Vai trò lãnh đạo, quyết tâm tiến công tiêu diệt địch trong Chiến dịch Bình Giã 1964

ThS Lê Mạnh Tiến |

Cuối năm 1964, trên chiến trường miền Nam, Mỹ-ngụy âm mưu đẩy mạnh những cố gắng cuối cùng trong cuộc Chiến tranh đặc biệt để cứu vãn tình thế.

Từ tính chất quan trọng của tỉnh Bà Rịa, chúng ra sức củng cố, xây dựng nơi đây thành thế phòng thủ vững chắc nhằm án ngữ mặt bắc và đông bắc căn cứ hải quân Vũng Tàu. Với kế hoạch "bình định có trọng điểm", địch đã biến khu vực Bình Giã, Đức Thạnh, Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ thành 4 chi khu quân sự.

Mỗi chi khu quân sự được bố trí từ một đại đội đến một tiểu đoàn bảo an, đồng thời, chúng cho xây dựng nhiều đồn, bốt và gom dân lập ấp quanh các thị trấn. Mỗi đồn, bốt chúng cho bố trí một trung đội dân vệ, mỗi ấp chiến lược có một tiểu đội phòng vệ dân sự. Riêng ấp chiến lược Bình Giã, địch tổ chức lực lượng bảo vệ riêng và tổ chức chống phá ta quyết liệt.

Về phía ta, cuối năm 1964, phong trào cách mạng miền Nam tiếp tục phát triển, liên tục tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, phá hàng nghìn ấp chiến lược, mở ra nhiều vùng giải phóng.

Bên cạnh đó, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, bộ đội địa phương có bước phát triển mới, đã đánh tiêu diệt được cấp đại đội, tiểu đoàn địch, đánh bại một bước quan trọng trong quốc sách ấp chiến lược của địch.

Nhận thấy tình hình có lợi cho ta, Bộ Chính trị giao Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chuẩn bị kế hoạch chiến lược, tranh thủ thời cơ đánh bại quân ngụy trước khi Mỹ ồ ạt đưa lực lượng vào miền Nam.

Quán triệt tinh thần Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền xác định quyết tâm:

Tiến công tiêu diệt địch, làm tan rã các đơn vị bảo an, dân vệ, biệt kích và các lực lượng bán vũ trang của địch; phá ấp chiến lược, hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh chính trị của quần chúng.

Đồng thời nâng cao từng mức tác chiến của chủ lực, tiến tới đánh tiêu diệt, làm tan rã từng bộ phận chủ lực địch; nâng cao trình độ vận động chiến của chủ lực ta ở các địa bàn chiến lược, tiến tới làm cho vai trò của vận động chiến giữ vị trí quyết định.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn chiến trường, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Bình Giã với mục đích tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá kế hoạch bình định có trọng điểm của địch, phá ấp chiến lược, hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ, đánh bại Mỹ trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt.

Để thực hiện chiến dịch, đảng ủy các cấp tiến hành họp thông qua quyết tâm chiến đấu, xác định tư tưởng chỉ đạo, phương châm tác chiến, ra nghị quyết lãnh đạo mọi mặt trong chiến dịch, phân công chỉ đạo tổ chức thực hiện, đôn đốc kiểm tra tất cả các khâu công tác, mọi lực lượng tham gia. 

Các đơn vị chủ lực và địa phương tiến hành quán triệt nghị quyết lãnh đạo của đảng ủy chiến dịch đến mọi tổ chức, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, để các tổ chức, cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ mục đích, nhiệm vụ, ý nghĩa và yêu cầu cụ thể của từng đơn vị trong quá trình chiến đấu; tổ chức chỉ đạo hành động thiết thực để thực hiện thắng lợi quyết tâm chiến đấu và kế hoạch tác chiến.

Bên cạnh đó, đảng ủy, bộ chỉ huy chiến dịch và đảng ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm đến việc xây dựng, củng cố cho bộ đội ý chí quyết tâm chiến đấu cao, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy có thể thấy, trong Chiến dịch Bình Giã, Trung ương Đảng, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền đã thể hiện rõ quyết tâm đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Tinh thần ấy được cụ thể hóa bằng ý chí quyết chiến quyết thắng, quyết đánh bại kẻ thù xâm lược. 

Nhờ vậy, quân và dân ta đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch. 

Sau hơn một tháng chiến đấu liên tục, ta đã tiêu diệt tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến, tiểu đoàn 33 biệt động quân, chi đoàn 3 M-113 (thuộc thiết đoàn 1), 2 đoàn cơ giới (có xe bọc thép); đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.700 tên địch; bắt 293 tên; phá hủy 45 xe quân sự, bắn rơi 56 máy bay các loại, thu hơn 1.000 súng và gần 100 máy thông tin. 

Ngoài ra, quân và dân ta cũng phá nhiều ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ du kích ở 3 tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Bình Tuy; đẩy địch vào tình trạng ngày càng suy sụp. 

Đánh giá về chiến dịch, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: "Trong quá trình chiến tranh giải phóng ở miền Nam đã diễn ra những bước nhảy vọt. Với trận Ấp Bắc năm 1963, địch thấy khó thắng ta, sau Chiến dịch Bình Giã địch thấy thua ta".

Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ, góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế và lực mới trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thắng lợi của chiến dịch đã thể hiện quyết tâm của quân và dân ta nhằm đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

Mặc dù đã diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng chiến thắng vẫn mang dấu ấn sâu sắc của một thời kỳ chiến đấu gian khổ, oanh liệt của quân và dân ta ở miền Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và để lại những bài học quý cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong tình hình mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại