Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov nhận định rằng, nguyên nhân cường kích Su-25 bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không cá nhân là do hệ thống radar của cường kích này không thể nhận diện được quả tên lửa đang bay tới.
“Radar của chiến cơ không thể nhận dạng được vụ tấn công bởi tên lửa phòng không cá nhân như Stinger hay Igla bởi các loại tên lửa này được trang bị đầu dò tự dẫn. Tầm bắn tối đa của Igla là 3 km, điều đó có nghĩa là phi công Su-25 bay ở độ cao thấp, có lẽ anh ấy nghĩ rằng bay ở khu vực ngừng bắn thì sẽ không bị tấn công”, Sivkov nhận định.
Chuyên gia Sivokov hy vọng sau sự việc này, Không quân Nga sẽ lên kế hoạch tăng cường an ninh cho các chuyến bay qua các khu vực ngừng bắn tại Syria. Ông Sivkov cho rằng phiến quân có thể sở hữu tên lửa phòng không cá nhân thông qua thị trường chợ đen hoặc đánh cướp từ các kho vũ khí ở Syria hay Iraq.
“Những kẻ này bỏ qua những quy tắc chung được cam kết về giao chiến và vì thế không cần bắt sống chúng làm gì cả. Giờ chúng ta biết bọn khủng bố ở Idlib vi phạm lệnh ngừng bắn và xứng đáng lĩnh trận tên lửa của quân đội Nga và Syria. Chúng sẽ phải trả giá gấp hàng trăm lần cho cái chết của phi công chúng ta”, ông Konstantin Sivkov nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cường kích chi viện hỏa lực tầm gần Su-25 bị bắn hạ tại khu vực ngừng bắn Idlib, phi công nhảy dù song hy sinh trong cuộc giao tranh với phiến quân sau đó. Không lâu sau khi sự việc xảy ra, quân đội Nga san phẳng khu vực trú đóng của nhóm phiến quân này bằng vũ khí chính xác cao, tiêu diệt ít nhất 30 tay súng.
Vụ việc trên xảy ra ở khu vực bị nhóm khủng bố Jabhat Fatah al-Sham kiểm soát, quân đội Syria đang mở chiến dịch quân sự tại khu vực này. Trong 2 năm thực hiện các chiến dịch quân sự tại Syria, Không quân Nga mất 4 chiến cơ cùng nhiều trực thăng.