Vì sao tăng T-90 là vũ khí “đáng sợ nhất” nếu chiến tranh biên giới Trung-Ấn nổ ra?

Hồng Anh |

T-90M Bhishma - đặt theo tên người anh hùng Bhishma Pitamaha, trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, có thể hoạt động trong mọi điều kiện khắc nghiệt.

T-90 - vũ khí ưu việt dành cho địa hình hiểm trở

Căng thẳng leo thang giữa quân đội của Ấn Độ và Trung Quốc, cùng điều kiện thời tiết khắc nghiệt dọc theo khu vực biên giới giữa hai nước đã khiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tính xúc tiến các cuộc đối thoại vào tháng 11/2020 để giảm căng thẳng.

Bất chấp tín hiệu tích cực như vậy, các lực lượng vũ trang của hai nước vẫn sẵn sàng ứng phó với nguy cơ xảy ra giao tranh trong mùa đông tại vùng biên giới.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ thời gian gần đây thông báo, nước này đang chuẩn bị cho một tình huống giống chiến tranh sau các vụ đụng độ tại Thung lũng Galwan kể từ tháng 6/2020.

New Dehli đã triển khai một số lượng lớn xe tăng T-90 Bhishma thế hệ thứ 3 và xe tăng T-72M1 cùng xe chiến đấu bộ binh BMP-2 tới các cứ điểm trọng yếu ở thung lũng Ladakh.

Theo nhiều nguồn tin, Ấn Độ đã đưa những khí tài quân sự này đến các khu vực Chumar và Chushul, ngoài ra New Dehli cũng triển khai xe tăng chiến đấu T-90 do Nga sản xuất tại tiểu khu phía bắc (SSN) nơi quân đội nước này chạm trán với quân đội Trung Quốc.

Trong tình huống chiến tranh xảy ra, xe tăng tấn công trên thực địa, được xem một trong những yếu tố chính, kết hợp với sự yểm trợ từ trên không của máy bay chiến đấu Rafales, có thể giúp Ấn Độ giành lợi thế.

Vào mùa đông, điều kiện thời tiết tại khu vực biên giới hai nước sẽ trở nên khắc nghiệt hơn khi nhiệt độ giảm mạnh xuống còn âm 35 độ C cùng những cơn gió lớn lạnh thấu xương.

Tuy nhiên, T-90M Bhishma - được đặt tên theo người anh hùng Bhishma Pitamaha, trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, được thiết kế đặc biệt để hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt ở các khu vực Ladakh, Sikkim và Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Dòng xe tăng này có thể duy trì hoạt động ngay cả khi nhiệt độ giảm xuống âm 40 độ C, do sử dụng nhiên liệu đặc biệt để tránh đóng băng.

Phát biểu với hãng thông tấn Ấn Độ, Tham mưu trưởng binh đoàn Fire & Fury (Ấn Độ) - Tướng Arvind Kapoor cho biết:

"Quân đoàn Fire & Fury là binh đoàn duy nhất của quân đội Ấn Độ và cũng là binh đoàn suy nhất trên thế giới thực sự triển khai lực lượng cơ giới trong địa hình hiểm trở như vậy.

Việc bảo dưỡng xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, và súng hạng nặng là một thách thức ở nơi đây. Để đảm bảo mức độ sẵn sàng chiến đấu của các binh sỹ và trang thiết bị, chúng tôi đã bố trí phù hợp cả con người lẫn máy móc, phương tiện".

Các xe tăng nói trên được trang bị thiết bị quan sát ảnh nhiệt do Pháp chế tạo, giáp phản ứng nổ chủ động ERA của Nga, cùng tháp pháo có lớp giáp hỗn hợp composite do Ấn Độ sản xuất, giúp bảo vệ tốt hơn so với T-90S- nguyên mẫu xe tăng xuất khẩu của Nga.

Tăng T-90 sẽ nhận được sự yểm trợ của xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. T-72 được cho là phù hợp với địa hình tại Ladakh do đã được triển khai thành công ở các khu vực của Nga có điều kiện thời tiết lạnh giá hơn.

Cây bút Caleb Larson của tờ National Interest nhận xét rằng, kích thước nhỏ gọn sẽ giúp những loại xe tăng nói trên thích nghi với môi trường bất lợi.

“Trọng lượng nhẹ, cùng với các đường xẻ rãnh rộng ở lốp, giúp giảm áp suất của xe tăng lên mặt đường, cho phép nó bám đường tốt hơn và di chuyển dễ hơn vào mùa xuân và mùa đông khi nhiều con đường ở Nga trở nên lầy lội do tuyết và băng tan. Khả năng hoạt động của T-70 tại các quốc gia khác cũng rất xuất sắc”.

T-15 sẽ bị lép vế trước T-90 nếu giao tranh nổ ra?

Ở phía bên kia, Trung Quốc cũng triển khai xe tăng hạng nhẹ T-15 đến các cứ điểm trọng yếu. Những chiếc xe tăng này được cho là đã xếp hàng dài tại biên giới của Trung Quốc giáp với Ấn Độ kể từ khi Bắc Kinh tiến hành tập trận từ tháng 6/2020. T-15 lần đầu tiên ra mắt trước công chúng vào năm 2019 trong khuôn khổ cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm năm Quốc khánh Trung Quốc.

Theo nhiều nguồn tin, xe tăng T-15, có tính cơ động cao trên các cao nguyên bằng phẳng, được cho là đã xuất hiện gần đường kiểm soát thực tế (LAC).

Nhà báo Peter Suciu đánh giá, T-15 không có khả năng tấn công mạnh mẽ như xe tăng của Ấn Độ nhưng chúng lại phù hợp hơn với địa hình tại khu vực biên giới hai nước.

“Xe tăng T-15 có lớp giáp mỏng hơn và pháo nòng cỡ 105mm, vì thế nó không thể tạo ra được hỏa lực có sức công phá mạnh mẽ như xe tăng của Ấn Độ. Nhưng trọng lượng nhẹ giúp nó thích ứng tốt hơn khi hoạt động tại các vùng núi hiểm trở gần LAC”.

T-15 do Tập đoàn công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc (NORINCO) sản xuất nặng 33 tấn, bằng nửa trọng lượng của một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực điển hình, nhưng đây là điều cần thiết để giúp nó hoạt động được tại địa hình hiểm trở và có không khí loãng.

Những chiếc xe bọc thép nặng hơn thường gặp vấn đề do thiếu oxy để hỗ trợ hoạt động của động cơ”, cây bút Suciu cho biết.

Tuy nhiên, ông Suciu nhấn mạnh, nếu Trung Quốc triển khai mẫu xe tăng này đến thung lũng Depsang của Ấn Độ thì đây sẽ là sai lầm chiến lược.

“Pháo nòng 105 mm của tăng T-15 có thể bắn xuyên thủng lớp giáp bảo vệ của xe tăng đối phương và phá hủy tên lửa dẫn đường. Tuy nhiên, T-15 vẫn cần phải di chuyển ra và vào liên tục trong một cuộc giao tranh.

Thế nhưng địa hình của cao nguyên Depsang không thuận lợi cho việc di chuyển của chiếc xe tăng hạng nhẹ này. Nếu chiến tranh xảy ra trong khu vực, không rõ bên nào sẽ thực sự giành lợi thế”, cây bút Peter Suciu cho biết.

Theo một quan chức quân đội cấp cao của Ấn Độ tại khu vực Ladakh, New Dehli vẫn chưa thấy xuất hiện bất cứ xe tăng nào của Trung Quốc tại cao nguyên Depsang. Quan chức này cho rằng, ngay cả khi được triển khai ở đây, xe tăng của Trung Quốc sẽ không thể đọ sức với xe tăng của Ấn Độ.

"Tính đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu cho thấy Trung Quốc triển khai xe tăng hạng nhẹ đến khu vực của chúng tôi.

Nhưng ngay cả khi họ triển khai và tham gia một cuộc chiến tay đôi với chúng tôi, những chiếc T-15 của Trung Quốc sẽ không thể sánh được với những chiếc T-90 và T-72 mạnh mẽ và cứng rắn", quan chức này phát biểu với kênh truyền hình India Today.

Giới quan sát nhận định, cao nguyên Depsang, nằm ở độ cao hơn 4.572m và có địa hình bằng phẳng, sẽ phù hợp hơn với xe tăng T-90.

Video: Xem xe tăng T-90 vượt địa hình hiểm trở. Nguồn: RT.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại