Vì sao Mỹ “vội vã” bố trí hệ thống phòng thủ ở Alaska

Đức Dũng |

Mỹ mới đây đã hoàn thành quy trình bố trí hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Alaska và giải thích rằng đây là động thái ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng xuất phát từ Triều Tiên và Iran...

Thông tin trên được tờ Defense News chuyên về quân sự đưa ra. Theo đó, Cơ quan phòng thủ chống tên lửa (MDA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã phối hợp với tập đoàn Boeing hoàn tất quy trình bố trí các tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất tại căn cứ quân sự "Fort Grili" ở bán đảo Alaska.

Theo các nguồn tin MDA cung cấp cho Defense News, vào hôm thứ Tư tuần trước (2/11), Mỹ đã hoàn thành việc bố trí tên lửa đánh chặn số 44 tại Alaska. Hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở Alaska sẽ chính thức được đưa vào trực chiến từ cuối năm 2017.

Defense News nhấn mạnh rằng các tên lửa này có chức năng bảo vệ Mỹ khỏi các mối đe dọa tiềm tàng từ phía Triều Tiên và Iran.

Trong tương lai, Lầu Năm góc sẽ nâng số lượng tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại căn cứ quân sự "Fort Grili" ở Alaska lên 64 quả. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 9/2017 cũng đã đề nghị gia tăng chi phí cho chương trình phòng thủ chống tên lửa thêm 136 triệu USD trong năm tài khóa 2017.

Đến giữa tháng 10/2017, Đại diện Bộ Quốc phòng Nga Aleksandr Emelianov tuyên bố rằng, đến năm 2022, số lượng tên lửa đánh chặn của Mỹ sẽ vượt quá con số 1.000 quả. Theo ông Aleksandr Emelianov, hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đã bố trí ở châu Âu 60 tên lửa đánh chặn và thêm 150 quả được Mỹ lắp đặt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đại diện Bộ Quốc phòng Nga, việc triển khai các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh sẽ tạo ra các mối đe dọa, rủi ro đối với chủ quyền và an ninh các quốc gia này.

Đại diện Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố rằng Lầu Năm góc đã bắt tay vào việc thiết lập các tổ hợp tấn công chớp nhoáng phi hạt nhân cấp độ toàn cầu. Các hệ thống này sẽ được sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ tương tự như nhiệm vụ của các lực lượng hạt nhân. Bằng cách này, Washington muốn phá vỡ thế cân bằng đã được hình thành từ lâu.

Trước đó, hồi tháng 5/2017, Thượng nghị sỹ bang Alaska Dan Sallivan đã bày tỏ sự quan ngại với các hành động quy mô lớn của Bộ Quốc phòng Nga ở Bắc cực, đồng thời kêu gọi Washington và các đối tác của Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự tại Alaska.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại