Tên lửa vác vai Stinger - Nỗi khiếp sợ của chiến đấu cơ

Nằm dán nguời giữa khe đá, Abdul Azimi cố chúi đầu thật sâu để tránh những mảnh bom và đất đá đang bắn rào rào phía trên. Mặc dù đã có nguời nằm lọt thỏm vào giữa hai tảng đá nhưng tiếng mảnh bom xé gió cắm phầm phập vào đá vẫn khiến cho Azimi cảm thấy rùng mình, rợn tóc gáy. Azimi là người được chọn đi học sử dụng một loại vũ khí mà Taliban cất giấu từ lâu đó là một loại tên lửa vác vai Stinger….

Những cuộc hành quân đêm

Những chuyện hành quân đêm bị máy bay B2 của Mỹ rải bom, rồi bị trực thăng càn quét đã quá quen đối với Azimi. Nhưng kinh hãi nhất vẫn là những chiếc B2 thả bom chùm. Những quả bom được thả ra, rơi xuống gần mặt đất rồi nổ tung, bắn ra hàng trăm quả bom nhỏ, rồi những quả bom này tiếp tục nổ, giống như một chiếc bát úp khổng lồ bao phủ trên một diện tích rộng hàng nghìn mét vuông, từng centimet vuông đất trong phạm vi đó bị xới tung, cây cỏ bị bật gốc chứ nói gì đến con người!

Đã hàng vạn chiến binh Taliban chết vì thứ bom quái quỷ này rồi nên Azimi và các chiến hữu của gã thường chọn những nơi có nhiều đồi núi để hành quân để dễ tìm chỗ để lẩn tránh thay vì những con đường ngắn hơn băng qua sa mạc trống trải.

Đợi cho máy bay Mỹ bay qua, tiếng bom tắt hẳn, Azimi mới dám ngóc đầu lên, thận trọng nhìn ngó, thấy thật an toàn mới dám bò ra khỏi kẹt đá đứng lên đi tiếp. Quanh chỗ gã trú ẩn, vài xác chiến binh Taliban không kịp tìm chỗ nấp dính phải mảnh bom mình mẩy lỗ chỗ vết thương, máu chảy loang đỏ cả mỏm đá.

Kéo xác các chiến hữu xuống một hố bom nhỏ, vùi tạm bằng một lớp đất đá mỏng, gã vội xốc khẩu súng phóng tên lửa Stinger lên vai tiếp tục cùng đoàn quân lên đuờng.

Tên lửa vác vai Stinger - Nỗi khiếp sợ của chiến đấu cơ
 

Hành trình trong điều kiện thời tiết lạnh buốt, đường sá như thế cực nhọc, vất vả không tả được. Chỉ có hơn trăm cây số mà bọn gã đã phải đi như thế hàng tuần từ sau khi bị quân Mỹ đánh bại và dồn đuổi. Azimi chẳng biết gã đã đi những đâu, đã qua những vùng đất nào, gã chỉ mù mờ biết rằng bọn gã đang rút về vùng núi nơi giáp ranh biên giới Afghanistan và Pakistan .

Đêm vừa đi vừa lẩn trốn, ngày thì chui rúc vào các hang hốc, khe đá để nghỉ ngơi và tránh máy bay trinh sát của Mỹ cộng với đói khát, mệt mỏi nên Azimi và đám chiến hữu của gã tuổi đời đều chưa tới hai mươi mà trông như những người trung niên. Trời đã dần sáng, Azimi tự tìm cho mình một chỗ ẩn thân. Tìm được một hõm đá, phía bên ngoài là một bụi cây xuơng rồng nhỏ gã ném oạch khẩu Stinger vào bên trong rồi bò vào nằm chờ trời tối. 

Giữa trưa mưa xuống. Một màn mờ đục, xối xả rơi hắt nước vào người, Azimi lấy tấm bạt cũ nát ra che chắn. Nhưng nước mưa vẫn rỉ xuống thong thả nhỏ giọt vào người gã. Không khí ẩm sánh lại, quánh ướt, từ từ lùa những ngón tay dài ngoằng lạnh toát vào bên trong tấm bạt. Chảy rào rào buồn buồn, miên man như là dòng thời gian trôi thành tiếng, nghe nửa tỉnh nửa mơ. Cả trong lẫn ngoài giấc ngủ đều một đêm tối như bưng và mịt mùng hơi ẩm. Gió ướt rượi thở dài.

Tự nhiên, gã có cảm giác là dường như chiếc xe bỗng dưng rời chỗ, im lìm lăn bánh, chạy êm ru, không cần động cơ, không người cầm lái, một mình mộng du trên con đường rừng cô quạnh. Và âm thầm lẫn trong tiếng suối là tiếng thở dài của rừng sâu nghe vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo như là âm vang vọng lại từ một thời nào đó, như là tiếng của làn lá vàng rơi trên thảm cỏ từ lâu lắm rồi...

Rồi cái cảm giác mộng mị nhanh chóng qua đi, cái đói sầm sập tới đòi ngốn nốt mẩu lương khô bằng ngón chân cái mà gã đang định để dành đến chiều. Lôi nốt mẩu lương khô ra, gã vừa nhấm nháp vừa mơ màng về cái thời đã xa, cái thời gã vẫn còn trong vòng tay mẹ, rồi tới khi những nguời lính Taliban tới ngôi làng nhỏ bé của gã, gieo rắc vào cái đầu của đứa trẻ 15 tuổi như gã về cuộc thánh chiến, về những chiến binh thần thánh được Thánh Ala che chở đã làm nên những kỳ tích mà chỉ có thần thánh mới làm được. Gã tin lắm, cả đám trẻ choai choai như gã cũng tin lắm. Rồi cả lũ rủ nhau bỏ làng theo những người lính ấy để hy vọng tới một ngày sẽ trở thành một chiến binh thần thánh bất khả chiến bại.

Gã được đưa tới một trại huấn luyện nằm sâu trong một vùng đồi núi giữa sa mạc. Ở đây gã gặp những đứa trẻ còn nhỏ hơn gã, đứng súng cao hơn đầu. Vài tháng đầu tất cả được tập quân sự cơ bản, sau đó là các kỹ năng chế tạo bom mìn. Sau sáu tháng gã cũng đã tự tạo được một số loại bom bằng những hoá chất thông thường.

Một thời gian sau Azimi thấy một số đứa trẻ được bí mật đưa đi. Không hiểu những đứa trẻ đó được đưa đi đâu, Azimi hỏi những chỉ huy của gã thì được trả lời rằng đó là những chiến binh được Thánh Ala tuyển chọn để trở thành những chiến binh thần thánh. Gã ôm ấp hy vọng tới một ngày nào đó gã sẽ được chọn như những đứa kia mà có biết đâu rằng đó là sự tuyển chọn cho sự biến mất vĩnh viễn của một cuộc đời.

Hồi đó cứ mỗi khi có các chỉ huy đến trại chọn người là tất cả lại ra vẻ ta đây rất sùng đạo và mong muốn đuợc trở thành chiến binh bên cạnh chúa. Azimi cũng vậy, nhưng số phận không chọn cho gã một cái chết sớm và tan xác, nhưng lại bắt gã phải chịu mọi khổ cực rồi mới cho gã về bên Thánh Ala. Azimi đuợc chọn đi học sử dụng một loại vũ khí mà Taliban vẫn giấu kín từ lâu đó là một loại tên lửa có tên Stinger.

Là kẻ thích súng đạn nên gã cất công tìm hiểu loại súng này rất kỹ. Gã được các chỉ huy đơn vị cho biết khi cuộc chiến tranh ở Afghanistan nổ ra, Liên Xô ủng hộ chính phủ của đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) chống lại lực lượng Mujahideen Afghanistan. Việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan đã buộc Mỹ phải tính toán tới khả năng can dự. Và chính quyền Reagan lúc đó đã đi một nước cờ khá bất ngờ, đó là trang bị Stinger cho Mujahideen. Kể từ khi các tay súng Mujahideen có Stinger, cục diện chiến trường dần thay đổi…

Tên lửa vác vai

Số tên lửa chính xác được giao cho quân nổi dậy Afghanistan khi bắt đầu chiến dịch Gió lốc, CIA đã cung cấp cho lực lượng Mujahideen khoảng 1.500 đến 2.000 quả. Các chỉ huy Taliban còn kể cho Azimi biết về uy lực và tiện ích của loại vũ khí này khi mà chỉ trong 3 tháng đầu tiên triển khai trên chiến trường chống quân Liên Xô, mỗi ngày Stinger hạ 1 máy bay của Liên Xô. Hơn nữa Stinger còn thể hiện rất rõ những ưu việt trên chiến trường có địa hình đồi núi như Afghanistan mà trước đó những loại như Oerlikon hay Blowpipe không làm được do vận chuyển và triển khai khó khăn.

Nếu như trước năm 1983, Liên Xô (Nga) chỉ phải chịu tổn thất từ 70 - 100 máy bay, đến năm 1986 khi Stinger xuất hiện, con số này tăng lên 150 - 200 máy bay. Trong 10 tháng đầu khai triển, 187 tên lửa Stinger được phóng ra, bắn rơi 140 máy bay (đạt hiệu suất khoảng 75%). Không chỉ là nỗi ám ảnh đối với trực thăng, Stinger còn đe dọa cả máy bay chiến đấu Mig. Hiệu suất tiêu diệt mục tiêu của Stinger đã mang đến những thay đổi đáng kể trên chiến trường, góp phần dẫn đến quyết định rút quân của Liên Xô vào cuối thập kỷ.

Thế nhưng, "gậy ông đập lưng ông", giờ đây các chiến binh như Azimi đang sử dụng chính những quả tên lửa Stinger của Mỹ để chống lại họ. Đến lúc này Azimi mới hiểu vì sao các cấp chỉ huy của gã luôn muốn giữ bí mật về đơn vị trang bị tên lửa Stinger của Azimi. Bởi sau khi Liên Xô rút quân, Mỹ tìm cách thu hồi hết những quả Stinger chưa sử dụng, nhưng bằng nhiều cách quân Taliban đã không giao nộp và tìm cách cải tiến để Stinger có thể trở thành "sát thủ" của chính máy bay trực thăng Mỹ khi Washington mở chiến dịch tấn công Taliban năm 2001. Hiện Mỹ vẫn đang phải lao tâm khổ tứ truy tìm tung tích Stinger để ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng từ các tay súng Taliban. Vì vậy những đơn vị chiến đấu được trang bị Stinger như Azimi luôn bị săn lùng ráo riết.

Tên lửa vác vai Stinger - Nỗi khiếp sợ của chiến đấu cơ
 

Ngoài những điều thần kỳ mà Stinger đã làm được trong cuộc chiến tranh chống quân Liên Xô, Azimi còn biết thêm về nguồn gốc sự ra đời cũng như những tính năng ưu việt của nó. Stinger là thế hệ tên lửa vác vai của Mỹ, tương tự như các tên lửa phòng không mang vác thế hệ đầu Redeye hoạt động theo nguyên lý tầm nhiệt (bám theo nhiệt từ khí thải và động cơ của máy bay) nhờ bộ cảm ứng gắn ở đầu. Với quai đeo rất tiện lợi, xạ thủ sử dụng Redeye có thể dễ dàng di chuyển và nhanh chóng tác chiến trên chiến trường.

Tuy nhiên, Redeye vẫn bộc lộ nhiều hạn chế trong tác chiến. Khiếm khuyết lớn nhất đó là Mắt đỏ rất dễ "mù màu" trước những nguồn nhiệt khác từ mặt đất hay sức nóng từ mặt trời, và mục tiêu giả do máy bay đối phương phóng ra như pháo sáng… Bên cạnh đó, tốc độ của Redeye còn khá… "khiêm tốn", máy bay đối phương dễ phát hiện ra và nhanh chóng thoát thân.

Khắc phục những hạn chế của Redeye, tên lửa FIM-92 Stinger là sự bổ trợ hoàn hảo với khả năng dò tìm mục tiêu được nâng cao. Dài 1,52m, đường kính 70mm, nặng 10,1kg, Stringer có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 4,8 km và độ cao từ 180 - 3.800m. Tên lửa được phóng ra nhờ một động cơ nhỏ để tạo khoảng cách an toàn cho xạ thủ trước khi hệ thống cung cấp nhiên liệu rắn 2 tầng được kích hoạt, giúp Stinger đạt tốc độ Mach 2,2. Đầu nổ nặng 3kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy.

Phiên bản đầu tiên FIM-92A được phóng thử vào năm 1975. Nó đã hóa giải những chướng ngại vật mà trước kia Redeye không thể vượt qua, đó là việc sử dụng đầu dò hồng ngoại được làm lạnh thế hệ thứ 2 để nâng cao khả năng dò tìm và dẫn đường, nhanh chóng tiếp cận và tấn công mục tiêu. Hệ thống phân biệt bạn - thù cũng rất hữu dụng trong trường hợp hỗn chiến.

Được phát triển từ năm 1977, FIM-92B có đầu dò tìm 2 kênh, điều khiển bằng bộ vi xử lí mới. Tên lửa sử dụng kĩ thuật quét ảnh cùng đầu dò tia cực tím, giúp phân biệt chính xác mục tiêu thật - giả. Phiên bản FIM-92C (còn gọi là Stinger-RMP) với bộ vi xử lí có thể tái lập trình, tăng khả năng thích ứng với các mục tiêu khác nhau (trên đất, trên biển, trên không). Stinger tiếp tục được cải tiến với những phiên bản FIM-92D, FIM-92G, FIM-92E (Stinger Block I, gắn thêm bộ cảm biến hình tròn và chương trình phần mềm nâng cấp), FIM-92F, FIM-92H...

Stinger-RMP Block II - phiên bản hiện đại nhất của "dòng" Stinger, được phát triển từ năm 1996. Đầu dò hồng ngoại được cải tiến nhằm tăng độ chính xác và tầm bắn trong điều kiện bị gây nhiễu và áp dụng các biện pháp đối phó. Stinger được vận dụng hết sức linh hoạt, cho một người, hoặc phối hợp với các hệ thống phòng không khác như ATAS (Stinger không đối không) dùng trên trực thăng OH-58C/D Kiowa, AH-64 Apache hoặc RAH-66 Comanche; Avenger M998 HMMWV(xe đa chức năng); xe chiến đấu Bradley, xe M6 Linerbacker.

Loại mà Azimi đang sử dụng là phiên bản mới nhất Stinger-RMP Block II đã được các chuyên gia của Taliban "bẻ khoá" hệ thống "bạn - thù" mà đưa về trạng thái "thù". Nghĩa là khi sản xuất loại tên lửa này người Mỹ đã phòng ngừa những quả tên lửa này tấn công cả vào máy bay Mỹ trong trường hợp hỗn chiến, nên họ đã lắp đặt hệ thống nhận biết nhau giữa các tên lửa và máy bay chiến đấu Mỹ.

Tới một ngày tin đưa về từ nước Mỹ, những chiến binh thần thánh đã đánh sập toà tháp đôi tại trung tâm New York, cả quân trại của Azimi nhảy dựng lên reo hò ăn mừng chiến thắng, để vài tháng sau gã cùng những chiến binh khác phải bắt đầu cuộc đời của những kẻ bị đánh bại, bị dồn đuổi trên ngay chính quê huơng của gã. Gã không biết sẽ phải chịu những khổ ải thế này đến bao giờ. Những khi quá đói khát, mệt mỏi, chán nản gã lại được các chỉ huy cho ăn một bài ca về Đức thánh Ala, về chiến thắng trong tương lai và những gì gì đó nhiều lắm nhưng gã chẳng nghe cho hết được vì tai gã đã ù đi vì đói quá rồi. Lúc này gã chỉ mong muốn duy nhất là được trở về nhà…

Kết cục của một chiến binh

Đang mơ màng gặm nhấm những ngày tháng đã qua, bất chợt tiếng còi hiệu báo tập trung vang lên gã mở bừng mắt, trời đã tối rồi!

Trước khi lên đường mỗi người được phát một miếng lương khô to bằng 3 ngón tay, đó là xuất ăn của cả đêm nên Azimi vùa ăn vừa để dành. Mỗi lần đưa lên miệng gã chỉ dám cắn một chút xíu cho đỡ đói lòng. Khi đơn vị của gã mới hành quân được hơn tiếng đồng hồ đang đi xuống sườn phía tây của một ngọn núi thì bất ngờ máy bay ném bom xuất hiện, tất cả lại tản ra tìm những hang hốc, kẹt đá để lẩn trốn. Nhưng riêng Azimi do đi chậm nhất nên gã nằm chơ vơ trên sườn đồi, không tìm được chỗ kín đáo để nấp. Chính vì thế mà gã được chứng kiến toàn bộ cuộc tàn sát đẫm máu ghê sợ nhất trong cuộc đời chiến binh của gã.

Máy bay Mỹ thả không phải những trái bom chùm như gã vẫn sợ, mà khi nổ tung là những vùng khói trắng đục bao trùm lấy cả khoảng đồi nơi đơn vị gã đang ẩn nấp. Tất cả bị na-pan (Bom na pan, bom lân tinh) tróc khỏi hang hốc, bị khí độc lôi lên từ những kẹt đá, hóa cuồng, rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã dụi vào biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái sườn đồi ấy bỗng chốc tràn ngập thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng.

"Thà chết chứ không thể không hàng... Anh em, thà chết...?" - một chỉ huy gào to, như điên, mặt tái dại, hốt hoảng giơ súng ngắn lên, và ngay trước mắt Azimi, anh ta tự đọp vào đầu, phọt óc ra khỏi tai, Azimi líu lưỡi, kêu “Oá oá” trong họng. Quân Mỹ xông tới, tiểu liên kẹp bên sườn. Đạn dày đặc tủa tới như đàn ong lửa.

Quá hoảng sợ nhưng Azimi cũng đủ tỉnh táo lôi khẩu Stinger ngắm vào chiếc trực thăng đang đổ quân xuống ngay nơi gần nhất chỗ gã đang đứng. Azimi lấy đường ngắm và bóp cò, quả Stinger lao vụt đi, một quầng lửa bao trùm lấy chiếc OH-58C/D Kiowa cũng là lúc Azimi nấc to, buông súng ôm lấy một bên hông và khuỵu ngã, thong thả lăn từng vòng, từng vòng xuống lòng suối cạn, máu nóng hổi ướt đẫm bờ dốc thoải.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại