Vì sao Nga củng cố căn cứ quân sự tại Tajikistan và Kyrgyzstan?

Thùy Linh |

Nga đang trang bị những loại vũ khí mới nhất cho các căn cứ quân sự của nước này tại Tajikistan và Kyrgyzstan để ngăn chặn các phần tử khủng bố từ Afghanistan xâm nhập vào khu vực Trung Á.

Trong bài phân tích mới đây đăng trên RIA Novosti, bình luận viên Alexander Khrolenko đã đưa ra lời giải đáp cho hành động này của Bộ Quốc phòng Nga.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra hồi tuần trước tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố:

"Bộ Quốc phòng Nga đang áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hoạt động khủng bố từ Afghanistan xâm nhập vào Trung Á. Vì thế, hiện nay chúng tôi đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các căn cứ quân sự của Nga tại Tajikistan và Kyrgyzstan bằng cách trang bị những loại vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại".

Bộ trưởng S.Shoigu nhấn mạnh, Moscow cũng sẽ hỗ trợ lực lượng vũ trang của các nước trong khu vực Trung Á và chú trọng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng này. Ông cũng bày tỏ quan ngại trước sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với số lượng thành viên lên đến 35.000 người ở Afghanistan.

"Chiến lược của tổ chức khủng bố này là thiết lập "Nhà nước Hồi giáo" mới trên lãnh thổ Afghanistan, đe dọa tới an ninh của nước này và các nước láng giềng", ông S.Shoigu nói thêm.

Theo bình luận viên Alexander Khrolenko, tình hình ở Afghanistan đang mỗi ngày một xấu đi. Phiến quân Taliban trước đây từng chiếm đóng các khu vực nông thôn của Afghanistan, nay đã phát động cuộc tấn công vào các thành phố lớn của nước này.

Trong khi đó, ảnh hưởng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đang ngày một tăng lên. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani mới đây đã tuyên bố rằng, các tay súng phiến quân Taliban có "cơ hội cuối cùng" để chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, qua lịch sử xung đột lâu dài từ trước tới nay, vòng đàm phán hòa bình khó có thể đạt được kết quả khả quan.

Hoạt động của Liên quân phương Tây không mang lại bình yên cho Afghanistan, do đó, Bộ Quốc phòng Nga đang tiến hành các động thái gia tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu tại các căn cứ của mình ở Tajikistan và Kyrgyzstan, trang bị cho họ vũ khí hiện đại, đồng thời tăng cường thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các nước thành viên của Tổ chức SCO.

Hiện có khoảng 10.000 phần tử cực đoan hoạt động tại khu vực biên giới chung dài hơn 1.300km của Afghanistan và Tajikistan. Đây thật sự là mối đe dọa nghiêm trọng. Có lẽ, vì thế mà căn cứ quân sự số 201 của Nga đóng tại Tajikistan là cơ sở quân sự lớn nhất của Nga ở nước ngoài.

Căn cứ này được đặt tại Dushanbe và Kurgan-Tube, với số lượng binh lính lên tới khoảng 7.500 người. Trong tháng 5 vừa qua, căn cứ 201 được tăng cường thêm các tiểu đoàn pháo binh hạng nặng, gồm nhiều hệ thống phóng tên lửa (MLRS) Uragan cỡ nòng 220mm, có thể tấn công hiệu quả vào các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 35km trong địa hình rừng núi phức tạp.

Đồng thời, Nga lần đầu tiên chuyển giao cho Tajikistan hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M để tham gia vào cuộc tập trận chung chống khủng bố mang tên "Dushanbe Antiterror-2017" của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).

"Dushanbe Antiterror -2017" là cuộc diễn tập đầu tiên do Trung tâm chống khủng bố của các quốc gia thành viên CIS tổ chức với sự tham gia của các lực lượng vũ trang các nước trong CIS.

Như vậy, căn cứ quân sự số 201 của Nga ở Tajikistan đã khẳng định vị thế của một trung tâm chống chủ nghĩa khủng bố. Dự kiến, ​​vào tháng 9 tới đây sẽ diễn ra một cuộc tập trận tương tự với sự tham gia của quân đội các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).

Kyrgyzstan nằm ở phía bắc Tajikistan không có chung biên giới với Afghanistan nhưng cũng chịu ảnh hưởng của mối đe dọa khủng bố. Lực lượng vũ trang của nước cộng hòa này là một trong những đội quân yếu nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, bốn căn cứ quân sự của Nga ở Kyrgyzstan, bao gồm căn cứ Không quân của Lực lượng phản ứng nhanh tập thể thuộc Tổ chức CSTO tại thành phố Kant, căn cứ hải quân thử nghiệm ở thành phố Karakol, trung tâm thông tin liên lạc tại làng Chaldovar và điểm đo địa chấn tự động tại Mailu-Suu đều đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình tại Kyrgyzstan.

Hiện nay Nga đang xây dựng mối quan hệ với các nước Trung Á dựa trên sự tôn trọng lợi ích chung, không áp đặt "cách mạng màu" cho các nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu lưu ý rằng, các căn cứ quân sự Nga đặt tại Tajikistan và Kyrgyzstan có nhiệm vụ bảo đảm cho sự ổn định trong khu vực.

Cùng với các đồng minh của mình, Moscow đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các căn cứ quân sự của mình, bảo đảm sự an toàn cho thủ đô Dushanbe của Tajikistan và thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại