"Như trẻ mẫu giáo"
Tờ South China Morning Post ngày 22/5 dẫn lời các chuyên gia quân sự nhận định, Trung Quốc sớm muộn cũng trở thành cường quốc tàu sân bay số 2 thế giới chỉ sau Mỹ, nhưng năng lực vận hành của cụm tàu sân bay tấn công của nước này vẫn còn tụt hậu khá xa so với chuẩn quốc tế.
"Một tàu sân bay cần được bảo dưỡng thường xuyên trên quy mô lớn. Vì thế, Trung Quốc sẽ cần nhiều hơn 4 cụm tàu sân bay nếu nước này muốn triển khai chiến dịch quân sự ở những vùng biển xa và bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài", chuyên gia hải quân sống ở Bắc Kinh, Li Jie cho biết.
"Một tàu sân bay duy nhất không thể trở thành lực lượng chiến đấu vì nó cần sự hỗ trợ của các tàu chiến khác để tạo hành đội hình tấn công, cũng như cần được bảo vệ bởi các tàu hộ tống khác", Li nói.
Hải quân Mỹ hiện đang duy trì 10 cụm tàu sân bay tấn công ở Mỹ và các căn cứ hải quân ở nước ngoài. Tàu sân bay thứ 11 sẽ đi vào hoạt động sau khi tàu sân bay USS Gerald R. Ford được đóng xong.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay đang hoạt động là tàu Liêu Ninh. Đây là tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô cũ, mang tên Varyag, được Trung Quốc mua lại và cải tiến như hiện nay.
Theo chuyên gia Li Jie, so với Mỹ, các thủy thủ Trung Quốc chỉ như "trẻ mẫu giáo". Ảnh: SCMP
Vào ngày 26/4, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ hai, con tàu đầu tiên được thiết kế và xây dựng trong nước, dự kiến đi vào hoạt động trong vòng 3 năm tới.
Li cho biết một cụm tàu sân bay tấn công chuẩn cần từ 4.500 đến 5.000 quân nhân, bao gồm phi công lái tiêm kích hạm, sĩ quan vận hành bay, kỹ sư và thủy thủ đoàn ở các tàu chiến khác. Hai tàu sân bay của Trung Quốc sẽ cần khoảng 10.000 quân nhân khi hoạt động hoàn chỉnh.
Theo một bộ phim tài liệu của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) được phát vào hồi tháng 3, khi các sĩ quan hải quân Trung Quốc bắt đầu vận hành tàu Liêu Ninh, họ phải đối mặt với một thách thức lớn – điều phối hơn 2000 thủy thủ đến từ 19 dân tộc khác nhau ở Trung Quốc.
"Mọi thứ là một đống lộn xộn khi chúng tôi bắt đầu huấn luyện thủy thủ đoàn. Tất cả lối đi trên tàu đều tắc nghẽn khi chuông hiệu lệnh reo lên", Chen Yueqi, tư lệnh tàu Liêu Ninh phát biểu trên CCTV. Ông cho biết thêm, sự hỗn loạn diễn ra cả trong giờ ăn, mặc dù con tàu có tới 10 căng-tin.
Các vấn đề còn tiếp diễn kể cả sau khi lãnh đạo tàu vạch ra kế hoạch điều phối tổng thể nhằm phân chia thời gian làm việc và ăn nghỉ của thủy thủ đoàn. Li cho rằng, so với Mỹ, nước sở hữu 10 cụm tàu sân bay tấn công với hơn 100 năm kinh nghiệm vận hành, các thủy thủ Trung Quốc chỉ là những "đứa trẻ mẫu giáo".
Còn xa mới bắt kịp Mỹ
Hải quân Mỹ đã thiết lập được một hệ thống vận hành bay toàn diện trên tàu sân bay, bao gồm năng lực cất và hạ cánh tiêm kích ở cường độ cao dưới mọi thời tiết, phân công nhiệm vụ cho thủy thủ đoàn và điều phối các tàu chiến khác nhau một cách nhịp nhàng trong một một cụm tàu sân bay tấn công.
Để giúp cho tàu Liêu Ninh vận hành hiệu quả, Trung Quốc đã mô phỏng nhiều phần trong hệ thống vận hành bay trên tàu sân bay của Mỹ, bao gồm màu sắc đồng phục và ngôn ngữ ký hiệu của các sĩ quan vận hành bay trên boong tàu.
"Phát triển đội ngũ phi công và thủy thủ đoàn trên tàu sân bay đủ năng lực khó hơn nhiều so với việc huấn luyện phi công hoạt động trên mặt đất, vì độ dài của đường băng trên tàu sân bay chỉ bằng 1/10 so với trên mặt đất", Li nói.
Trung Quốc còn phải vượt qua một chặng đường dài nữa mới bắt kịp được Mỹ. Ảnh: SCMP
Ông cho biết, một khi nắm bắt được công nghệ, Trung Quốc có thể nhanh chóng chế tạo khí tài cho tàu sân bay. Nhưng huấn luyện thủy thủ đoàn cần rất nhiều kinh nghiệm, điều chỉ có thể tích lũy được theo thời gian.
Chuyên gia quân sự sống ở Macau Antony Wong Dong thì nhận định, hệ thống vận hành của hải quân Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn của một hạm động viễn dương, vì họ đang trong quá trình chuyển đổi từ hải quân ven biển sang hải quân đại dương xanh.
"Các cụm tàu sân bay tấn công Trung Quốc vẫn phải mất một chặng đường dài nữa mới bắt kịp được Mỹ" - ông kết luận.