Thế khó của tân tổng thống
"Khi đặt ra các lằn ranh đỏ và không thể kiểm soát chúng một cách nghiêm khắc, thì đó là một sự yếu kém. Mà sự yếu kém thì không phải là một lựa chọn của tôi," Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định vào mùa hè vừa qua.
Mới đây, ông lên tiếng cảnh báo rằng Paris đã sẵn sàng tham chiến tại Syria sau vụ tấn công hóa học ở vùng ngoại ô thành phố Douma khiến ít nhất 42 người thiệt mạng vì ngạt thở do một chất khí có nhiều điểm tương đồng với khí clo.
Hôm chủ nhật (8/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Macron trao đổi qua điện đàm và "thống nhất rằng chính quyền ông Assad phải chịu trách nhiệm vì đã liên tục vi phạm nhân quyền".
Những lời cam kết của ông Trump cần phải được đặt trong sự đối chiếu với quyết định rút hết quân Mỹ khỏi Syria càng sớm càng tốt mà ông mới đưa ra gần đây. Vì vậy, Pháp cũng không thể hoàn toàn tin tưởng Mỹ trong việc hỗ trợ nước này "nghiêm trị" chính quyền ông Assad.
Dù sao đi chăng nữa, kể cả trong trường hợp Mỹ thực sự rút lui, Tổng thống Macron vẫn sẽ phải tính tới phương án đưa quân Pháp tới tấn công Syria, không chỉ vì uy tín bản thân ông, mà còn cả vì quyền lợi của nước Pháp.
Từ khi nhậm chức, ông Macron đã gặp nhiều khó khăn trong việc định hình chính sách đối với Syria, đặc biệt khi vị tân tổng thống phải vượt qua thất bại của người tiền nhiệm trong chương trình chống lại chính quyền Tổng thống Assad của nước Pháp.
Nhìn chung, ông Macron khá cẩn trọng với cách can thiệp theo hướng "bảo thủ kiểu mới" của những người đi trước. Ông chỉ trích việc Paris can thiệp vào Libya hồi năm 2011, khi Pháp đóng một vai trò quan trọng bên cạnh Anh và Mỹ. Tổng thống Macron cũng không hoàn toàn ủng hộ chính sách chống lại Syria mà ông thừa hưởng từ thế hệ tiền nhiệm.
Mỹ: có nhiều sự lựa chọn Quân Sự với Syria
Dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy và Francois Hollande, Pháp đã duy trì chính sách cứng rắn nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Syria và ủng hộ phe đối lập. Michel Duclos, một cựu đại sứ Pháp tại Syria, lý giải rằng Pháp "hiểu rất rõ bản chất của chính quyền ông Assad nhờ vào nhiều năm kinh nghiệm."
Các lãnh đạo Pháp đã mất niềm tin vào chính quyền Damascus khi cố gắng tiếp cận quốc gia này. Hơn thế nữa, họ tin rằng chính quyền Syria sẽ phản ứng với những người nổi dậy bằng bạo lực, gián tiếp tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố nổi lên trong khu vực.
Pháp ngỡ ngàng vì Mỹ
Sau khi vũ khí hóa học được sử dụng tại Ghouta, Tổng thống Pháp khi ấy là ông Hollande đã lệnh cho không quân Pháp chuẩn bị các đòn trừng phạt nhằm vào trung tâm chỉ huy vũ khí hóa học cũng như các trung tâm điều hành khác của Syria bị nghi là có dính líu tới những cuộc tấn công kinh hoàng.
Ông Hollande tin rằng đòn trừng phạt này sẽ tới cùng lúc với Mỹ - quốc gia tỏ ra đặc biệt gay gắt với việc sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng khi ấy, Tổng thống Mỹ Barack Obama không "ra đòn", khiến không ít nhà lập pháp của Pháp sững sờ và điện Elysee từ đó trở nên "đề phòng" hơn với cam kết của Mỹ.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. Ảnh: Reuters
Cả ông Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius đều ngầm hiểu rằng việc Mỹ không điều quân đội tấn công Syria là một dấu hiệu thể hiện điểm yếu của Washington, mở đường cho Nga hoạt động tại Ukraine và sát nhập Crimea.
Sau khi kết thúc nhiệm kì, ông Hollande khẳng định ông có bằng chứng "hết sức thuyết phục" rằng mọi việc có lẽ đã đi theo hướng khác nếu Mỹ tổ chức tấn công Syria cùng với Pháp.
Nhưng rõ ràng chiến lược của ông Hollande đã sai lầm. Pháp đặt ra những mục tiêu ở mức cao nhất – bao gồm việc ông Assad phải từ chức – nhưng lại dựa gần như hoàn toàn vào niềm hi vọng rằng Mỹ sẽ hỗ trợ tham vọng của Pháp.
Chuyến thăm cuối cùng của ông Hollande tới Washington, với mục đích yêu cầu Mỹ can thiệp nhiều hơn từ sau vụ tấn công hồi tháng 11/2015, là một thất bại không thể chối cãi. Pháp chưa bao giờ thực sự nghiêm túc trong việc hành động một mình vào năm 2013 sau khi lằn ranh đỏ của ông Obama bị vượt qua.
Những mục tiêu mới
Ông Hollande đã để lại nhiều kinh nghiệm cho ông Macron. Hiện tại, Tổng thống Macron chỉ có có một số mục tiêu giới hạn nhưng đều có thể thực hiện được.
Nắm rõ rằng Washington sẽ không can thiệp quá sâu, ông Macron – cũng như người đồng cấp Donald Trump – đã đề cao cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đặt ra yêu cầu rằng ông Assad phải ra đi nếu các bên muốn đi tới một giải pháp chính trị.
Thậm chí, cuối tháng 6 vừa qua, ông Macron còn tuyên bố rằng không có "người kế nhiệm hợp pháp" từ sau ông Assad. Cùng lúc đó, Tổng thống Pháp đặt ra hai lằn ranh đỏ khác: 1 là việc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường Syria, và 2 là tiếp cận nhân đạo tới được người dân Syria.
Sau khi tiếp xúc với Liên minh Dân chủ người Kurd tại Syria ở Paris vào tháng trước, ông Macron đã đề cập tới tham vọng của mình, tuyên bố rằng việc quân Pháp có mặt tại vùng đông bắc Syria sẽ giúp đảm bảo ổn định khu vực sau khi IS sụp đổ, đặc biệt khi các khu vực người Kurd liên tiếp bị Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa.
Thông báo trên cùng lúc đảm bảo hoàn thành được hai mục tiêu của Pháp là ngăn chặn sự trở lại của các tổ chức khủng bố và cung cấp thêm bảo trợ cho người Kurd. Quan trọng hơn cả, những tham vọng này phù hợp với lợi ích của nước Pháp nếu xét theo nghĩa hẹp. Sự can thiệp của Pháp sau các cuộc tấn công hóa học tuần qua cũng vì mục đích như vậy.
Lực lượng đặc nhiệm của Pháp tại Syria. Ảnh: Reuters
Việc Pháp đơn độc tấn công Syria sẽ không thể thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực này; ảnh hưởng của đòn công kích sẽ là nhỏ hơn Mỹ rất nhiều, cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Nhưng hồi tháng trước, một sĩ quan cấp cao Pháp khẳng định Paris có khả năng tấn công "một cách độc lập".
Những đòn trừng phạt nhằm vào các cơ sở và cơ quan chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hóa học mới nhất không chỉ thể hiện cam kết xứng đáng của ông Macron đối với vũ khí hóa học, mà còn củng cố uy tín của Pháp trong những thỏa thuận đã có ở Syria.
Hơn thế nữa, trong thời điểm ông Macron chuẩn bị tới Mỹ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước vào ngày 24/4 tới, những động thái quân sự của nước Pháp có thể giúp vị tổng thống nhận được nhiều ưu tiên hơn. Tổng thống hai nước Mỹ - Pháp đã xây dựng mối quan hệ cá nhân khá vững vàng, được thể hiện qua chuyến thăm Paris thành công của ông Trump vào ngày Quốc khánh Pháp.
Người Pháp vẫn có cách tiếp cận truyền thống trong những mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, chú trọng lợi ích của Pháp hơn là các sự an toàn của trật tự thế giới tự do. Vì lẽ đó, ông Macron đã tận dụng những ràng buộc trong nước của bà Merkel và bà May để trở thành người phát ngôn then chốt của ông Trump tại châu Âu.
Nhưng những mối quan hệ cá nhân tốt đẹp cho tới nay vẫn chưa hình thành nên những chính sách bền vững. Về vấn đề thay đổi khí hậu, Jerusalem hoặc UNESCO, Paris vẫn chưa thể gây ảnh hưởng tới chính quyền của ông Trump.
Chuyến thăm giữa bốn bề căng thẳng
Ông Macron tới thăm Washington trong bối cảnh nước này cần giải quyết nhiều vấn đề ngoại giao căng thẳng. Ngày 12/5, ông Trump sẽ phải quyết định liệu ông có tiếp tục gia hạn lệnh hoãn các cấm vận liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran hay không, qua đó làm giảm bớt sự hiện diện của Mỹ trong thỏa thuận với Tehran.
Ít nhất, ông Macron sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump trì hoãn quyết định của mình, hoặc đề nghị tổng thống Mỹ loại bỏ các nước châu Âu khỏi danh sách hạn chế đầu tư hoặc cấm vận mới nhắm vào Iran.
Tại Syria, nước Pháp cần Mỹ tiếp tục cam kết ổn định thời hậu IS bởi quân đội Pháp sẽ không giành được nhiều thành tựu nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Khi ông Macron đề cập chuyện này với tổng thống Mỹ, ông cần phải chứng minh rằng người châu Âu sẽ đảm bảo đôi bên cùng có lợi.
Nhưng thậm chí khi ông Macron thất bại trong việc thuyết phục ông Trump, đòn tấn công đơn phương của Pháp vẫn sẽ có ít nhiều giá trị. Nó sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược của châu Âu trong thời kì mâu thuẫn.
Chính quyền Obama đã bị chỉ trích vì chần chừ trong chuyện can thiệp vào Syria. Nhưng cũng cần phải nhớ rằng, đối với Mỹ, mâu thuẫn tại Syria ban đầu được xem là một thảm họa nhân đạo khi IS bắt đầu nổi dậy.
Họp hội đồng bảo an khẩn về Syria
Đối với Liên minh châu Âu (EU), Syria vẫn luôn hiện diện.
Với những dòng người tị nạn di chuyển tới bờ biển châu Âu và nhóm phiến quân IS tấn công những thủ đô của lục địa này, thì mâu thuẫn Syria đã thực sự làm tình hình EU trở nên căng thẳng, phơi bày giới hạn của EU trong việc hợp tác an ninh, quản lí biên giới và sự thiếu đoàn kết chính trị trong chuyện người nhập cư.
Chiến thắng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuần qua đã thể hiện điều này trong khi phong trào chống châu Âu lại có cơ hội trỗi dậy. Xét theo giới hạn về mặt quân sự, giải pháp hiện tại của người châu Âu lúc này là chờ đợi tín hiệu từ Washington.
Ông Macron dường như hiểu rằng đó là rắc rối lớn, và ông sẽ phải ra tay hành động trước khi quá muộn.