Vì sao trận địa "rồng lửa" S-400 của Nga trúng tên lửa ATACMS?

Huệ Bình |

“Rồng lửa” S-400 của Nga trúng tên lửa ATACMS của Ukraine có thể do đang ở chế độ đối đất hoặc trong quá trình bảo dưỡng, theo tạp chí Military Watch.

Các nhà phân tích của Military Watch (Mỹ) nhấn mạnh hệ thống S-400 đã chứng minh khả năng bắn hạ tên lửa ATACMS với tỉ lệ thành công cao trong quá khứ. Hệ thống S-400 được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu khó khăn hơn nhiều, bao gồm cả tên lửa siêu thanh đạt tốc độ gần Mach 9 (11.113 km/giờ).

S-400 là một hệ thống phòng không nhiều lớp tích hợp. Ngoài ra, S-400 còn kết nối được với các hệ thống tầm ngắn bổ sung như S-350 và BuK-M3 để cung cấp thêm nhiều lớp phòng thủ.

Trong cuộc tập kích ngày 23-11, dường như lực lượng Nga bị bất ngờ, có thể do Ukraine chưa từng tấn công kiểu này vào tỉnh Kursk (Nga) và Moscow nghĩ rằng đối phương không biết hệ thống S-400 đang sửa chữa tại đây.

Dù hệ thống S-400 đã mất 2 bệ phóng tên lửa và có thể là thêm 1 radar, nhưng S-400 vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Mỗi tiểu đoàn triển khai 8 bệ phóng, nghĩa là chỉ 1/4 hỏa lực của tiểu đoàn bị ảnh hưởng. Ngay cả khi mất một trạm radar 92N6, hệ thống S-400 vẫn tiếp tục hoạt động bằng các radar khác và chia sẻ dữ liệu radar với các hệ thống phòng không khác trong khu vực lân cận.

Vì sao trận địa "rồng lửa" S-400 của Nga trúng tên lửa ATACMS? - Ảnh 1.

Theo các nguồn tin Ukraine, tên lửa ATACM do Mỹ cung cấp đã tấn công một căn cứ quân sự của Nga ở Kursk, phá hủy hệ thống phòng không S-400. Ảnh: X

Trong khi đó, trang Bulgarian Military cho rằng các hệ thống S-400 vừa bị tấn công không được kích hoạt ở chế độ phòng không. Về mặt chiến thuật, dù vận hành ở chế độ phòng không, S-400 cũng có những hạn chế đáng kể khi ứng phó tên lửa ATACMS.

Tên lửa ATACMS được thiết kế để bay nhanh, cơ động và quỹ đạo bay thấp, khiến radar S-400 khó phát hiện và theo dõi. Tên lửa ATACM có tiết diện radar nhỏ, khiến các radar thông thường khó phát hiện, đặc biệt là khi bay ở độ cao thấp gần mặt đất.

Về mặt tác chiến, S-400 có năng lực tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Thế nhưng, giới hạn vật lý khiến radar hỏa lực chỉ có thể theo dõi một hướng tập kích nhất định và cần thêm sự hỗ trợ từ mạng lưới radar cảnh giới.

Theo Military Watch, Nga phụ thuộc rất nhiều vào S-400 để bảo vệ không phận. Moscow đã đầu tư gần gấp đôi vào việc mua các hệ thống này so với việc mua các loại máy bay chiến đấu kể từ khi Liên Xô tan rã.

Các quốc gia phương Tây đã triển khai khí tài để giúp Ukraine xác định vị trí các hệ thống phòng không tầm xa của Nga như S-400 và S-300. 

Vào tháng 6, Không quân Mỹ xác nhận đã điều máy bay trinh sát không người lái RQ-4A đến biển Đen gần lãnh thổ Nga để do thám các trận địa phòng không của nước này.

Các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ được triển khai tại Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo về các khí tài phòng không của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại