Thái Lan không mua tàu hộ vệ Type 054A Trung Quốc
Vừa qua, chiếc tàu hộ vệ tàng hình Tachin đầu tiên Thái Lan đặt mua của công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) Hàn Quốc đã tiến hành chạy thử trên biển lần đầu tiên, tàu này dự kiến sẽ bàn giao cho hải quân Thái Lan vào tháng 8/2018, đến năm 2019 sẽ đến căn cứ hải quân Thái Lan.
Được biết, hải quân Thái Lan mua tổng cộng 2 tàu hộ vệ cùng loại, chiếc đầu tiên chế tạo tại Hàn Quốc, chiếc thứ hai sẽ chế tạo, lắp ráp tại nhà máy đóng tàu của Thái Lan.
Năm 2013, hải quân Thái Lan mời thầu đặt mua 2 tàu hộ vệ mới, một số nước tham gia tranh thầu như Trung Quốc và Hàn Quốc, Nga. Phía Trung Quốc đã giới thiệu phiên bản xuất khẩu của tàu hộ vệ Type 054A, chào bán với giá ưu đãi.
Tuy nhiên, cuối cùng, Thái Lan đã lựa chọn mua sắm tàu hộ vệ DW3000 của Hàn Quốc, lượng giãn nước 3.650 tấn, trang bị tua-bin khí LM-2500 do Mỹ chế tạo và động cơ dầu diesel MTU do Đức chế tạo. Về vũ khí trang bị, tàu hộ vệ DW3000 đã trang bị pháo 76 mm, hệ thống MK41, tên lửa chống hạm Harpoon, khả năng tác chiến tương đối cân bằng.
Nếu không tính giá cả các vũ khí như tên lửa, giá mua 2 tàu hộ vệ này của Thái Lan là hợp lý với 410 triệu USD, nhưng vẫn đắt hơn so với báo giá của phía Trung Quốc.
Trước đây, Thái Lan cũng đã nhiều lần mua sắm tàu chiến mặt nước của Trung Quốc như tàu hộ vệ lớp Naresuan và tàu hộ vệ lớp Chao Phraya. Khi đó, hải quân Thái Lan thích vũ khí phương Tây hơn, nhưng không có đủ tiền, đành phải để Trung Quốc chế tạo thân tàu, sau đó lắp ráp vũ khí trang bị và hệ thống điện tử của phương Tây, chẳng hạn hệ thống MK41 của Mỹ.
Tàu hộ vệ tàng hình Tachin Thái Lan đặt mua của Hàn Quốc. Ảnh: Spacebattles Forum.
Vậy tại sao lần này hải quân Thái Lan không tiếp tục mua sắm tàu chiến Trung Quốc theo cách làm này? Nguyên nhân rất đơn giản, đó là hiện nay Mỹ không tiếp tục cho phép tàu chiến do Trung Quốc chế tạo lắp ráp vũ khí trang bị của Mỹ.
Điều này buộc hải quân Thái Lan phải cân nhắc lợi hại, mua sắm tàu hộ vệ của Hàn Quốc, không mua của Trung Quốc, từ đó nhập khẩu được công nghệ phương Tây. Hiện nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách để tạo dựng được “uy tín” cho vũ khí trang bị tự chế, từ đó thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường quốc tế, nhưng đây là điều không hề dễ dàng.
Pakistan xác nhận đã ký kết mua sắm tàu hộ vệ Type 054A
Khác với Thái Lan, theo tờ tuần san Defence News Mỹ ngày 28/12, người phát ngôn hải quân Pakistan đã lần đầu tiên công khai xác nhận, tháng 6/2017, Thái Lan và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận mua sắm 1 chiếc tàu hộ vệ Type 054A và có kế hoạch mua thêm 2 chiếc.
Chiếc đầu tiên sẽ sử dụng bộ cảm biến và hệ thống vũ khí tương đồng với hải quân Trung Quốc, hai chiếc tiếp theo còn chưa đàm phán.
Trước đây, Trung Quốc từng chào bán tàu hộ vệ F-22P cho Pakistan, theo phương án thiết kế gồm có radar mảng pha và hệ thống phóng thẳng đứng tên lửa HQ-16 với 32 ống phóng. Nhưng Pakistan đã lựa chọn mua sắm tàu hộ vệ Type 054A.
Quân đội Pakistan cho biết trong tương lai tàu hộ vệ Type 054A của nước này sẽ tiến hành nâng cấp, lắp đặt bộ cảm biến và hệ thống vũ khí tiên tiến hơn.
Tàu hộ vệ tên lửa Yện Đài số hiệu 538 Type 054A, Hạm đội Bắc Hải, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Ifeng.
Đồng thời, Pakistan cũng xác nhận cùng kỳ sẽ mua sắm 4 tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Ada của Thổ Nhĩ Kỳ, những tàu hộ vệ mới này sẽ thay thế 6 tàu hộ vệ lớp Amazon hiện có của hải quân Pakistan (mua của Anh). Đồng thời, những tàu này sẽ lắp đặt vũ khí và hệ thống điện tử của Mỹ, giao dịch còn chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Một chiếc tàu hộ vệ lớp Perry Pakistan mua sắm từ Mỹ hiện vẫn chưa lắp tên lửa phòng không, chỉ trang bị 8 quả tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, vì vậy khả năng tác chiến hạn chế, không bằng Type 054A.
Tàu hộ vệ Type 054A Pakistan mua sắm sẽ được bố trí cho hạm đội hỗn hợp đặc biệt 150/151 của hải quân Pakistan, phụ trách nhiệm vụ tác chiến trên biển.