Theo Ngoại trưởng Canada Melanie Joly, Ottawa sẽ vận chuyển 5 tuabin Nord Stream 1 từ Montreal trở lại Đức, bất chấp sự phản đối của cộng đồng người Canada gốc Ukraine cũng như Đại sứ Ukraine tại Canada.
Bà Melanie Joly tiết lộ, quyết định được đưa ra sau yêu cầu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người vừa có chuyến thăm Canada.
Thủ tướng Olaf Scholz bên tuabin đường ống Nord Stream 1 tại nhà máy Siemens Energy ở Đức ngày 3/8. (Ảnh: Getty)
“Đó là quyết định mà chúng tôi đã đưa ra. Đó chính xác là những gì phía Đức yêu cầu chúng tôi. Canada không muốn tạo ra bất cứ lý do nào để Nga có thể sử dụng và biện minh cho việc tiếp tục vũ khí hóa dòng năng lượng của mình đến châu Âu”, Ngoại trưởng Joly nói.
Sáu tuabin của tập đoàn Siemens được đưa tới Montreal để bảo trì sau khi Canada tuyên bố cấm vận Nga do xung đột ở Ukraine. Theo yêu cầu của Đức, Ottawa đã thông báo miễn trừ cho các tuabin vào tháng 7 và gửi trả một trong số chúng.
Tuy nhiên, phía công ty Gazprom của Nga - đơn vị vận hành đường ống Nord Stream 1, từ chối nhận lại tuabin do các lệnh trừng phạt.
Cả Kiev phản đối quyết định trả lại các tuabin, nói rằng điều đó sẽ không ngăn được Moskva “khủng bố” EU bằng cách giữ lại khí đốt. Trong khi đó, cộng đồng người Canada gốc Ukraine ra tuyên bố bày tỏ thất vọng về việc Canada bỏ lỡ cơ hội hủy bỏ giấy phép trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức.
Đại sứ Ukraine tại Ottawa, Yulia Kovaliv, nói: “Chúng tôi nghĩ nên hủy bỏ sự miễn trừ này ngay lập tức”.
Trong tuần này, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vọt sau khi Gazprom tuyên bố sẽ dừng vận hành Nord Stream 1 để sửa chữa trong khoảng thời gian từ 31/8 đến 2/9.
Đường ống Nord Stream 2 không sử dụng tuabin của Siemens. Nó đã được hoàn thành vào năm ngoái nhưng chưa được đưa vào hoạt động. Berlin đã tạm dừng chứng nhận vào hồi tháng 2, trước sự leo thang của xung đột Nga - Ukraine. Đến nay, Đức từ chối đưa Nord Stream 2 vào hoạt động bất chấp lời kêu gọi từ các quan chức địa phương và ngành công nghiệp trong nước.
Thủ tướng Olaf Scholz có chuyến công du Canada trong 3 ngày, từ hôm 21-23/8. Trong chuyến thăm, ông Olaf Scholz có cuộc hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau để thảo luận về ý tưởng vận chuyển khí của Canada qua Đại Tây Dương đến các nhà ga ở Đức.
Tuy nhiên, nỗ lực mua khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) từ Canada của Thủ tướng Olaf Scholz dường như không thành công. Thủ tướng Canada giải thích: “Chưa từng có đề án kinh doanh nào mạnh mẽ, vì khoảng cách từ các mỏ khí, vì nhu cầu vận chuyển khí đó trên một quãng đường dài trước khi hóa lỏng. Bây giờ, giải pháp tốt nhất của chúng tôi là tiếp tục đóng góp cho thị trường toàn cầu, thay thế khí đốt và năng lượng mà Đức và Châu Âu có thể tìm thấy từ các nguồn khác”.