Vì sao tên lửa Bulava tự phát nổ khi phóng từ tàu ngầm Nga?

Hải Vy |

Chỉ một trong hai tên lửa đạn đạo Bulava của Nga đánh trúng mục tiêu trong cuộc thử nghiệm gần đây trên Biển Trắng. Tên lửa còn lại đã tự phá hủy trong hành trình bay.

Theo tờ Russia & India Report, ngày 27/9, tàu ngầm hạt nhân Yury Dolgoruky đã phóng thử nghiệm 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Bulava. Con tàu đã lặn xuống độ sâu 50m ở Biển Trắng và tấn công một mục tiêu giả định ở trường bắn Kura, bán đảo Kamchatka.

Trong cuộc thử nghiệm, các tên lửa không mang đầu đạn hạt nhân mà được lắp đầu đạn điện tử truyền thông tin chuyến bay về trung tâm điều khiển.

Tuy nhiên, chỉ 1 trong 2 tên lửa đánh trúng mục tiêu. Tên lửa thứ hai đã "tự phá hủy" sau giai đoạn đầu tiên của hành trình bay và rơi xuống biển.

Các nguồn tin quân sự trên trang tin Gazeta.ru cho biết, tên lửa đã hư hỏng nhẹ khi phóng, khiến nó không thể vươn tới đích. Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận về vụ việc này.

Vì sao tên lửa Bulava tự phát nổ khi phóng từ tàu ngầm Nga? - Ảnh 1.

Hai tên lửa Bulava được phóng đi từ tàu ngầm K-535 Yury Dolgoruky ngày 27/9 vừa qua.

Vấn đề nằm ở đâu?

Đây không phải lần đầu tiên tên lửa Bulava xảy ra vấn đề: Trong tổng số 26 vụ phóng tên lửa Bulava, có 8 vụ không thành công.

Song, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để kết luận dự án này không thành công, bởi công nghệ chiến đấu không thể ngay lập tức đạt tới cấp độ đáng tin cậy cần có: giai đoạn ban đầu, nó sẽ phải trải qua hàng loạt cuộc thử nghiệm và trong quá trình đó thường phát sinh nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, một nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ICBM R-36M2 Voevoda cũng từng phát nổ trên không trung và bị rơi trong 30 cuộc thử nghiệm đầu tiên nhưng sau đó đã được khắc phục và trở thành loại tên lửa đáng tin cậy.

"Trong trường hợp của tên lửa Bulava, một loạt lỗi đã phát sinh trong quá trình chế tạo", nguồn tin nói, "Đầu tiên, nhà sản xuất, do chưa từng phát triển ICBM cho tàu ngầm nên trong một số giai đoạn nhất định chỉ dựa trên mô hình máy tính, thay vì thử nghiệm thật trên biển.

Thứ hai, chính phủ (Nga) không nên tìm cách cắt giảm chi phí và thời gian bằng cách hợp nhất tên lửa 'trên bộ' với 'trên biển'".

Khoảnh khắc tên lửa Bulava được phóng đi từ tàu ngầm Yuri Dolgoruky trong một lần thử nghiệm khác

Theo các chuyên gia Nga, còn quá sớm để kết luận nguyên nhân vụ phóng tên lửa thất bại. Có thể do tên lửa chưa được cải tiến đủ mức sau các vụ phóng hỏng hoặc do lỗi trong quá trình sản xuất.

"Cần phải xem xét ngày sản xuất chính xác của tên lửa", ông Vladimir Yevseyev - phó Giám đốc Viện Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) cho biết, "phải chăng nó được sản xuất trong giai đoạn có các vụ phóng thất bại và đã có lỗi kỹ thuật hay vấn đề phát sinh sau khi được chuyển giao cho quân đội?".

Theo ông Yevseyev, giới chuyên gia Nga sẽ phân tích vấn đề để quân đội nước này có cách xử lý phù hợp.

"Việc này cần được điều tra thận trọng bởi chỉ cần một phần tên lửa cung cấp cho quân đội Nga gặp vấn đề sau khi phóng cũng có thể làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng hạt nhân Nga và thậm chí có thể dẫn tới thảm họa công nghệ nhân tạo" - ông Yevseyev nói.

Hải quân Nga hiện đã có 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei, đề án 955. Mỗi tàu có thể mang tới 16 tên lửa Bulava, tầm bắn khoảng 8.000km.

Tờ Russia & India Report cho hay, mỗi tên lửa Bulava có thể mang từ 6-10 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập, với sức công phá 100-150kt, có thể thay đổi độ cao và hướng di chuyển trong quỹ đạo bay.

Vào năm 2020, Hải quân Nga dự kiến sẽ trang bị 8 tàu ngầm mang tên lửa chiến lược Borei và Borei-A (Borei-A là phiên bản cải tiến, có thể mang được 20 ICBM Bulava).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại