Vì sao phương Tây cấp “bảo bối” cho Ukraine?

Trương Khắc Trà |

Mặc dù Mỹ vẫn giữ quan điểm không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng Tổng thống Joe Biden liên tục nâng cấp vũ khí viện trợ cho Ukraine.

Vì sao phương Tây cấp “bảo bối” cho Ukraine? - Ảnh 1.

Mỹ và phương Tây đồng loạt viện trợ xe tăng chiến đấu cho Ukraine

Vào đầu chiến sự Nga - Ukraine , các chính phủ phương Tây có phần do dự, do phải đối mặt những ẩn số chưa thể giải đáp: Nên hay không can thiệp? Và nếu có thì nên dừng lại ở mức độ nào?

Bước ngoặt xảy ra khi quân đội Ukraine tự lực cánh sinh trong tuần đầu tiên, đẩy quân Nga khỏi phía Bắc thủ đô Kiev. Từ đó, liên quân tình báo NATO, Anh, Mỹ nhận thấy điểm yếu của quân đội Nga.

Liên tiếp những tháng sau đó, vũ khí Mỹ - tuy không quá hiện đại nhưng là điểm tựa giúp Ukraine gặt hái thành công trên chiến trường. Một vấn đề khác cũng vỡ vạc, rằng sức mạnh tổng hợp của Nga không thể phát huy tối đa trong cuộc chiến đặc biệt này.

Phương Tây dùng đối sách “một đối một”, nghĩa là Nga tung vũ khí nào thì Mỹ và châu Âu đều đưa ra đối trọng phong sát để bảo đảm quan điểm của Washington - không khiến chiến sự Nga- Ukraine leo thang và lan rộng.

Đúng như dự báo của các nhà quan sát, các cường quốc quân sự phương Tây đã bắt đầu gửi đến chiến trường Ukraine vũ khí tối tân. Quốc hội Đức thống nhất gửi 15 xe tăng Leopard, còn Tổng thống Joe Biden cũng quyết định xuất kho xe tăng Abrams.

Cần phải nói thêm rằng, công nghệ xe tăng Leopard của Đức được chế tạo để khắc chế dòng xe tăng T-90 của Nga, còn Abrams quá nổi tiếng và dày dặn kinh nghiệm chiến trường. Bên cạnh đó, Challenger 2 - xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba của Anh cũng tham chiến.

Diễn biến trên cho thấy phương Tây thay đổi đáng kể quan điểm về cuộc chiến này. Bởi trước đó, Đức, Mỹ và Anh từ chối cung cấp vũ khí tối tân cho Ukraine với lý do chi phí đắt đỏ, khó bảo dưỡng và có nguy cơ khiến xung đột leo thang.

Ngày 25/1, Tổng thống Mỹ có bài phát biểu thể hiện quyết tâm hậu thuẫn mạnh mẽ hơn cho Kiev, không quên gửi thông điệp đến người đồng cấp ở Kremlin, rằng: “Nếu muốn, Nga có thể rút quân ngay từ bây giờ. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của quân đội Ukraine”.

Vì sao phương Tây cấp “bảo bối” cho Ukraine? - Ảnh 2.

Sắp tới, chiến trường trên bộ ở Ukraine sẽ rất ác liệt

Mỹ và toàn khối NATO có ngân sách quốc phòng và GDP gấp 30 lần Nga. Với thực lực, kho vũ khí vô tận như vậy cộng với 5 triệu chiến binh Ukraine thì đội quân viễn chinh Nga đối mặt với thử thách khổng lồ.

Vấn đề khiến cộng đồng quốc tế quan tâm lúc này không hẳn là Ukraine có bảo toàn lãnh thổ hay không mà cuộc chiến tranh này sẽ leo thang đến đâu, ảnh hưởng đến mức độ nào?

Sự thua thiệt của Nga ở Ukraine không có nghĩa là Mỹ và châu Âu đã dập tắt tư tưởng “đại Nga”, cũng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc ông Putin chịu xuống thang rút quân!

Ngược lại, sự bổ sung chất lượng cho quân đội Ukraine càng làm cho chiến tranh khó kết thúc, thúc đẩy Kremlin hành động táo bạo hơn. Kịch bản Moscow mở rộng chiến tranh ở Đông Âu để phân tán hành động của phương Tây hoàn toàn có thể xảy ra.

Có một sự kiện có thể chứng minh cho nhận định trên: Ba Lan, Estonia, Latvia, và Lithuania đã gửi chung một văn thư yêu cầu Đức viện trợ Leopard 2 cho Ukraine. Rõ ràng các nước này đã cảm nhận điều chẳng lành có thể đến từ Moscow.

Song, điều đó chưa xảy ra ngay tức thì. Hãy để xem Leopard, Challenger và Abrams có thể tạo ra thêm một bước ngoặt ở Ukraine hay không. Nếu Nga tiếp tục bất lợi trong màn đấu xe tăng sắp tới thì tình hình thật sự nguy hiểm cho toàn châu Âu!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại