Tổng thống Ukraine Zelensky đã chấp nhận rủi ro đáng kể khi yêu cầu quân đội tiến hành hai cuộc phản công lớn vào đầu tháng 9 này, một ở khu vực Kherson tại phía Nam và một ở khu vực Kharkov tại phía Bắc nhưng các điều kiện dường như không thuận lợi cho Ukraine, khiến ông Zelensky không có nhiều lựa chọn.
Chiến lược của mỗi bên
Đến thời điểm hiện tại, Ukraine vẫn chưa đạt được mục tiêu trong cuộc phản công tại Kherson. Tuy nhiên, cuộc phản công theo hướng Kharkov đã khiến Nga bất ngờ và mang lại cho Kiev một số thành công nhỏ.
Quân nhân Ukraine khai hỏa lựu pháo D-30 gần một tiền tuyến ở tỉnh Mykolaiv thuộc miền Nam Ukraine ngày 13/8. Ảnh: Reuters
Trong bài bình luận đăng trang phân tích chiến sự 19 Forty Five, ông Daniel L. Davis, thành viên cao cấp của Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities và là cựu Trung tá trong quân đội Mỹ cho rằng, điều cần thiết là phải hiểu rõ vì sao chiến dịch của Ukraine tại Kherson thất bại còn chiến dịch tại Kharkov lại thuận lợi và những kịch bản nào sẽ xảy ra trong mùa đông. Chìa khóa để xác định điều gì diễn ra tiếp theo sẽ là xem xét phản ứng của Nga.
Nga dường như đã lựa chọn tiến hành đồng thời cái gọi là sứ mệnh "economy-of-force" (tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực) tại Kharkov và Kherson. Đây là một trong 9 Nguyên tắc Chiến tranh, dựa trên phương pháp tiếp cận chiến tranh của vị tướng Phổ, Carl von Clausewitz.
Về cơ bản, đó là nguyên tắc sử dụng sức mạnh chiến đấu theo cách hiệu quả nhất để khiến đối phương không có cơ hội đạt được mục tiêu trong một cuộc giao tranh. Để làm điều này, chỉ huy chiến trường cần phải phân bổ lực lượng một cách hợp lý nhằm thực hiện nhiệm vụ tấn công, phòng thủ, cầm chân hoặc đánh lừa đối phương... Ý tưởng đặt ra là sử dụng ít binh sỹ nhất trong khả năng có thể để hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất, vì thế bên tham chiến có thể dễ dàng đạt được mục tiêu.
Trong cuộc xung đột tại Ukraine, Nga duy trì số lượng binh sỹ vừa đủ ở Kharkov và Kherson để giữ chân quân đội Ukraine, khiến họ không thể tấn công sườn phía Bắc hoặc phía Nam ở Donbass hoặc để củng cố phòng tuyến của Ukraine ở Donbass, bởi cả 2 hoạt động này sẽ khiến kế hoạch chiến đấu của Nga gặp rủi ro.
Về phần mình, Ukraine dường như đang theo đổi một chiền lược có khả năng làm thay đổi kế hoạch của Nga trong cuộc chiến tại Kharkov/Donbass. Nếu quân đội Ukraine có thể duy trì cuộc phản công và đánh hạ 3 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga thì họ có thể xoay trục sang phía Nam nhằm ứng phó cuộc tấn công của Nga ở phía Bắc Donbass và buộc Điện Kremlin phải điều lực lượng từ nơi khác đến để tiếp viện. Một kịch bản khác là Ukraine có thể bổ sung hỏa lực để hỗ trợ quân đội theo hướng này, khiến hoạt động của Nga trở nên khó khăn hơn nhiều.
Thời gian qua, Nga đã dồn phần lớn nguồn lực vào việc tấn công các lực lượng của Ukrainr tại Donbass, do đó lực lượng của Nga tại mặt trận phía Bắc và phía Nam khá mỏng manh. Quân đội Ukraine đã khai thác lỗ hổng này để thực hiện bước đi mạo hiểm là tấn công vào phòng tuyến của Moscow ở Kharkov và Kherson. Nhưng để thực hiện chiến lược đó, quân đội Ukraine phải băng qua các thảo nguyên rộng lớn, đương đầu với tên lửa, pháo binh và sức mạnh không quân của Nga.
Đánh giá về cuộc phản công kép của Ukraine, Đại tá Markus Reisner, làm việc tại Bộ Quốc phòng Áo và là một trong những nhà phân tích quân sự hàng đầu ở châu Âu cho rằng, chiến dịch tại Kherson của Ukraine gần như thất bại hoàn toàn vì quân đội nước này bị tổn thất nặng nề do các cuộc tấn công bằng tên lửa và đạn pháo của Nga. Họ không giành được lại được bất cứ vùng lãnh thổ nào và các đường ranh giới cũng gần như không thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên tại Kharkov, phía Ukraine đã có một số bước tiến đáng chú ý.
Chuyên gia Daniel L. Davis nhận định ban đầu Nga chỉ biên chế cho mặt trận Kharkov một số lượng binh sỹ khá hạn chế. Theo thời gian, Nga dần rút các binh sỹ này ra khỏi Kharkov để bổ sung cho mặt trận Donbass hoặc Kherson, có lẽ vì cho rằng Ukraine sẽ không tấn công vào khu vực này. Chính vì thế, khi quân đội Ukraine tấn công, họ hoàn toàn bất ngờ và không có sự chuẩn bị trước.
Kiev đã tập kết những thiết bị tốt nhất của phương Tây mà họ nhận được, trong đó có xe tăng T-72 từ Cộng hòa Séc và Ba Lan, pháo tự hành từ Đức, hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) từ Anh, xe chở quân bọc thép và pháo M777 từ Mỹ, đồng thời điều động các binh sỹ dày dặn kinh nghiệp để hợp thành 2 nhóm phản công tại Kherson và Kharkov.
Cuộc phản công tại Kherson
Ukraine đã thực hiện cuộc phản công đầu tiên ở khu vực Kherson nhằm vào tuyến phòng thủ của Nga. Vài tuần trước cuộc tấn công này, Kiev đã bắn phá các cây cầu bắc qua sông Dnipro và kho đạn dược của Nga, nhằm cắt đứt tuyến đường tiếp viện với mục đích khiến các lực lượng Nga trấn thủ tại Kherson bị suy yếu.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công tầm xa vẫn không ngăn cản được hoạt động tiếp tế của Nga. Không những vậy, khi các lực lượng Ukraine rời khỏi vị trí phòng thủ đối diện Kherson và băng qua vùng thảo nguyên rộng lớn, họ đã chịu thương vong nặng nề trước sức mạnh pháo binh, tên lửa và rocket mà Nga nã xuống gần Kherson. Moscow dường như đã chuẩn bị trước để ứng phó với cuộc tấn công này.
Ukraine đã thực hiện một số hoạt động nhằm xâm nhập sâu hơn vào phòng tuyến của Nga nằm ở khu vực trung tâm, nhưng nhìn chung, Nga vẫn giữ vững được cứ điểm của họ. Ngày 14 và 15/9, Nga được cho là đã tiến hành các cuộc không kích phá hủy 2 đập dọc sông Inhulets, khiến nước dâng cao, cuốn đi một cây cầu bắc qua con sông này, cắt đứt tuyến đường tiếp tế chính của đối phương. Nếu Nga thành công trong việc phá hủy cây cầu tại Andriivka, các lực lượng Ukraine sẽ bị đẩy lùi về điểm xuất phát. Khi đó, Kiev sẽ phải chịu tổn thất nặng nề trong khi không giành được vùng lãnh thổ nào.
Hiện trường đổ nát tại một căn cứ quân sự bị trúng tên lửa ở vùng Sumy, Ukraine ngày 28/2. Ảnh: Reuters
Cuộc phản công tại Kharkov
Ngược lại ở phía Bắc, cuộc phản công bất ngờ của Ukraine đã khiến quân đội Nga đối mặt 2 lựa chọn: hoặc chiến đấu đến cùng, hoặc rút lui. Cần phải nhắc lại rằng, trong các trận đánh ở Mariupol và Severodonetsk trước đó, Ukraine đã lựa chọn việc cố thủ, kết quả là tổn thất lớn về binh sỹ. Còn ở thời điểm hiện tại, Nga đã chọn phương án thứ 2 để hạn chế thiệt hại.
Do có ít binh sỹ ở mặt trận Kharkov, nên khi Ukraine tiến đánh, Moscow đã quyết định rút toàn bộ binh sỹ ra khỏi phía Bắc Kharkov. Các chỉ huy chiến trường của Nga đã xác định con sông Oskil làm hàng rào tự nhiên tốt nhất và vững chắc nhất để tránh cuộc tấn công của đối phương, nhằm giúp binh sỹ rút lui một cách an toàn.
Việc rút quân của Nga đã tạo điều kiện cho Kiev kiểm soát một vùng đất rộng lớn lên tới 6.000km2, theo tuyên bố của Tổng thống Zelensky. Mặc dù đây là bước tiến lớn của Ukraine nhưng vẫn chưa thể đảm bảo cho Kiev sự thành công trong chiến dịch phản công.
Trước hết, Ukraine chỉ đẩy lui được một số đơn vị nhỏ của Nga, trong khi họ phải chịu tổn thất đáng kể về binh sỹ và vũ khí. Phép toán toàn diện trên chiến trường cho thấy cán cân quyền lực vẫn nghiêng về phía Nga. Do sử dụng phần lớn trang thiết bị hiện đại cho 2 cuộc phản công ở Kherson và Kharkiv, Ukraine nhiều khả năng sẽ không đủ xe tăng, thiết giáp chở quân và pháo tự hành để ngăn Nga tiếp tục tiến về phía tây ở Donbass.
Đối với Nga, sau khi rút khỏi Kharkov, quân đội nước này đã thiết lập phòng tuyến ổn định gần Krasny Leman và dọc theo sông Oskil. Người Nga tiếp tục tấn công về phía tây ở Donbass, từng bước tiến công Bahkmut và Soledar. Ngoài ra, có những báo cáo cho biết, Nga đã chuyển một lượng lớn xe bọc thép, trong đó có cả xe tăng T90 hiện đại vào vùng lãnh thổ mà Ukraine đang nắm giữ.
Câu hỏi đặt ra hiện giờ là liệu ông Putin có cố gắng đáp trả và mở rộng quy mô cũng như phạm vị hoạt động quân sự tại Ukraine này không? Liệu Nga có đang bí mật củng cố sức mạnh của lực lượng bọc thép như những gì Ukraine đã làm trước khi phát động cuộc tấn công Kharkov hay không? Tại thời điểm hiện tại, chưa thể biết câu trả lời, nhưng giới phân tích cho rằng, Mowcow nhiều khả năng sẽ không dễ dàng để mất Kharkov và họ nhiều khả năng sẽ chờ thời cơ tiến hành cuộc tấn công đáp trả mạnh mẽ.
Chắc chắn sẽ có rất nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng lợi thế sẽ nghiêng về phía Nga nhiều hơn vì họ có nguồn nhân lực và vũ khí vượt trội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định bên nào sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến./.