Sở hữu 'bảo bối tỷ đô' được 2/3 thế giới ưa chuộng, Việt Nam thu nửa tỷ USD sau 9 tháng, lọt top 3 'ông trùm' của thế giới

Như Quỳnh |

Hiện mặt hàng này của Việt Nam đã có mặt hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sở hữu bảo bối tỷ đô được 2/3 thế giới ưa chuộng, Việt Nam thu nửa tỷ USD sau 9 tháng, lọt top 3 ông trùm của thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2023, xuất khẩu cá ngừ của nước ta đạt 72 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ mang về 617 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về thị trường, Mỹ là quốc gia lớn nhất nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này thu về 238 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 38%.

Sở hữu bảo bối tỷ đô được 2/3 thế giới ưa chuộng, Việt Nam thu nửa tỷ USD sau 9 tháng, lọt top 3 ông trùm của thế giới - Ảnh 2.

Israel là thị trường lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam với 35 triệu USD, tăng mạnh 36% so với cùng kỳ năm 2022. Quốc gia này cũng đang trở thành điểm sáng của cá ngừ Việt Nam. Theo VASEP, nếu năm 2022, tình trạng “lạm phát trì trệ” đã khiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel sụt giảm thì năm 2023 cá ngừ xuất sang Israel lại tăng liên tục ở mức cao. 

Israel hiện là thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam tại Trung Đông. Riêng 5 tháng đầu năm 2023 thị trường này đã chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Trung Đông.

Xếp thứ 3 là Thái Lan với 27 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài 3 thị trường này, các quốc gia lớn nhất của cá ngừ còn bao gồm Nhật Bản, Canada, Đức,…cá ngừ Việt Nam hiện cũng có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sở hữu bảo bối tỷ đô được 2/3 thế giới ưa chuộng, Việt Nam thu nửa tỷ USD sau 9 tháng, lọt top 3 ông trùm của thế giới - Ảnh 3.

Cá ngừ tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam và trung tâm Biển Đông. Theo VASEP, sản lượng cá ngừ của Việt Nam ước đạt hơn 600 nghìn tấn; trong đó cá ngừ vằn là loài khai thác chính, chiếm hơn 50% tổng nguồn lợi cá nổi.

Sản lượng cá ngừ hàng năm (bao gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và các loại khác) đạt hơn 200 nghìn tấn. Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình trên 45 nghìn tấn, với sản lượng khai thác hàng năm từ 17.000 đến 21.000 tấn. Sản lượng cá ngừ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ước tính khoảng 27.000 tấn. Bình Định là tỉnh khai thác cá ngừ lớn nhất với 9.400 tấn, tiếp theo là Khánh Hòa với 5.000 tấn và Phú Yên với 4.000 tấn.

Kết thúc năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy). Ngành cá ngừ cũng gia nhập “câu lạc bộ” tỷ đô khi cán mốc 1 tỷ USD, lần đầu tiên trong hơn 20 năm xuất khẩu.

Tuy nhiên khi bước sang năm 2023, xuất khẩu cá ngừ lại không giữ được đà tăng trưởng. Nguyên nhân là lạm phát tăng cao, hàng tồn kho ở các thị trường tiêu thụ cá ngừ còn nhiều, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng vào những sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Trong khi đó, những khó khăn lâu nay trong ngành cá ngừ chưa được tháo gỡ như nguyên liệu sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao và đặc biệt là chưa gỡ được thẻ vàng IUU.

VASEP đánh giá xuất khẩu cá ngừ Việt Nam hiện đang dần thu hẹp mức giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá cá ngừ nguyên liệu trên thế giới giảm đang thúc đẩy nhu cầu của các nhà nhập khẩu trong giai đoạn cuối năm. Do đó, có khả năng cá ngừ trong những tháng tới sẽ trở về mức tương đương so với cùng kỳ năm 2022.

Theo dự báo của VASEP, tổng xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt khoảng 9,1 – 9,2 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại