Thiếu chiêu trò gây sốc, The Voice 2013 chết yểu?

Thùy Dương |

(Soha.vn) - Không khó để nhận ra hiệu ứng của The Voice mùa thứ hai đã không còn như mùa đầu tiên.

Tất nhiên, cái gì đầu tiên cũng đều thu hút được sự hiếu kỳ của công chúng bởi tính mới lạ, độc đáo. Bởi thế, ở thời điểm mới ra mắt, The Voice mùa đầu đã trở thành một “hiện tượng” gây sốt trong các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, chỉ sang mùa thứ 2, The Voice Việt 2013 đã thực sự hạ nhiệt.

Nếu như năm ngoái, đội ngũ huấn luyện viên gồm Hà Hồ, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Trần Lập, là những cái tên gây sốt, thì năm nay 4 vị huấn luyện viên Mỹ Linh, Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Quốc Trung không thực sự thu hút giới truyền thông.

Tuy rằng, với kinh nghiệm và chuyên môn của những diva, những “lão làng” trong làng nhạc Việt thì cuộc thi sẽ hàn lâm hơn, nhưng tính giải trí thì giảm hẳn. Trong khi đó, với một chương trình truyền hình, tính giải trí nếu không nói là hàng đầu thì cũng là cần thiết để níu kéo khán giả. Bên cạnh đó, format của chương trình cũng không có nhiều mới mẻ, đột phá. Nên việc làm cho chương trình cũ trở nên mới mẻ không phải là một điều đơn giản.

 

Một khía cạnh khác, là dàn thí sinh năm nay, tuy có chuyên môn khá đồng đều nhưng thiếu cá tính. Mới có hai cái tên thực sự gây sốt là Cát Tường và Hoàng Tôn. So với những cái tên như Hương Tràm, Đinh Hương, Đào Bá Lộc, Bùi Anh Tuấn, Trúc Nhân, thì dàn thí sinh năm nay thiếu hẳn sự bùng cháy.

Nhưng tất cả những vấn đề đó cũng chỉ mang tính chất “phụ họa”. Cái hút công chúng quan tâm theo dõi chính la scandal. Điều này, The Voice mùa đầu tiên làm quá tốt. Những câu chuyện đời tư của huấn luyện viên, những chuyện bên lề cuộc thi được phóng viên tác nghiệp mọi nơi, mọi lúc…

Mặc dù không cổ xúy cho những vấn đề ngoài chuyên môn nhưng công chúng lại rất nhanh nhạy với những sự vụ này. Không thể phủ nhận, sức nóng của scandal và dù có hơi nghịch lý nhưng thực sự chính scandal giúp cho các chương trình truyền hình trở nên hot. Khai thác những câu chuyện bên lề theo đúng hướng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cuộc thi.

Sự thành công của The Voice mùa đầu tiên đã vô tình trở thành áp lực cho mùa thứ hai. Nhà sản xuất muốn chương trình đầu tư nhiều hơn vào yếu tố chuyên môn, nói không với scandal, nhưng thực sự điều có có là hướng đi đúng với chương trình truyền hình thực tế?

 	Scandal luôn là yếu tố song hành trong các chương trình truyền hình thực tế

Scandal luôn là yếu tố song hành trong các chương trình truyền hình thực tế

Nhắc đến truyền hình thực tế là nhắc đến những chiêu trò để thu hút người xem. Không ngoa khi nói, chính những chiêu trò là vị cứu tinh cho nhiều chương trình. Công chúng đến giờ vẫn không thể quên việc lộ clip phán tán việc dàn xếp kết quả The Voice mùa đầu tiên. Các thí sinh , nói xấu nhau; giám khảo cứ việc nói thật sốc ... Chính vì thế, nhà sản xuất bất chấp dư luận, nhà quản lý và cả thí sinh tham gia, miễn sao chương trình “nóng” và có lợi nhuận cao.

Có thể nói, scandal luôn là yếu tố song hành trong các chương trình truyền hình thực tế. Vietnam idol, Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model đều bị những chuyện ồn ào bên lề như tin đồn mua giải, dàn xếp kết quả, đòi kiện tụng…

Ở mùa đầu tiên, Vietnam’s Got Talent mở màn thiếu hấp dẫn. 7 tập, đầu tương đương với hai tháng lên sóng giờ vàng lúc 20h Chủ Nhật, giá quảng cáo cho một spot 10-15-20-30 chỉ là 30 – 36 – 45 – 60 triệu đồng. Một con số khiêm tốn!

Khi nổ ra scandal Quỳnh Anh, ngay lập tức biểu giá quảng cáo của chương trình này đã cán mức kỷ lục của năm 2012 với mức giá tăng hơn 200%.

Tương tự tại The Voice Vietnam 2012 ngay sau khi nổ ra scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả, chương trình báo tăng giá quảng cáo thêm hơn 10%. Theo đơn giá này, 10 giây quảng cáo trước chương trình thấp nhất là 75 triệu đồng và cao nhất là 90 triệu đồng.

Chương trình The Voice Kids bỗng nhiên cũng được nhiều sự chú ý sau những lùm xùm về việc phụ huynh thí sinh nấu ăn trong toilet và những tranh luận qua lại.

Gần đây nhất là scandal tình ái-chiêu trò khai màn của Vietnam's Next Top Model. Cả hai giám khảo của chương trình Vietnam's Next Top Model là Nam Trung và Thanh Hằng đều bị dính tới những scandal về chuyện tình ái. Nam giám khảo thích mặc váy bị thí sinh tố gạ tình còn nữ giám khảo nổi tiếng bị tố giật chồng.

Trong khi những vị giám khảo liên tiếp dính vào tin đồn tình ái thì trước đó, cuộc thi này cũng ra thông báo yêu cầu các thí sinh khi tham gia cuộc thi không được... yêu nhau. Các thí sinh phải ký cam kết không được yêu nhau trong suốt quá trình dự thi để tránh những scandal không đáng có. Dễ nhận ra, việc thí sinh bị cấm yêu nhau và giám khảo cùng lúc bị tố scandal tình ái chỉ là những chiêu trò được nhà sản xuất cuộc thi tung ra trước giờ khai cuộc để tăng sức hút cho chương trình.

Có ý kiến cho rằng, bản chất của một chương trình truyền hình thực tế là giải trí và nếu không có scandal, chương trình sẽ chết yểu. Vậy còn đâu hai chữ “thực tế”? Cái ranh giới mập mờ giữa hư và thực hóa ra lại là công thức của các chương trình truyền hình thực tế. The Voice năm nay không đi theo công thức đó, nên hạ nhiệt cũng là điều tất yếu...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại