Mới đây, ngày 14/11, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tiếp tục đưa ra biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, nhà băng này đã tiến hành giảm lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 1 tháng đến 15 tháng, mức giảm từ 0,1% đến 0,3%.
Trước đó, ngày 13/11, OCB cũng đã điều chỉnh tăng thêm 0,3 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 đến 21 tháng tăng từ 5,9% lên 6,2%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng tăng từ 6%/năm lên 6,3%/năm; kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,1%/năm lên 6,4%/năm.
Được biết, việc tăng lãi suất kỳ hạn dài, giảm ở kỳ hạn ngắn là một trong những hành động nhằm mục tiêu tái cơ cấu danh mục huy động đạt cấu trúc tối ưu. Thông qua đó, OCB có được nền tảng chi phí vốn tốt hơn trong dài hạn, góp phần hạ giá thành và tăng lợi thế cạnh tranh trong hoạt động cho vay.
Như vậy, tương tự một số ngân hàng TMCP năng động khác trên thị trường, OCB đang áp dụng quyền lợi lãi suất tốt nhất cho những khách hàng gửi tiền muốn hưởng lãi ổn định trong vòng 18 tháng đến 3 năm tới. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn đáp ứng, tuân thủ đầy đủ quy định của NHNN.
Trước đó, một loạt ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động trong nửa đầu tháng 11.
Từ ngày 10/11/2023, Vietcombank tiếp tục giảm 0,1-0,2 điểm % lãi suất ở cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Như vậy, Vietcombank đã có tới 4 lần giảm lãi suất trong 2 tháng qua: ngày 14/9 – 3/10 – 20/10 – 10/11. Mức giảm tổng cộng là gần 1%/năm.
Với mức dưới 3%/năm ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và chỉ 5%/năm các kỳ hạn dài, lãi suất của Vietcombank đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Các ngân hàng lớn khác như BIDV, VietinBank, Agribank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Với ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Sacombank, Techcombank, lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 5,4 – 5,9%/năm. Đáng chú ý, ACB hiện chỉ niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,9% - thấp hơn cả nhóm Big4.
Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, ngân hàng khó tìm đầu ra cho vay và nhu cầu tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ tăng 7,39%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước cũng như chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.
Lãi suất tiết kiệm giảm đã khiến một bộ phận người gửi tiền thay đổi suy nghĩ về các kênh đầu tư. Dù vậy, không phải tất cả người gửi tiền đều thay đổi quan điểm. Tuy lãi suất giảm, tiền gửi cư dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng liên tục từ đầu năm.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2023, số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,433 triệu tỷ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022 (tương đương tăng 567.600 tỷ đồng).
Anh Đăng Hùng, sống tại Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Mình luôn ưu tiên gửi tiết kiệm ngân hàng thay vì đầu tư vào các kênh khác. Đầu tiên là rất an toàn, tiếp theo là mức lãi suất ở thời điểm hiện tại là chấp nhận được so với lạm phát. Bên cạnh đó, mình là người không am hiểu quá nhiều tài chính nên không lường trước được rủi ro của các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản. Vì vậy, để tiền trong ngân hàng là an tâm nhất”.
Hà Thu (Quận 1, TP HCM) cho biết: “Mình vừa rút hết tiền từ chứng khoán để gửi ngân hàng. Hồi đầu năm, nghe bạn bè nên vào đầu tư thử. Nhưng thị trường biến động quá mạnh. Lúc tăng thì mình không bắt được sóng, lúc giảm mình lại vào mua. Tính ra mình lỗ mất 20% tài sản mà lại mất cả thời gian, tâm sức và cũng làm xao nhãng công việc chính. Vì vậy, mình quyết định gửi tiết kiệm cho nhẹ đầu.”
Theo giới phân tích, nhu cầu gửi tiết kiệm là luôn có bất chấp lãi suất huy động giảm, và chỉ có một phần nhỏ dòng tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm dịch chuyển sang chứng khoán, bất động sản… bởi khẩu vị rủi ro là khác nhau. Bên cạnh đó, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện khoảng 5,3%-6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì người gửi tiền vẫn có mức lãi suất thực dương.