Theo tờ Russia & India Report, những chiếc trực thăng Mi-17 đã trở thành phương tiện vận chuyển ưa thích của đặc nhiệm Ấn Độ. Chúng đã được sử dụng vào tháng 11/2008 trong cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm vào Nhà Chabad ở Mumbai, nơi lực lượng khủng bố đang bắt giữ các con tin người Do Thái.
Ngày 28/09, 4 chiếc Mi-17 IV đã được sử dụng để vận chuyển khoảng 60 lính đặc nhiệm trong cuộc tấn công chưa từng có vào các trại khủng bố nằm trong vùng kiểm soát của Pakistan ở bên kia đường kiểm soát (LoC).
Trực thăng Mi-17V-5 của Không quân Ấn Độ.
Mẫu trực thăng đa năng
Không giống các trực thăng tấn công khác, như Ka-52 Alligator của Nga (tốc độ tối đa 315km/giờ) hay Apache của Mỹ (có tốc độ tối đa 293km/giờ), chiếc trực thăng vận tải hạng trung Mi-17 có tốc độ chậm hơn (tối đa 250km/giờ) nhưng nó lại có một số tính năng phù hợp với các lực lượng đặc nhiệm.
Trực thăng Mi-17V-5 với các bó rocket gắn ngoài.
Tùy thuộc vào từng phiên bản, Mi-17 có khối lượng cất cánh tối đa 13.000kg, cho phép chở được 36 lính trang bị hạng nặng hoặc 4.000kg hàng hóa bên trong khoang với thêm trọng tải 4.500kg gắn bên ngoài.
Một cửa đuôi được mở rộng với thiết kế mở kiểu mới cho phép triển khai, thu hồi binh lính, hàng hóa nhanh và dễ dàng hơn.
Hai động cơ TV3-117BM với công suất lên đến 1.900 mã lực/một động cơ, cho phép nó có thể hoạt động và treo ở độ cao lớn hơn, cải thiện hiệu năng ở điều kiện môi trường "nóng và cao".
Thiết bị bên trong buồng lái bao gồm thiết bị thông tin liên lạc và dẫn đường để sử dụng cho cả bay ngày, đêm, trong những điều kiện thời tiết bất lợi và thiết bị chống đóng băng.
"Những tính năng này đặc biệt quan trọng ở khu vực biên giới vùng núi phía Bắc và Đông Bắc Ấn Độ" - tờ Defense Industry Daily đưa ra nhận định.
Với các cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm như vụ vượt qua giới tuyết LoC vừa qua, dự trữ hành trình và tầm hoạt động của Mi-17 cho phép Ấn Độ có thể hoạt động ở khoảng cách đáng kể.
Với tầm hoạt động lên đến 580km, nó cho phép lực lượng đặc nhiệm tấn công các mục tiêu nằm sâu đến Peshawar ở vùng Tây Bắc. Tầm hoạt động này có thể lên đến 1.065km khi được lắp thêm 2 thùng dầu phụ. Thêm vào đó, trần bay 6.000m cho phép Mi-17 vượt quá tầm bắn của các loại vũ khí bộ binh cỡ nhỏ mà nó có thể gặp phải trong các chiến dịch.
Điển hình cho dòng trực thăng Nga, Mi-17 là con quái vật với "lớp da" dày. Binh lính trên chiến trường yêu thích nó nhờ lớp giáp dày của trực thăng cho phép bảo vệ tốt hơn.
Một chiếc Mi-17 của Không quân Syria từng bị tên lửa không đối không của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn vào năm 2013 nhưng nó đã có thể sống sót đủ lâu để cả 2 phi công Syria quay trở về không phận của mình và tránh bị bắt giữ.
Trong khi đó, một chiếc trực thăng Cobra của Thổ Nhĩ Kỳ bị tên lửa vác vai Strela do Nga sản xuất bắn làm vỡ nát trên không, khiến 2 phi công thiệt mạng.
Hệ thống buồng lái tiên tiến
Do các hoạt động bí mật thường được thực hiện vào ban đêm nên một chiếc trực thăng đáng tin cậy, có thể tự điều hướng mà không cần tương tác là yếu tố quan trọng, quyết định thành công của chiến dịch.
Trong cuộc khủng hoảng con tin ở Iran vào năm 1979, các đặc nhiệm Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm để giải cứu công dân nước này ở Iran.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đã buộc phải hủy bỏ khi một trong những chiếc trực thăng của họ va chạm với máy bay vận tải và rơi tại điểm hẹn trên sa mạc.
Lần khác, vào năm 2011, "Chiến dịch Geronimo" hay là vụ đột kích của Mỹ vào một căn nhà ở Pakistan nhằm tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden đã suýt thất bại khi 1 trong 2 chiếc trực thăng tàng hình bị rơi.
Buồng lái hiện đại của chiếc Mi-17V-5.
Phiên bản tiên tiến nhất của dòng Mi-17 mà Ấn Độ sở hữu là bản V-5, được trang bị công nghệ nhìn đêm, radar thời tiết, hệ thống lái tự động PKV-8 và hệ thống tích hợp trên buồng lái KNEI-8.
Theo thông cáo báo chí của Công ty Trực thăng Nga, Mi-17 có "buồng lái rất rõ ràng và trực quan với 4 màn hình hiển thị đa chức năng cỡ lớn, giúp phi công dễ dàng đọc thông số và giảm mệt mỏi".
Hệ thống còn cho phép giảm thời gian chuẩn bị trước khi cất cánh. Điều này có thể rất quan trọng trong các nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm, khi binh lính phải di chuyển trong thời gian ngắn để đáp ứng các thông tin tình báo trong thời gian thực. Sự chậm trễ có thể dẫn đến khai hỏa trong vùng mục tiêu không có địch.
Hơn nữa, mẫu trực thăng này có thể được vũ trang nhiều loại súng máy, tên lửa và rocket khác nhau. Một số chiếc Mi-17 của Ấn Độ đã được trang bị rocket cỡ 57mm.
Cuộc đua chớp nhoáng
Các trực thăng Nga vốn nổi tiếng là loại vũ khí hiệu quả của chiến tranh. Những kinh nghiệm thu được từ cuộc chiến kéo dài một thập kỷ ở Afghanistan đã giúp các nhà thiết kế của Nga tạo cho nó khả năng sống sót và hiệu suất tác chiến cao hơn.
Mẫu trực thăng nổi tiếng nhất là chiếc Mi-24, được các phi công Nga đặt cho biệt danh là "xe tăng bay" không chỉ bởi khả năng sống sót cao mà nó còn gây ra nỗi khiếp sợ với các chiến binh Hồi giáo.
Hiệu quả đã được chứng minh của trực thăng Nga là lý do vì sao Lầu Năm Góc đã chi cho Moscow 1 tỷ USD để cung cấp cho Quân đội Afghanistan các trực thăng do Nga chế tạo.
Khi được hỏi về sự phù hợp của trực thăng Mỹ, một trong những phi công kinh nghiệm nhất của Afghanistan - Đại tá Qalandar Shah Qalandari đã phàn nàn rằng mẫu trực thăng trinh sát MD 530F "không an toàn để bay, động cơ thì quá yếu trong khi cánh đuôi nhiều nhược điểm. Và nó không được trang bị giáp... Ngay cả những khẩu súng cũng không tốt".