Thổ Nhĩ Kỳ chính thức triển khai S-400 trực chiến
Tờ Gazeta (Nga) ngày 27/11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler thông báo, Mỹ đã không còn phản đối Ankara đưa vào sử dụng hệ thống tên lửa S-400 mà nước này mua từ Nga vào năm 2017.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã xác định nơi sẽ đặt các hệ thống phòng không và đang tiến hành triển khai. Ông Guler cho biết, sẽ mất khoảng 12 giờ đồng hồ để triển khai S-400 đến khu vực cần thiết và lắp đặt, đưa hệ thống vào trạng thái trực chiến (sẵn sàng chiến đấu).
Trước đó, vào năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với Nga để mua 4 sư đoàn tên lửa phòng không S-400. Các tổ hợp tên lửa được bàn giao cho Ankara năm 2019. Thời điểm đó, Mỹ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ tên lửa Nga để chuyển sang hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất nhưng Ankara không đồng ý.
Tháng 4/2021, Lầu Năm Góc thông báo đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35, đồng thời cấm chuyển giao số lượng máy bay đã đặt trước cho Ankara để đáp trả việc nước này mua S-400.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Ankara đã trả cho Mỹ 1,4 tỷ USD nhưng không nhận được chiếc máy bay nào.
Cuộc "mặc cả" ngã ngũ
"Trong các cuộc họp gần đây, chúng tôi đã từ chối mọi yêu cầu của họ liên quan tới S-400. Giờ đây, phía Mỹ không phản đối gì nữa. Chúng tôi đã xác định tất cả các khu vực mà chúng tôi sẽ triển khai S-400, mọi thứ đã sẵn sàng" – Bộ trưởng Quốc phòng Guler phát biểu ngày 27/11.
Trong tháng 8 và tháng 10 năm nay, truyền thông Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt đưa tin, Mỹ đã đề nghị Ankara từ bỏ hệ thống S-400 của Nga để đổi lấy nguồn cung F-35 từ Washington.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Rubin dẫn các nguồn tin khu vực cho biết, "trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm nay, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Celeste Wallander và cố vấn tổng thống Michael Carpenter đã thảo luận với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia hạn thỏa thuận F-35".
Để đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình, Mỹ yêu cầu Ankara chuyển S-400 sang Mỹ hoặc chuyển các tổ hợp này tới căn cứ không quân Incirlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một khả năng khác được đề cập là giao S-400 cho Ukraine.
Trước đó, Hy Lạp – một quốc gia thành viên NATO khác – cũng từng nhận được yêu cầu chuyển giao hệ thống phòng không S-300PMU1 mua từ Nga cho Ukraine. Tuy nhiên, do Athens đã "chữa cháy" bằng cách chuyển giao các loại vũ khí khác cho Kiev.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, trong phát ngôn vào tháng 10, Ngoại trưởng nước này Hakan Fidan nói: "Quyết định cuối cùng sẽ tùy thuộc vào tổng thống, nhưng chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến chính trị. Ít nhất thì cả hai bên đều đồng ý rằng vấn đề đó (việc Thổ Nhĩ Kỳ có S-400) đang cản trở sự phát triển của quan hệ song phương".
Trước các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tháng 10 tuyên bố, Ankara sẽ "không thể bán S-400 nếu không có sự chấp thuận của Moscow".
"Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một chính khách giàu kinh nghiệm và ông sẽ đưa ra quyết định về mọi vấn đề dựa trên lợi ích của người dân và nhà nước của mình.
Tuy nhiên, trong hợp đồng bán vũ khí, đã có một điều khoản về chứng nhận sử dụng cuối cùng. Để làm gì đó với sản phẩm được giao dưới chứng nhận này, quốc gia khách hàng - được chỉ định là người sử dụng cuối cùng - cần phải có sự đồng ý của quốc gia cung cấp vũ khí đó" – Ông Lavrov nhấn mạnh.
Với tuyên bố mới nhất từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc "mặc cả" dùng S-400 đổi F-35 đã chấm dứt, trong đó Ankara "từ chối mọi yêu cầu của Mỹ liên quan tới S-400".
Vì sao Mỹ đột ngột đổi thái độ?
Bình luận về lý do Mỹ thay đổi triệt để lập trường về các hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok cho rằng, cần phải nhìn nhận tới tình hình địa chính trị đang diễn ra ở Cận Đông, Trung Đông, cũng như phía đông Địa Trung Hải.
"Có vẻ nghịch lý, nhưng tư cách thành viên NATO không còn quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh" – Ông Khodarenok nhận định.
Theo vị chuyên gia, rất có thể Nhà Trắng đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Hoặc tiếp tục giữ lập trường về hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ (về cơ bản là một vấn đề chiến thuật), hoặc mất Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách quốc gia thành viên NATO trong tương lai và để nước này trở thành lãnh đạo của khối Đại Turan (một liên minh các quốc gia và dân tộc Turk).
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) có sự tham gia của Nga, và cho thấy các động thái tiếp cận Trung Quốc. Chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Hakan Fidan tới Bắc Kinh đã đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một đại diện ngoại giao cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Quốc trong 12 năm qua.
Ông Khodarenok cho rằng, Washington – sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố địa chính trị hiện có – đã quyết định nhượng bộ trong vấn đề chiến thuật để trong tương lai không mất đi một đồng minh NATO ở sườn phía nam, và cũng không để Ankara xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới ở một vai trò hoàn toàn mới.
Cũng theo vị chuyên gia, không loại trừ khả năng nhiều vấn đề trong hợp tác quân sự giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được xem xét lại trong thời gian tới.
"Có lý do để tin rằng lập trường của Washington trong những vấn đề này sẽ dịu đi đáng kể" – Ông Khodarenok nhận định.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, song song với thông báo về việc triển khai S-400, Ankara cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ kế hoạch mua tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara đã một lần nữa yêu cầu Washington cung cấp mẫu máy bay này do quan điểm của Mỹ đã thay đổi tích cực hơn.
"Chúng tôi có 6 chiếc F-35 ở đó (Mỹ). Bây giờ họ (Mỹ) thấy rằng chúng tôi đang sản xuất máy bay chiến đấu Kaan, tâm trạng của họ đã thay đổi. Họ nói rằng họ có thể cung cấp (F-35) cho chúng tôi. Vì thế, chúng tôi đã một lần nữa gửi đề nghị tới Mỹ để mua F-35" – Ông Guler cho hay.