Phải phục tùng quan điểm của ông Trump
Theo chuyên trang phân tích chính trị hàng đầu của Mỹ Atlantic Council, ông John Bolton lên thay người tiền nhiệm, Trung tướng H.R. McMaster chính thức từ chức ngày 6/4.
Vừa mới nhậm chức được vài ngày, ông đã tham gia vào nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận về các biện pháp đáp trả nhằm vào chính quyền Syria sau cáo buộc quân Chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học tấn công phe đối lập ở thị trấn Douma ngày 7/4.
Hai ngày sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cảnh báo, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải “trả giá đắt” cho vụ tấn công nói trên. Các chuyên gia nhận định, thông qua tuyên bố này, ông Trump muốn “bắn tín hiệu” rằng ông cần nhận được sự ủng hộ từ tân Cố vấn An ninh Quốc gia.
Ông John Bolton- cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc- từ lâu đã nổi tiếng về quan điểm cứng rắn của ông trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và Iran.
Trước đó, chia sẻ trên tài khoản Twitter ngày 7/2, ông Bolton viết: “Sẽ chẳng ai ngạc nhiên nếu chính quyền Syria tiếp tục phát triển các loại vũ khí hóa học mới. Chính thể của ông Assad đã gây ra tội ác ghê rợn đối với người dân của họ và cộng đồng quốc tế vẫn chưa hành động đủ để ngăn chặn hành vi này”.
Ông Frederic C. Hof- nhà nghiên cứu cao tấp tại Trung tâm Rafik Hariri về Trung Đông nhận định: “Tổng thống Trump rõ ràng là muốn rút khỏi Syria càng sớm càng tốt. Nhưng, giống như người tiền nhiệm, ông vẫn vạch ra “ranh giới đỏ” về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria.
Có lẽ, cũng giống như người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump đã rút ra được bài học “khó nuốt trôi” rằng, những gì xảy ở Syria nhiều khi “không chỉ dừng trong phạm vi Syria”.
Cố vấn Bolton sẽ tư vấn gì?
Cũng theo ông Hof: “Nếu những báo cáo về việc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chết người là chính xác, ông Trump có thể đi đến kết luận rằng, ông al-Assad đã đi quá giới hạn cho phép, và sẽ hành động theo ý chí của mình để đáp trả.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên sẵn danh sách những mục tiêu cần tấn công ở Syria để đáp lại tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Trump- người cũng là Tổng tư lệnh đất nước. Giờ chỉ còn xem ông Trump có sẵn sàng biến lời nói thành hành động hay không”.
Theo một cựu trợ lý của ông Bolton, mục tiêu hàng đầu của tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ là giành được sự tin cậy của ông Trump: “Ông ấy là cố vấn của Tổng thống. Ông ấy làm việc cho Tổng thống và sẽ làm bất kỳ điều gì Tổng thống giao phó và muốn ông thực hiện.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ông Bolton sẽ phải đưa ra những phương án mà Tổng thống chưa từng nghĩ tới. Ông ấy sẽ phải vạch ra những lựa chọn về chính sách phù hợp nhất với quan điểm của Tổng thống, điều mà những người tiền nhiệm của ông Bolton đã từng khiến ông Trump thất vọng”.
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy ông Bolton không còn lựa chọn nào khác là phải thể hiện sự nhất trí với ông Trump nếu muốn được tại vị lâu dài bởi không ít lần ông Trump cho thấy, ông “không nói chơi” khi dọa tấn công Syria.
Một năm trước, chính ông Trump là người đã ra lệnh nã tên lửa vào Syria sau cáo buộc quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công ở thị trấn Khan Sheikhoun ở phía Tây Idlib.
Vào thời điểm đó, ông Trump- người trước đó liên tục từ chối các phương án tấn công vào các mục tiêu ở Syria- nhấn mạnh, ông buộc phải làm như vậy để tránh việc an ninh quốc gia của Mỹ bị hảnh hưởng và ngăn chặn Syria mở rộng việc sử dụng loại vũ khí chết người này.
“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”
Khác với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người tiền nhiệm Barack Obama dù từng tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là “vượt quá ranh giới đỏ” và sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ, nhưng hầu như lại không có hành động cứng rắn nào.
Chính vì thế, khi còn đương nhiệm, ông Obama từng bị chỉ trích dữ dội vì không tiến hành các biện pháp quân sự sau khi có thông tin cáo buộc quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tại Ghouta hồi năm 2013. Theo các chuyên gia, sự “lưỡng lự” của ông Obama lúc đó là bởi ông muốn được Quốc hội Mỹ “bật đèn xanh” cho hành động của mình.
Thay vì thế, chính quyền của ông Obama đi đến thỏa thuận với Chính phủ của ông al-Assad rằng, Syria sẽ dừng chế tạo vũ khí hóa học và chuyển số vũ khí hóa học này ra khỏi đất nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, thỏa thuận này không bao gồm khí clo và quân Chính phủ Syria tiếp tục bị cáo buộc dùng số vũ khí này trong các cuộc tấn công sau đó.
Có thể nói, ông Bolton đang đứng trước một “nhiệm vụ bất khả thi”. Việc áp dụng chính sách mềm mỏng với Syria như Tổng thống Obama trong mắt của các chuyên gia Mỹ là “thất bại nặng nề”.
Dù vậy, cũng không nhiều chuyên gia dám khẳng định, cứng rắn với Syria sẽ cho kết quả tốt. Thậm chí, nếu không hành xử khéo léo, ông Bolton sẽ phải “ngậm trái đắng” Syria như nhiều quan chức Mỹ trong suốt nhiều năm qua. Nguy cơ ông Bolton “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” là không thể xem nhẹ./.