộn khu vực và làm suy yếu vị thế mà Nga đã dày công xây dựng. Tất yếu Tổng thống Putin sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn.

Tuy nhiên giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để Nga đưa ra bất cứ phản ứng nào bởi phía Nga vẫn cần quan sát, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng động thái của các bên liên quan. Cần phải nhắc lại rằng, mối quan hệ giữa Nga và Israel là một quan hệ rất đặc biệt. Israel là đồng minh của Mỹ, nhưng đồng thời lại duy trì mức tiếp xúc cao với Nga. Khi Nga bước chân vào trận địa Syria, nước này và Israel đã nhất trí về một cơ chế nhằm phòng ngừa những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Trên chiến trường, Nga và Israel thành lập một số quy tắc chung mà theo cách nói của Bộ trưởng Quốc phòng Israel là quan hệ có qua có lại: “Israel không can thiệp vào hoạt động của Nga, đổi lại Nga cũng không can thiệp vào hoạt động của Israel. Bên cạnh đó, dường như Nga cũng mong đợi những cảnh báo sớm từ Israel trước khi Israel tiến hành không kích bất cứ vị trí nào của Syria, như một phần của thỏa thuận giữa hai nước”.

Chính vì vậy mà người phát ngôn lực lượng phòng vệ Israel Jonathan Cornicus ngày 10/5 cho biết, Israel đã thông báo cho Nga trước khi tiến hành không kích vào các mục tiêu tại Syria qua một cơ chế ngăn chặn xung đột mà quân đội 2 nước thiết lập kể từ năm 2015.

Và thậm chí trước cuộc tấn công này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới thăm Nga hôm 9/5, đúng dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Chiến thắng phát xít của Nga. Trọng tâm chuyến thăm lần này của ông Netanyahu là về vấn đề Iran và việc Nga xem xét cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria. Phía Israel từng tuyên bố nước này có thể nhượng bộ việc Nga chuyển giao S-300 cho Syria. Tuy nhiên nếu Syria vận hành hệ thống tên lửa này để chống Israel, Israel có phản ứng đáp trả mạnh mẽ “nghiền nát” hệ thống này.

Nga và Iran – đồng minh “chung lưng đấu cật”

Với Israel là vậy, còn với Iran, Nga được xem là đồng minh “chung lưng đấu cật” của chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani khi các bên cùng có lợi ích và mục tiêu chung là yểm trợ chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad giành lại từng tấc đất ở Syria. Quan hệ giữa Nga và Iran được ví như một cuộc “hôn nhân lợi ích”, trong đó mỗi bên cố gắng củng cố vị thế của mình với sự hỗ trợ từ bên kia. Tổng thống Putin từng nói rằng Nga coi Iran là người hàng xóm và một đối tác tin cậy của Nga. Còn Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định Nga được coi là người bạn, hàng xóm và đối tác chiến lược của Iran.

Trong bối cảnh các lợi ích và mối quan hệ chồng chéo như vậy thì nghiêng về bất cứ bên nào cũng không có lợi cho Moscow, do đó cách khôn khéo nhất là giữ im lặng và quan sát tình hình. Hơn nữa, Nga cũng thừa hiểu rằng Israel và Iran dù là “kẻ thù không đội trời chung với nhau” nhưng cũng không dễ bùng phát chiến tranh.

Bất chấp những tuyên bố cứng rắn về việc “xóa sổ Israel”, Iran chắc chắn không muốn chiến tranh với Israel, bởi với tiềm lực quân sự rất lớn và tương đương giữa hai bên, chẳng ai có lợi trong cuộc chiến này. Mục đích thực sự của việc Iran mở rộng sự hiện diện quân sự và đưa ra các cảnh báo cứng rắn đối với Israel là để “nắn gân” và phòng ngừa mọi sự trả thù từ Israel.

Còn đối với Israel đó là nỗ lực cuối cùng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu để giữ thể diện trong bối cảnh buộc phải chấp nhận chiến thắng của chính phủ Syria và các lực lượng ủng hộ Iran. “Cuộc tấn công chỉ nhằm mục đích gửi đi thông điệp rằng Israel không bị thua cuộc trên chiến trường Syria”, ông Ghanbar Naderi, chuyên gia phân tích chính trị Iran nhận định.

Một lý do khác, nếu Nga can thiệp vào cuộc xung đột giữa Israel và Iran lúc này thì đây sẽ là cái cớ để Mỹ hiện diện tại Trung Đông với quy mô lớn hơn dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4 vừa qua tuyên bố Mỹ muốn rút quân khỏi Syria và giao lại trọng trách cho các đồng minh Arab. Như vậy Nga sẽ buộc phải từ bỏ vai trò trung gian tiến vào thế đối đầu với Mỹ-điều mà Nga không mong muốn bấy lâu nay.

Phản ứng của Iran

Ngày 11/5, Iran đã lên tiếng ủng hộ quyền phòng vệ hợp pháp của Syria chống lại sự “xâm lược” của Israel, đồng thời cáo buộc các quốc gia khác im lặng trước các hành động gây hấn của Israel ở Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết: “Iran lên án mạnh mẽ cuộc tấn công nhằm vào Syria. Sự yên lặng của cộng đồng quốc tế đang cổ súy cho hành động gây hấn của Israel. Syria có quyền lợi chính đáng để phòng vệ.”

Sau khi Lực lượng phòng vệ Israel phóng khoảng 70 vào 50 mục tiêu quân sự của Iran ở khắp Syria, phòng không Syria đã bắn hạ hơn nửa số tên lửa này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại