Vệ tinh tấn công - Cuộc chạy đua vũ trang mới

Hà Linh/ |

Năm 2020, Tướng Jay Raymond, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Vũ trụ Mỹ đề cập rằng hai vệ tinh Cosmos của Nga đang theo dõi sát sao vệ tinh do thám USA-245 của Mỹ.

Tên lửa Kuaizhou-1A của Trung Quốc được phóng vào ngày 12/5/2020 mang theo 2 vệ tinh. Ảnh: AFP

Tên lửa Kuaizhou-1A của Trung Quốc được phóng vào ngày 12/5/2020 mang theo 2 vệ tinh. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết chưa thể xác định được liệu các vệ tinh Cosmos có khả năng tấn công chiếc USA-245 hay không.

Vụ việc này đã trôi đi nhưng đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc đua vũ trang trên vũ trụ với các vệ tinh trang bị bom, tàu vũ trụ bắn laser và nhiều công nghệ khác có thể được hiện thực hóa từ khoa học viễn tưởng.

Một vụ việc đáng chú ý khác về tình trạng này đã xảy ra gần đây. Hôm 15/11, Nga phóng tên lửa từ Trái Đất “xé toạc” một vệ tinh của nước này thành nhiều mảnh nhỏ. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg gọi hành động này là “liều lĩnh”.

Ông Jens Stoltenberg phát biểu tại một buổi họp ngày 16/11 với bộ trưởng quốc phòng các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu: “Điều này cho thấy Nga đang phát triển hệ thống vũ khí mới có thể bắn hạ vệ tinh”.

Theo AFP, việc quân sự hóa vũ trụ đã diễn ra một thời gian dài. Ngay khi vệ tinh Sputnik được phóng lên quỹ đạo năm 1957, cả Mỹ và Nga đều lập tức tìm cách trang bị vũ khí cho vệ tinh hoặc phương thức để tiêu diệt thiết bị này.

Ngay từ đầu, lo ngại lớn nhất là xuất hiện vũ khí hạt nhân trên vũ trụ. Nhưng năm 1967, nhiều quốc gia đã ký Hiệp ước Không gian Bên ngoài, cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo. Kể từ đó đến nay, Nga, Mỹ, Trung Quốc và cả Ấn Độ đều đã tìm cách để cạnh tranh trên vũ trụ mà không vi phạm hiệp ước này.

Ngày nay, cuộc đua tập trung vào phá hủy vệ tinh của đối thủ. Vệ tinh vốn đang ngày càng đóng vai trò quan trọng về viễn thông quốc phòng, giám sát và định vị.

Năm 1970, Nga đã thử thành công vệ tinh trang bị chất nổ có thể tiêu diệt vệ tinh khác trên quỹ đạo.

Năm 1983, Washington đã có câu trả lời với việc Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan tuyên bố Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược của ông-chương trình "Star Wars" với tên lửa dẫn đường chính xác và vệ tinh phát tia laser hoặc vi sóng nhằm khiến quân đội Mỹ hùng mạnh hơn.

Hầu hết những công nghệ này không thể hiện thực được nhưng trong một động thái đặc biệt, vào năm 1985, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm sử dụng tên lửa để tiêu diệt một vệ tinh.

Kể từ đó đến nay, các quốc gia đều tìm cách thể hiện họ cũng có kỹ năng tương tự, ví dụ như Trung Quốc vào năm 2007 và Ấn Độ vào năm 2019. Sau một số lần thử nghiệm, Nga cũng thực hiện thành công việc bắn hạ vệ tinh vào ngày 15/11 vừa qua.

Chuyên gia Isabelle Sourbes-Verger tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp nhận định: “Nga không cần phải phá hủy vệ tinh để cho thấy rằng họ có khả năng làm vậy”. Theo bà, sự kiện ngày 15/11 là lời nhắn nhủ từ Moskva rằng “nếu cần có phản ứng không đối xứng, Nga sẽ không cho phép Mỹ trở thành quốc gia duy nhất kiểm soát vũ trụ”.

Nhiều quốc gia giữ bí mật tuyệt đối về hoạt động quân sự trên vũ trụ của họ. Bởi vì nhiều công nghệ liên quan đến công năng kép-dành cho cả quân sự và dân sự- do vậy năng lực thực sự của các thiết bị vẫn là ẩn số.

Nhưng vào năm 2019, thời điểm Lầu Năm Góc thành lập Lực lượng Vũ trụ, có nhiều ý kiến cho rằng Nga và Trung Quốc có tiềm năng vượt qua Mỹ đối với lĩnh vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Mark Esper nói: “Duy trì sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này là nhiệm vụ của Lực lượng Vũ trụ”.

Cuộc đua trên vũ trụ hiện nay xoay quanh ý tưởng về việc tiêu diệt vệ tinh với tên lửa, hoặc tìm cách phá hủy vệ tinh với vũ khí laser.

Nhà phân tích Brian Chow từng dành 25 năm tại Viện nghiên cứu Rand Corp cho biết Nga và Trung Quốc đã phát triển những vệ tinh với cánh tay robot có thể di chuyển vệ tinh của đối phương hoặc thậm chí bẻ cong ăngten của các thiết bị này.

Trung Quốc và Mỹ đều có chương trình tối mật với tàu vũ trụ nhỏ, có thể tái sử dụng mang tiềm năng tích hợp với vũ khí và phá hủy vệ tinh của đối phương. Ngoài ra, các quốc gia cũng đang phát triển vũ khí trên mặt đất có thể làm tắc nghẽn tín hiệu vệ tinh hoặc dùng năng lượng để phá hủy thiết bị này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại