Tên lửa Stinger có tên họ đầy đủ là FIM-92 Stinger - hệ thống tên lửa vác vai sử dụng đạn tên lửa đất đối không dẫn đường hồng ngoại do Tập đoàn General Dynamics (Mỹ) thiết kế năm 1967, được Raytheon Missile Systems sản xuất từ năm 1978 tới nay.
Tên lửa vác vai Stinger có khả năng tiêu diệt các loại trực thăng, UAV, tên lửa hành trình, máy bay cánh bằng bất kể mục tiêu bay ở tốc độ nào, kể cả tốc độ siêu âm. Tên lửa vác vai Stinger dài 1,52 m, đường kính ống phóng 70 mm, nặng 15,19 kg.
Đạn tên lửa FIM-92 Stinger được đẩy khỏi ống phóng bằng liều phóng nhỏ để tạo khoảng cách an toàn với xạ thủ trước khi hệ thống động cơ đẩy 2 tầng nhiên liệu rắn được kích hoạt đưa tên lửa nhanh chóng đạt tốc độ Mach 2,2.
Stinger có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 4,8 km và độ cao từ 180 - 3.800 m. Đầu nổ nặng 3 kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy.
Tên lửa Stinger gây ra nỗi "ám ảnh" với mọi đối thủ
Về hệ thống dẫn đường, phiên bản đầu tiên FIM-92A sử dụng đầu dò hồng ngoại được làm lạnh thế hệ thứ 2 để nâng cao khả năng dò tìm và dẫn đường, nhanh chóng tiếp cận và tấn công mục tiêu.
Từ FIM-92B trang bị đầu dò 2 kênh sử dụng bộ vi xử lý mới, có thể phân biệt đâu là mục tiêu thật - giả (nếu đối phương gây nhiễu bằng đạn pháo sáng). Phiên bản FIM-92C trang bị bộ vi xử lý có thể tái lập trình, tăng khả năng thích ứng với các mục tiêu khác nhau.
Phiên bản hiện đại nhất là Stinger-RMP Block 2 trang bị đầu dò hồng ngoại cải tiến nhằm tăng độ chính xác và tầm bắn trong điều kiện bị gây nhiễu và áp dụng các biện pháp đối phó.
Mới đây quân đội Mỹ đã thử nghiệm thế hệ tên lửa Stinger mới, nhằm kiểm tra khả năng đánh chặn máy bay không người lái, tên lửa hành trình, pháo binh hay bất kỳ loại súng cối nào trên chiến trường.
Trong chương trình nâng cấp lần này, các kỹ sư đã thay thế các linh kiện đã bị "lão hoá", giúp các tên lửa Stinger kéo dài tuổi thọ và tăng khả năng chiến đấu qua những công nghệ mới. Ngoài ra, họ còn kết hợp làm việc với trung tâm Phát triển Hệ thống Phòng thủ Quốc gia Mỹ để đưa ra kế hoạch nâng cấp phù hợp.
Đáng chú ý, mặc dù những thế hệ đầu tiên của tên lửa này đã được chế tạo từ đầu thập niên 80, nhưng đến nay, Stinger vẫn thể hiện sức mạnh đáng sợ với bất kỳ mục tiêu nào trong tầm ngắm.
Tên lửa vác vai thế hệ mới này phát huy khả năng tối ưu khi được lắp đặt trên xe chiến thuật, có thể quay 360 độ, nâng cao khả năng đánh chặn ở mọi góc độ. Điều đó có nghĩa nó có thể phát hiện và phóng đạn chống mục tiêu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khả năng phòng thủ được tăng lên gấp nhiều lần.
Những biến thể mới hơn, được trang bị đầu tìm 2 chế độ trên dải hồng ngoại và tia cực tím, "bắt sóng" ngay lập tức mọi động thái và di chuyển của mục tiêu. Ngoài ra, hệ thống dẫn đường đánh chặn mới có thể tái sử dụng trong thời gian ngắn sau mỗi lần bắn.
Việc "lên đời" mới của tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Stinger đã khiến các phi công Nga phải học các chiến thuật mới để vượt qua đối thủ "đáng gờm" này. Điều này khiến các chuyên gia quân sự lo ngại Stinger thực sự là "mối đe doạ" cho các chiến đấu cơ bay tầm thấp và trực thăng của Nga.
Về đầu đạn, Stinger được trang bị các đầu đạn lớn hơn những tên lửa thế hệ cũ. Tuy nhiên, đây cũng là những đầu đạn phân mảnh, có khả năng tự phân tán và kích nổ khi áp sát mục tiêu.
Sự nâng cấp này giúp các quân sỹ dễ dàng bắn hạ mục tiêu ở mọi kích cỡ và khoảng cách, thậm chí có khả năng bắn rơi máy bay chiến thuật khi tác chiến. Không những vậy, tên lửa Stinger sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại được cải tiến để có thể phóng được từ nhiều loại phương tiện khác nhau.