Vì sao Kim Jong Un cấp tập thử tên lửa?

Thanh Hảo |

Vì lý do gì mà Kim Jong Un cho thử tên lửa liên tiếp trong thời gian gần đây? Mục đích cuối cùng của ông là đối thoại?

Nếu Triều Tiên muốn ngồi vào bàn đàm phán, nước này có thể cho rằng trước tiên phải giành được lợi thế một cách nhanh chóng và cách tốt nhất là phóng tên lửa hết lần này đến lần khác.

Chiến thuật này giúp Triều Tiên ở vị trí mạnh nhất để mặc cả trước khi cấm vận kinh tế buộc họ phải ngồi vào bàn thương lượng.

Vì sao Kim Jong Un cấp tập thử tên lửa? - Ảnh 1.

Bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng vì những vụ thử tên lửa cấp cập của chính quyền Kim Jong Un. (Ảnh: Inquirer)

"Giống như mà môn taekwondo vậy", Peter Hayes – Giám đốc điều hành Viện An ninh Nautilus – bình luận, nhắc tới môn võ thuật của người Hàn Quốc. "Đây là môn võ mà đối thủ đá xoáy vào đầu bạn kết hợp với một tiếng thét chói óc khiến bạn mất cân bằng ngay từ đầu".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tỏ rõ quyết tâm chế được một tên lửa có thể bắn tới nước Mỹ. Ông đích thân giám sát hàng chục vụ phóng thử trong vòng 4 tháng qua, so với chỉ 16 lần thử trong toàn bộ 17 năm cha ông cầm quyền.

Sau vụ thử mới nhất, Kim Jong Un tuyên bố "người Mỹ sẽ rất lo lắng" về năng lực của Triều Tiên.

Các nhà phân tích cho rằng, ngoài những tuyên bố về tiến bộ kỹ thuật, có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang khuấy đảo thêm căng thẳng trước khi buộc phải đàm phán theo điều kiện Mỹ đặt ra.

"Họ càng tiến xa (trong phát triển vũ khí) thì họ càng giành được nhiều từ các cường quốc bên ngoài khi trở lại bàn thương lượng", Washington Post dẫn lời Chun Yung-woo – nguyên là một nhà đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc với Triều Tiên và là cựu cố vấn an ninh quốc gia ở Seoul.

Ông Chun Yong-woo cho rằng, với ngày càng thêm nhiều đòn trừng phạt chồng chất lên Triều Tiên, chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi sức ép phát huy tác dụng và trở nên không thể chịu nổi.

"Vì vậy, trước khi trở lại đối thoại, họ có mọi lý do để đẩy nhanh phát triển kỹ thuật", ông Chun nói.

Nhưng ngoại giao dường như vẫn là một con đường quá dài.

Chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ dùng "áp lực tối đa" với Triều Tiên, và cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ca ngợi "cam kết" của Trung Quốc trong nỗ lực kiềm chế Bình Nhưỡng.

Giới chức cấp cao Mỹ thi nhau lên tiếng rằng các điều kiện đối thoại với Triều Tiên không phù hợp.

Tại cuộc đối thoại "Track 2" ở Thụy Điển cuối tuần qua, đại diện Triều Tiên tuyên bố với các chuyên gia và cựu quan chức Mỹ tham dự rằng, họ không thích bàn bạc một hồi kết cho chương trình hạt nhân hay tên lửa của mình.

Đây là lần gặp mới nhất của loạt đối thoại không chính thức Track 2, nhằm gửi một thông điệp tới chính quyền ở Washington và thử nghiệm các ý tưởng. Bộ Ngoại giao Mỹ biết về sự kiện này nhưng các nhà chức trách nói nó không có tác động.

Theo Washington Post, đàm phán với Triều Tiên, kể cả có xảy ra, thì cũng khó mà thành công. Đàm phán "sáu bên" năm 2005 từng khiến Bình Nhưỡng nhất trí giải giáp chương trình hạt nhân để đổi lấy trợ giúp kinh tế và đảm bảo an ninh.

Thế nhưng thỏa thuận đã sụp đổ năm 2009 khi Triều Tiên phóng thiết bị mà họ khẳng định là một vệ tinh. Cộng đồng quốc tế cho rằng đây là một phần chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Năm 2012, Washington và Bình Nhưỡng cố đạt được một thỏa thuận mới, theo đó Triều Tiên cam kết không thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa nữa, còn Mỹ cung cấp viện trợ nhân đạo mới. Thỏa thuận mới được 16 ngày thì Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng phóng "tên lửa" khác và đã làm đúng như vậy.

Nhưng dù điều gì xảy ra trước kia thì nhận thức chung hiện nay vẫn thiên về một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên vì đây có lẽ là lựa chọn ít tồi tệ nhất. Và hiện đã có những dấu hiệu sẵn sàng ở cả hai phía.

Vốn vẫn tự hào về tài năng đàm phán trong nhiều năm kinh doanh của mình, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hồi tháng 5 rằng ông "vinh dự" gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên, thậm chí khen Kim Jong Un là người "thông minh".

Cũng trong tháng 5, sau khi hội đàm với các cựu quan chức Mỹ ở Na Uy, một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên nói Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại "nếu có điều kiện".

Theo Gary Samore, quan chức phụ trách không phổ biến hạt nhân dưới quyền Tổng thống Barack Obama, tới một lúc nào mà nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận thấy mình ở vị trí mặc cả đủ mạnh thì ông có thể sẽ đồng ý tạm dừng thử vũ khí.

Và tăng thêm lợi thế đối thoại cho Triều Tiên là cuộc bầu cử tháng trước ở Hàn Quốc với ứng viên thiên về hòa giải với Bình Nhưỡng giành được ghế Tổng thống. Ông Moon Jae-in cam kết sẽ nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng nếu như điều này giúp giải quyết vấn đề hạt nhân.

Tuy nhiên, câu hỏi là nhà lãnh đạo Triều Tiên nghĩ thế nào và khi nào là đủ mạnh cho vị trí mặc cả của mình.

"Nếu ông ấy nghĩ cần năng lực tầm xa để đàm phán với Mỹ ở thế có lợi, thì chúng ta có thể sẽ chứng kiến các vụ thử vũ khí trong nhiều năm nữa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại