Thêm một vụ tấn công đẫm máu nữa nhằm vào nước Pháp, những dấu hiệu ban đầu cho thấy dường như lại có bàn tay khủng bố đứng sau thảm kịch mới nhất này.
Ít nhất 80 người thiệt mạng trong vụ tấn công ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp đêm 14-7. Kẻ tấn công lao xe tải vào đám đông đang tổ chức kỉ niệm ngày quốc khánh, hắn di chuyển điên cuồng nhằm giết hại càng nhiều người càng tốt, đồng thời xả súng vào đám đông vô tội!
Mục tiêu hàng đầu
Chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công trong khi những kẻ ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rầm rộ tung hô ăn mừng (!) vụ tấn công này trên mạng xã hội.
Nếu thực sự một nhóm khủng bố đứng sau cuộc thảm sát này, đây sẽ là tấn công khủng bố đẫm máu thứ hai nhằm vào nước Pháp trong năm 2016 và thứ ba kể từ tháng 1-2015. Câu hỏi đặt ra là tại sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu hàng đầu của khủng bố như vậy?
Theo Business Insider, trong thông báo tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Paris năm ngoái, IS gọi Paris là “thủ đô của gái mại dâm và sự trụy lạc”.
Nhóm thánh chiến này cũng nói rằng Pháp và “tất cả những quốc gia đi theo con đường của Pháp” đều “đứng đầu trong danh sách mục tiêu tấn công của IS”.
Dưới thời Tổng thống Francois Hollande, Pháp thực hiện những cuộc không kích đầu tiên nhắm vào các mục tiêu IS ở Syria vào tháng 9 -2015. Không chỉ IS, Pháp cũng là mục tiêu “nổi bật” hơn của các nhóm cực đoan.
Những nhân chứng trong vụ khủng bố ở nhà hát Bataclan (ở thủ đô Paris) hồi tháng 11-2015 nói rằng tay súng đã hét lên rằng nước Pháp phải trả giá vì tất cả những tổn hai mà ông Hollande đã gây ra với người Hồi giáo trên toàn thế giới, theo The New York Times.
Một nhân chứng khác nói với CNN rằng kẻ tấn công la hét bằng tiếng Pháp như một người bản địa.
Dễ tấn công nhất?
Will McCants, một chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan, đồng thời là tác giả của cuốn sách mới phát hành gần đây mang tên “The ISIS Apocalypse” (tạm dịch “Sách Khải huyền ISIS” – ISIS là cách gọi khác của IS), từng nói với Business Insider hồi tháng 11-2015 rằng vụ tấn công này có thể là cảnh báo để nước Pháp ngừng không kích ở Syria.
Nước Pháp không lùi bước
“Đó có thể là thông điệp cho nước Pháp rằng nếu còn tiếp tục đánh bom vào các mục tiêu của IS, sẽ còn có thêm những vụ tấn công tương tự, thế nên tốt nhất là Pháp nên rời khỏi Syria, nếu không thường dân Pháp sẽ phải chết” – ông McCants phân tích.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng rất khó để suy đoán lý do (nhằm vào nước Pháp) của IS bởi “đây có thể chỉ là vấn đề nơi nào chúng thấy có cơ hội lớn nhất”.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 15-7, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh:
"Không có gì có thể khiến chúng ta từ bỏ ý chí chiến đầu chống chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta sẽ tăng cường những nỗ lực ở Syria và Iraq chống lại những kẻ đang tấn công tại mảnh đất của chúng ta".
“Quốc gia mà IS coi là kẻ thù lớn nhất là nước Mỹ. Và ai cũng có thể biết rằng Mỹ sẽ nằm ở vị trí cao nhất trong danh sách mục tiêu của IS. Tuy nhiên rất khó để tấn công vào nước Mỹ” - ông McCants nói thêm.
Paris cũng là nơi mà IS gặt gái thành công nhiều hơn trong chiến dịch tuyển mộ chiến binh phương Tây. IS lôi kéo được nhiều người từ thủ đô của nước Pháp hơn so với bất kỳ thành phố châu Âu nào.
Nước Pháp chia rẽ
Những căng thẳng xung quanh cộng đồng Hồi giáo ở Pháp bị dồn nén lâu cũng là một môi trường để khủng bố tận dụng. Nhà báo George Packer của tờ The New Yorker từng tham gia đưa tin về chiến tranh Iraq, từng gây chú ý với bài báo có tựa đề “The Other France" (tạm dịch: Một nước Pháp khác) trong đó, đặt ra câu hỏi liệu có phải các vùng ngoại ô Paris chính là “lò ấp sản sinh khủng bố”.
“Nước Pháp có tất cả các loại ngoại ô, nhưng cái từ banlieues được người Pháp dùng để gọi vùng ngoại ô của mình ngày nay mang cái nghĩa rất xấu. Nó có nghĩa là những khu ổ chuột đầy rẫy người nhập cư” – ông Packer viết.
Theo nhà báo này, trong những “banlieues” đó có đủ các hạng người, trong đó có những kẻ giận dữ với nước Pháp.
Sau vụ tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo hồi đầu năm ngoái do Al Qaeda tiến hành, những nhà hoạt động địa phương ngoại ô Paris lo ngại rằng nước Pháp sẽ bị chia rẽ hơn.
“Tôi rất lo sợ cho số phận của những người Hồi giáo ở Pháp” – một phụ nữ viết trên trang Facebook của một nhà hoạt động địa phương.
Người phụ nữ này nói rằng những kẻ khủng bố có thể đánh vào sự lo sợ và hẹp hòi để gây ra một cuộc chiến nhằm vào tất cả những người Hồi giáo.
Theo giải thích của nhà báo Packer, bối cảnh căng thẳng xuất phát giữa một số người Pháp nhập cư từ nước châu Phi Algeria và một bộ phận người Pháp bản địa.
“Algeria trở thành một phần của nước Pháp kể từ đầu thế kỷ 19 cho tới năm 1962 nước này giành lại độc lập, sau 8 năm chiến tranh với khoảng 700 ngàn người thiệt mạng…
Bộ phim “The Battle of Algiers” của đạo diễn Gillo Pontecorvo nói về bạo loạn, khủng bố, tra tấn đối với người Algeria … từng bị cấm chiếu ở Pháp suốt 5 năm sau khi nó ra đời năm 1996 và cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. …Những người trẻ tuổi ở banlieues nói rằng họ vẫn được dạy không quên lịch sử đau thương đó”.
Học giả Andrew Hussey chuyên nghiên cứu về Paris cho biết: “Những đữa trẻ ở các banlieues lên lớn giữa đầy rẫy tệ nạn như nghiện ngập, gái điếm, xã hội đen và cả những vấn đề phức tạp của Hồi giáo… Chúng bị cô lập với bên ngoài và phải tự nhận thức một cách đau đớn rằng chúng khác với những người da trắng gốc gác ở nước Pháp…”
Ba vụ khủng bố đẫm máu liên tiếp
Ngày 7-1-2015: Hai anh em Cherif và Said Kouachi tấn công vào toà báo biếm họa Charlie Hebdo, xả súng làm 12 người thiệt mạng. Hai tên này bị lực lượng đặc nhiệm tiêu diệt khi cố thủ tại một xí nghiệp ở vùng Seine et Marne vào ngày 9-1-2015. Trước khi bị tiêu diệt, tên Amedy Coulibaly đã tấn công và sát hại 4 con tin tại một cửa hàng ở Paris. Trong quá trình trốn chạy, tên này còn giết chết một cảnh sát tại Paris vào ngày 8-1-2015.
Ngày 13-11-2015: Chuỗi các vụ tấn công khủng bố nổ ra tại nhiều địa điểm ở thủ đô Paris như sân vận động Stade de France và nhà hát Bataclan khiến 130 người thiệt mạng trong đêm kinh hoàng của nước Pháp. IS sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Đêm 14-7-2016: Một nghi phạm gốc Tunisia ở Nice lái xe tải và xả súng vào đám đông đang dự lễ mừng quốc khánh Pháp tại TP Nice khiến 80 người thiệt mạng.