Các quan chức Nhật được nói là vừa phát hiện một lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất có thể làm trật bánh một thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ đô la, theo bài của Asian Nikkei Review.
Ba năm trước, Nhật Bản đã quyết định mua hệ thống phòng thủ Aegis Ashore trị giá 4,2 tỷ USD, trong bối cảnh Triều Tiên liên tục phóng tên lửa - chưa kể đến lời đe dọa bóng gió của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng các đồng minh nên chi tiêu nhiều hơn cho việc phòng thủ và mua hàng Mỹ.
Nhưng giờ đây Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ tiêu tốn 200 tỷ yên (1,89 tỷ USD) và mất 12 năm để khắc phục sự cố với tên lửa đẩy của hệ thống Aegis.
Hóa ra những tên lửa đẩy này có thể rơi xuống theo một vòng cung rộng hơn nhiều so với các ước tính trước đó, có khả năng gây nguy hiểm cho các khu dân cư gần đó ở tỉnh Yamaguchi và Akita, nơi đặt hệ thống.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản chỉ biết về sai sót trước khi thông báo cho bộ trưởng Kono, người đang rất tức giận.
Ở thời kỳ trước, việc hủy bỏ dự án là điều không cần bàn cãi. Việc trang bị vũ khí tốn kém, thường bị trì hoãn là một phần cái giá mà Tokyo phải trả cho liên minh với Mỹ, theo hiệp ước năm 1960 do ông nội của Thủ tướng Shinzo Abe ký kết.
Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Washington trong việc đảm bảo an ninh đã tạo nền tảng cho chủ nghĩa hòa bình Nhật Bản và chi tiêu quốc phòng thấp trong nhiều thập kỷ.
Nhưng rõ ràng là thời thế đã thay đổi. Một ngày sau khi được thông báo ngắn gọn, ông Kono, theo Asian Nikkei Review, đã đến văn phòng của Thủ tướng Abe và nói: "Chúng tôi vừa biết hệ thống có một lỗ hổng nghiêm trọng. Chúng tôi không thể tiếp tục kế hoạch này."
Ông Abe đã rất ngạc nhiên, nhưng, bị thuyết phục bởi sự chắc chắn của bộ trưởng Kono, đã đưa ra quyết định bất thường là hủy bỏ hệ thống.
Nhiều tuần sau, hậu quả của quyết định tiếp tục vang dội. Các nhà phân tích nói rằng Washington đang bối rối khi coi cuộc tranh luận về tên lửa đẩy chỉ là cái cớ cho một quyết định chính trị mà người Mỹ không hiểu đầy đủ.
Trong khi đó, Nhật Bản đang ở giữa một cuộc tranh luận khẩn cấp về cách giải quyết lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của đất nước.
Một số chính trị gia cánh hữu nhìn thấy cơ hội được chờ đợi từ lâu để xét lại lập trường của Nhật Bản thời hậu chiến và cho phép một điều gì đó trước đây chưa từng nghe đến: tấn công phủ đầu chống lại các kẻ thù.
Giữa cơn bão chính trị này là bộ trưởng Kono, được cho là đang cạnh tranh chiếc ghế thủ tướng tương lai. Ông đã thấy tỷ lệ ủng hộ mình tăng đều đặn khi tranh cãi tập trung vào ông và trong các cuộc thăm dò gần đây nhất, ông nằm trong số ba ứng cử viên hàng đầu để kế nhiệm ông Abe, người kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9 năm 2021.
Sự thăng tiến chính trị của ông Kono diễn ra nhanh chóng sau quyết định về hệ thống Aegis cho thấy mức độ thất vọng ngấm ngầm trong quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Nhật, ngày càng bị cả hai bên coi là không công bằng.
Ngay cả trước khi quyết định hủy bỏ chương trình, ông Kono đã được nhiều người coi là một nhà cải cách.
Từ lâu, ông đã chỉ trích việc chính phủ chi tiêu lãng phí. Là người lập dị theo tiêu chuẩn của xã hội Nhật Bản, ông thường mặc quần có dây treo và mang một chiếc cặp nhỏ màu be và tím. Ông chưa bao giờ tiết lộ những gì bên trong, nhưng các phụ tá nói đùa rằng đó là "chiếc cặp hạt nhân" (không tồn tại) của Nhật Bản.
Những thứ khác khiến ông khác biệt với tầng lớp chính trị chính thống của Nhật Bản: tiếng Anh lưu loát, sản phẩm của quá trình giáo dục ở đại học Georgetown và thực tập ở Capitol Hill, và 1,6 triệu người theo dõi trên Twitter.
Cha của ông là ngoại trưởng và chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, và ông nội của ông là phó thủ tướng. Tuy nhiên, ông đã tự khẳng định mình là một kẻ lập công, người đã phản đối các quan điểm truyền thống của LDP về các vấn đề như sản xuất điện hạt nhân.
Kono đã theo đuổi những gì ông coi là chi tiêu quân sự lãng phí.
Ngay sau khi nhậm chức bộ trưởng quốc phòng vào năm 2019, ông đã chỉ đạo xem xét rộng rãi việc mua phần cứng của Mỹ thông qua các thỏa thuận đặc biệt được gọi là mua bán quân sự nước ngoài, biểu tượng cho điều mà nhiều người Nhật Bản coi là mối quan hệ một chiều, khi các điều kiện do Mỹ đưa ra, người mua không được phép thương lượng giá.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản phàn nàn rằng ngày giao hàng là "ước tính" và sự chậm trễ, không bị phạt, là phổ biến. Tất cả các thiết bị cần thiết sau thỏa thuận ban đầu là một tùy chọn được thanh toán riêng và chi phí vượt mức là cố hữu.