Vạch trần sở thích "có chết cũng không hối hận" của Tào Tháo

Trần Quỳnh |

Nhắc đến Tào Tháo, hậu thế ít ai không biết tới hành vi cướp vợ người khác - sở thích quái đản, hoang đường của gian hùng khét tiếng thời Tam Quốc.

Là một đại nhân vật thời Tam Quốc, Tào Tháo được nhiều người biết tới với các vai trò như nhà quân sự, nhà văn, nhà thư pháp, nhà chính trị... Vậy nhưng, nhân vật kiêu hùng này còn “khét tiếng” bởi một hứng thú quái đản. Đó chính là cướp vợ thiên hạ.

Sở thích hoang đường khiến con cháu, tướng lĩnh vong mạng

Theo “Tam Quốc chí” phần “hậu phi truyện”, Tào Tháo lúc đầu có ba vị phu nhân. Người đầu tiên là phu nhân họ Đinh, kế đó là Lưu phu nhân và Biện phu nhân.

“Võ văn thế vương công truyện” lại ghi chép: Sau này, thê thiếp của Tào Tháo còn có thêm Hoàn phu nhân, Đỗ phu nhân, Tần phu nhân, Doãn phu nhân, Vương chiêu nghi, Tôn cơ, Lý cơ, Chu cơ, Tống cơ, Triệu cơ (“cơ” là từ chỉ thiếp).

Sở dĩ họ được sử sách ghi lại là nhờ có danh phận chính thức, lại sinh được cho Tháo Tháo tổng cộng 25 người con. Nếu tính cả con cái của những người phụ nữ không danh phận, gia quyến của Tháo chắc hẳn sẽ vượt xa con số kể trên.

Trong số đó, có vị Doãn phu nhân nổi tiếng xinh đẹp như hoa. Doãn thị vốn là con dâu của Hà Tiến, góa chồng từ sớm, sau cũng bị Tào Tháo nạp làm thiếp.


Dù không ít lần phải nhận quả đắng, nhưng Tào Tháo vẫn không bỏ được sở thích cướp vợ người. (Ảnh minh họa).

Dù không ít lần phải nhận "quả đắng", nhưng Tào Tháo vẫn không bỏ được sở thích cướp vợ người. (Ảnh minh họa).

“Tam Quốc diễn nghĩa” từng viết về sự việc Tào Tháo vì mê luyến thiếu phụ mà gây nên thất bại thảm hại tại Uyển Thành. Câu chuyện này xảy ra trong lúc Uyển Thành đang đại chiến. Khi đó, Tào Tháo phát hiện ra thím của Trương Tú là Châu thị có tư sắc hơn người.

Mặc cho việc Châu thị là góa phụ, Tháo vẫn tư thông cùng người phụ nữ này, khiến cho Trương Tú vốn đã quy hàng, nay vì uất ức mà nổi dậy làm phản.

Trong trận binh biến tại Uyển Thành ấy, quân Tào thất bại thảm hại. Tào Tháo không chỉ trúng tên bị thương mà còn mất đi con trưởng là Tào Ngang, cháu trai Tào An Dân và ái tướng Điển Vi. Vậy nhưng, đó không phải là lần duy nhất Tào Tháo “lãnh đạn” vì cướp vợ người.

Không ngại lật lọng để “hớt tay trên” thiếu phụ

“Tam Quốc chí” trong phần “Quan Vũ truyện” từng ghi lại việc Tào – Quan từng tranh giành nữ nhân. Năm xưa, cấp dưới của Lữ Bố là Tần Nghi Lộc có một người vợ họ Đỗ vô cùng xinh đẹp. Quan Vũ nhìn trúng Đỗ thị, đem lòng thầm mến nàng đã lâu.

Khi Tào Tháo cùng Lưu Bị liên thủ bao vây Lữ Bố ở Hạ Bì, Quan Vũ từng nhiều lần yêu cầu Tào Tháo ban thưởng Đỗ thị cho mình sau khi phá được thành.

Lúc đầu, Tháo sảng khoái đáp ứng. Nhưng tới khi thành bị phá, Tào Tháo phát hiện “người phụ nữ này quả không tầm thường”, liền thẳng tay đem nàng nạp làm thiếp.

Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Tào Tháo và phe Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi “đường ai nấy đi”.


Tào Tháo từng ra mặt lật lọng, hớt tay trên chiếm lấy người phụ nữ mà Quan Vũ thầm mến. (Ảnh: hình tượng Quan Vũ trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa).

Tào Tháo từng ra mặt lật lọng, "hớt tay trên" chiếm lấy người phụ nữ mà Quan Vũ thầm mến. (Ảnh: hình tượng Quan Vũ trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa).

Cùng một câu chuyện tranh giành nữ nhân của Tào Tháo và Quan Vũ, nhưng các chi tiết được đề cập trong “Hiến Đế truyện” lại có một số khác biệt.

“Tần Lãng có cha là Nghi Lộc, vốn là bộ tướng của Lữ Bố , bỏ Bố đi theo Viên Thuật . Đỗ thị là vợ Nghi Lộc, bị Tần Nghi Lộc bỏ lại Hạ Bì.

Khi Lữ Bố bị bao vây, Đỗ thị ở trong thành, Quan Vũ xin Thái Tổ (chỉ Tào Tháo) lấy Đỗ thị về làm vợ. Thái Tổ nghĩ người phụ nữ ấy có nhan sắc, sau khi vào thành liền nạp nàng làm thiếp.”

Sau đó, Tào Tháo không chỉ “hoành đao đoạt ái”( dùng bạo lực để cướp đoạt tình yêu) mà còn “yêu ai yêu cả đường đi”, đem con của Đỗ thị là Tần Lãng nhận làm con nuôi.

Cha con họ Tào và màn kịch tranh đoạt vợ người

Mặc dù không ít lần “hạ thủ” với góa phụ, thiếu phụ, nhưng mỹ nhân được Tào Tháo ngưỡng mộ và khao khát hơn cả chính là nàng Chân Mật.

Sinh thời, mỹ nữ họ Chân này là con dâu của Viên Thiệu, vợ Viên Hi, từng nổi danh khắp thiên hạ với biệt hiệu “mỹ nữ Trung Sơn”. Sau khi đánh bại Viên Thiệu, được tận mắt ngắm dung nhan của Chân Mật, Tào Tháo không khỏi cảm khái.

Trớ trêu thay, con trưởng Tào Phi và con trai thứ ba là Tào Thực đều giống như cha, mê đắm vẻ đẹp của nàng Chân Mật. Ba cha con không ai nhường ai, thi nhau tranh giành mỹ nữ.


Chân Mật từng suýt trở thành nguyên nhân khiến ba cha con họ Tào cốt nhục tương tàn. (Ảnh: phim Tân Lạc Thần).

Chân Mật từng suýt trở thành nguyên nhân khiến ba cha con họ Tào "cốt nhục tương tàn". (Ảnh: phim Tân Lạc Thần).

Sau đó, quần thần ra sức dùng kế khuyên can, Tào Phi lại “gần quan được ban lộc” (gần gũi người có thế lực mà được lợi) nên có được mỹ nữ. Nếu không, Chân thị cũng không thoát khỏi số phận làm thê thiếp của Tào Tháo.

Vậy mới thấy, ham muốn của Tào Tháo đối với các thiếu phụ, quả phụ đã từ lâu ở mức “khó có thể kiềm chế”!

Có được vợ người, “chết cũng không hối hận”!

Năm xưa, Tôn Sách và Chu Du ở Giang Đông có hai người vợ là chị em Đại Kiều, Tiểu Kiều, thiên hạ gọi là “Nhị Kiều”.

“Tam Quốc chí” từng miêu tả Nhị Kiều “đều là bậc quốc sắc”. “Giang Biểu truyện” cũng ca ngợi hai nàng bằng mỹ từ “mạo quốc lưu ly” (dung mạo rực rỡ). Những chi tiết này đã đủ để chứng minh cho nhan sắc khuynh quốc khuynh thành của Nhị Kiều thời ấy.

Nghe tiếng mỹ nhân, Tào Tháo đem lòng say mê, nhiều lần tiến đánh Giang Đông hòng chiếm đoạt hai nàng về làm vợ.


Tranh bích họa cổ về hai chị em họ Kiều, Tiểu Kiều (trái), Đại Kiều (phải). (Nguồn internet).

Tranh bích họa cổ về hai chị em họ Kiều, Tiểu Kiều (trái), Đại Kiều (phải). (Nguồn internet).

Chương 44 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” từng viết về cuộc thương thuyết giữa Gia Cát Lượng và Chu Du. Trong đó, Khổng Minh hiến kế cho Chu Du khiến quân Tào rút lui bằng cách dâng một trong hai nàng Kiều.

Kế sách của Gia Cát Lượng xuất phát từ lời thề của Tào Tháo:

“Ta có hai ước muốn, một là quét sạch bốn bể, hoàn thành đế nghiệp, hai là có được hai nàng Kiều ở Giang Đông, nhốt vào Đồng Tước đài để vui vẻ những năm cuối đời, được như vậy thì có chết cũng không hối hận.”

Đồng Tước đài sừng sững ở đó, lại thêm tiếng đồn Tào Tháo ham mê vợ người đã vang khắp thiên hạ, Chu Du không khỏi uất ức, tin vào kế "khích tướng" của Gia Cát Lượng mà liên thủ với Lưu Bị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại