Vì sao Iran dùng UAV "sát thủ" đe dọa Israel nhưng Nga sẽ "tọa sơn quan hổ đấu"?

Quốc Vinh |

Iran vừa bị cáo buộc lên kế hoạch triển khai nhóm máy bay không người lái “sát thủ” tấn công Israel từ lãnh thổ Syria, một động thái khiến nhiều người bất ngờ.

Vì sao Iran dùng UAV sát thủ đe dọa Israel nhưng Nga sẽ tọa sơn quan hổ đấu? - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Vì sao Iran táo bạo hơn?

Iran vừa bị cáo buộc lên kế hoạch triển khai nhóm máy bay không người lái (UAV) "sát thủ" để tấn công Israel từ lãnh thổ Syria. Kế hoạch này đã bị quân đội Israel phá hủy trong cuộc tấn công gần Damascus đêm 24/8, theo tuyên bố từ Tel Aviv.

Vẫn như mọi khi, Iran không lên tiếng về những cáo buộc nhằm vào mình. Nhưng với Israel, đây không phải là lần đầu tiên nước này cho rằng Tehran có âm mưu chống lại họ.

Theo Haaretz, trong 19 tháng qua, đã có ít nhất bốn lần Iran - hoặc các dân quân do nước này hậu thuẫn - bị cáo buộc triển khai máy bay không người lái hoặc phóng tên lửa về phía Israel, bắt đầu bằng sự kiện một chiếc UAV bị một máy bay trực thăng Apache của Israel bắn hạ sau khi vượt qua biên giới nước này hồi tháng 2/2018.

Điều khác biệt trong hành động mới nhất hôm 24/8 là mức độ chuẩn bị của người Iran dường như cao hơn so với trước đây. Theo giới phân tích, nếu cáo buộc nói trên là thật, quyết định cử UAV "sát thủ" của Iran có thể liên quan trực tiếp đến ý định trả đũa cuộc không kích của Israel đối với các dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq.

Một trong những điều đáng chú ý khác là việc Israel đã rất nhanh chóng thừa nhận hành động tấn công của mình ở Syria, cả trong phát ngôn của quân đội và trong tuyên bố của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Trong khi hầu hết các cuộc tấn công trước đó đều được coi là để phòng ngừa mối đe dọa có thể đến trong tương lai, quân đội Israel lần này nói rằng họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công trực tiếp.

Bất chấp sự đối đầu trong gần bốn thập kỷ, giới lãnh đạo Iran vẫn luôn tránh bước vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Israel; thay vào đó, nước này bị cáo buộc sử dụng các lực lượng hậu thuẫn để thực hiện các hành vi khác nhau.

Chiến lược của Iran đã bắt đầu thay đổi từ tháng 2/2018, khi Lực lượng Quds tinh nhuệ trong Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt đầu tham gia tích cực hơn trong các kế hoạch gây hiềm khích.

Sự thay đổi này được cho là đến từ một số lý do chính trị ở Iran và hơn cả là giành chiến thắng trên mặt trận tuyên truyền.

Trong trường hợp một số UAV thành công khi nhắm mục tiêu vào Israel, thiệt hại sẽ tương đối nhỏ, vì chúng chỉ có thể mang theo vài kg chất nổ. Nhưng tiếng vang trong công chúng Israel và Iran sẽ là rất lớn.

Theo Haaretz, một lý do khác khiến IRGC sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn và quyết định leo thang lớn với Israel là sự thất vọng của họ trước sự can thiệp thành công của Israel đối với kế hoạch thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở Syria.

Israel làm gì tiếp theo?

Vì sao Iran dùng UAV sát thủ đe dọa Israel nhưng Nga sẽ tọa sơn quan hổ đấu? - Ảnh 2.

Các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran ở Syria sẽ còn tiếp tục.

Israel đã đạt được những thành công đáng kể - cả về mức độ tình báo trong việc phát hiện các nỗ lực của Iran – để tấn công và phá hủy tài sản của nước này ở Syria trong hàng trăm cuộc không kích. Thiệt hại về phía Iran chưa được kiểm chứng, nhưng có vẻ như đó không phải là những cuộc tấn công vô ích.

Israel đã thành công trong việc ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran và ngăn chặn việc thiết lập các căn cứ dài hạn trên đất Syria, nhưng họ đã thất bại trong mục tiêu bao trùm là chấm dứt mọi sự hiện diện của quân đội Iran tại quốc gia này.

Những thành công trên đã đạt được một phần nhờ áp lực từ Nga (và Mỹ), nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin lại đang cho thấy rằng, ông đang chơi một trò chơi phức tạp hơn nhiều ở Syria.

Kể từ khi lực lượng Nga triển khai tới Syria, nước này đã hợp tác với Iran trong việc củng cố cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Moscow đã không hành động để ngăn chặn Israel tấn công các tài sản của Iran tại đây.

Mặc dù vậy, các lực lượng được Iran tích lũy ở Syria - chủ yếu là các chiến binh Hezbollah và các thành viên dân quân người Afghanistan, Iraq và Pakistan, được đào tạo ở Iran - vẫn chưa được xử lý triệt để.

Về cơ bản, Nga vẫn muốn các lực lượng đồng minh Iran nắm vai trò trên mặt đất, để không phải mạo hiểm với quá nhiều binh lính của chính mình. Nói cách khác, Iran được coi như lá chắn cho người Nga.

Tại nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc chiến ở Syria, kể từ khi cuộc chiến ban đầu nổ ra vào năm 2011, đã có những ý kiến ở Israel kêu gọi các cuộc tấn công vào lực lượng của chính quyền Assad.

Bất chấp điều đó, Thủ tướng Netanyahu đã giới hạn phạm vi hoạt động của Israel ở Syria, chỉ tấn công các mục tiêu có khả năng gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Israel. Chính sách này càng trở nên cứng nhắc hơn khi các lực lượng Nga đến Syria.

Về cơ bản, Israel và Iran đang lâm vào bế tắc ở Syria. Iran đã ủng hộ cho Tổng thống Assad nắm quyền, nhưng kế hoạch biến Syria thành căn cứ khác cho các hoạt động ủy quyền của họ - như đã từng làm ở Lebanon, Iraq và Yemen - đã bị hủy bỏ cho đến nay.

Tuy nhiên, với hàng chục ngàn chiến binh ở Syria, Iran dường như sẽ tiếp tục cố gắng sử dụng Syria làm bệ phóng cho các cuộc tấn công vào Israel. Trong khi Tel Aviv sẽ tiếp tục các cuộc tấn công không hồi kết.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại