Trên trang nhất báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) số ra ngày 1/6 vừa qua, một số nguồn tin thân cận với Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiết lộ Bắc Kinh đang chuẩn bị đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng Định dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Các nguồn tin của SCMP nhấn mạnh, việc thiết lập ADIZ sẽ là hình thức đáp trả đối với "những hành vi gây hấn" của Washington, ý nói các đợt tuần tra khẳng định quyền tự do đi lại (FONOP) mà Hải quân Mỹ thực hiện trong thời gian qua.
Bài báo của SCMP xuất hiện ở một thời điểm tương đối nhạy cảm trong vấn đề Biển Đông. Các bên liên quan đang nóng lòng chờ đợi phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, dự kiến sẽ được đưa ra trong mùa hè này.
Ngoài ra, một vài sự kiện đáng chú ý khác mà trong đó Biển Đông là tâm điểm cũng sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Đầu tiên là Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore từ ngày 3/6 đến ngày 5/6, nơi lãnh đạo quốc phòng các nước hội đàm về những vấn đề an ninh trong khu vực. Sau đó, quan chức Mỹ-Trung sẽ gặp nhau trong khuôn khổ phiên Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên lần thứ 8 tại Bắc Kinh từ 5/6 đến 7/6.
Ashton Carter và John Kerry sẽ đại diện Mỹ tham gia hai sự kiện quan trọng nói trên.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao các nguồn tin thân PLA lại "mớm" cho SCMP thông tin vào thời điểm nhạy cảm này? Và liệu Trung Quốc có thực sự sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông hay không?
Phân tích ý đồ của Bắc Kinh, chuyên gia Ankit Panda nhận định, Trung Quốc rõ ràng đã có những động thái có thể coi là tiền đề cho việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Đầu tiên, có thể kể đến 3 sân bay quân sự Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, và đảo Phú Lâm (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép - PV), cũng như những màn tập trận phô trương của chiến đấu cơ J-11 gần đảo Phú Lâm.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, những sân bay quân sự nói trên có thể chứa chấp bất kì loại máy bay nào trong kho vũ khí hiện nay của PLA. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể điều động máy bay ra Trường Sa và Hoàng Sa theo ý muốn.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tiến hành cải thiện khả năng ISR (tình báo, giám sát, trinh thám) trong khu vực, với việc xây dựng trái phép các hệ thống radar tầm xa, và mới đây thậm chí còn điều động máy bay giám sát không người lái tới Biển Đông.
Nếu nhìn vào những bước chuẩn bị nói trên, thì khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ là hoàn toàn có thể. Nhưng theo ông Panda, có rất nhiều lý do để tin rằng Bắc Kinh sẽ "không dám" làm vậy.
Thứ nhất, tuy Trung Quốc oang oang tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, song nước này luôn rất mập mờ về mặt chi tiết, để rồi cứ thế lẳng lặng xây dựng, cải tạo đất trái phép.
Khi không mập mờ, thì đường chín đoạn mà Bắc Kinh ngang nhiên "vẽ" ra trên Biển Đông đã lập tức bị Philippines đem ra kiện lên Tòa Trọng tài. Trung Quốc rõ ràng không muốn, hay nói đúng hơn là sợ, lại bị dính vào một vụ việc tương tự.
Đường chín đoạn của Trung Quốc là một trong những tâm điểm trong vụ kiện của Philippines lên Tòa Trọng tài. Đồ họa: VOA
Nhưng khi thiết lập ADIZ, Trung Quốc bắt buộc phải vạch rõ không phận nào nằm trong vùng định dạng phòng không, và như vậy đi ngược với những chiêu trò mà Bắc Kinh vẫn áp dụng.
Vậy động cơ đằng sau việc Trung Quốc dọa thiết lập ADIZ là gì?
Theo ông Panda, theo những gì nguồn tin thân cận với PLA cung cấp cho SCMP, thì có thể hiểu rằng Trung Quốc chỉ dùng ADIZ như một cách để "đe" Mỹ, trong bối cảnh Washington liên tục thách thức Bắc Kinh bằng những đợt tuần tra FONOP trên Biển Đông trong thời gian qua.
Khách quan mà nói, tiềm lực quân sự của Trung Quốc hơn hẳn so với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, do đó không thể coi việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ tại đây là để đề phòng nguy cơ bị tấn công bất ngờ.
Chuyên gia Panda nhận định, tương tự với ADIZ trên Biển Hoa Đông trước đây, tuyên bố của Trung Quốc chủ yếu phục vụ mục đích chính trị, nhằm khẳng định chủ quyền (phi pháp) khi biết rằng lý lẽ của mình không hợp pháp.
Nhưng lại cũng giống với ADIZ trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng nên tự hiểu rằng các nước trong khu vực sẽ chẳng coi tuyên bố của mình ra gì. Đặc biệt, nếu phán quyết của Tòa Trọng tài có lợi cho Philippines, thì ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ càng không có giá trị trong mắt láng giềng.
Đó là chưa kể cái giá về nghĩa đen mà PLA sẽ phải trả cho việc thiết lập ADIZ trên không phận Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải cắt giảm ngân sách quốc phòng khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Nói tóm lại: tuyên bố thiết lập ADIZ của Trung Quốc chỉ mang tính chiêu trò là chính, chứ nếu thực sự làm vậy, Bắc Kinh sẽ chỉ "tự bắn vào chân mình".