Vượt qua rủi ro là chiến thắng ngoại giao?
Căng thẳng mới nhất giữa Nga và Ukraine đã cho Tổng thống Vladimir Putin cơ hội mới để kiểm tra cam kết bảo vệ Kiev của phương Tây tại thời điểm Mỹ và châu Âu đang đấu đá nội bộ lẫn nhau, bài viết trên tờ Bloomberg nhận định.
Bên cạnh đó, vụ va chạm cuối tuần qua giữa lực lượng hải quân Nga và tàu của Ukraine trong một con kênh nối liền giữa biển Đen và Azov cũng có thể mang lại cơ hội cho ông Putin trong việc tái lập quan hệ với Mỹ.
Điện Kremlin đã hy vọng cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G20 trong tuần này ở Argentina sẽ dẫn đến các bước cụ thể hướng tới một sự tan băng trong quan hệ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Ukraine đang đạt được lợi thế ngoại giao sớm hơn Nga, mặc dù cả hai bên đều cáo buộc đối thủ dàn dựng cuộc khủng hoảng vì lý do chính trị.
Như mọi khi, châu Âu đã nhanh chóng lên án mạnh mẽ hành động của Nga, trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đổ lỗi cho Moscow vì hành động leo thang, đồng thời nói rằng Washington sẽ để các đồng minh dẫn đầu trong việc ứng phó.
Thời gian xảy ra vụ va chạm gần như không mang lại lợi thế cho Điện Kremlin với các Chính phủ phương Tây trước cuộc họp G-20 ở Buenos Aires. Tuy nhiên, ông Putin không bao giờ là người bỏ lỡ cơ hội để tận dụng tình thế, dù cho là khủng hoảng xảy ra theo cách vô tình hay đã được sắp đặt từ trước, chuyên gia Alexander Baunov từ trung tâm Carnegie Moscow nhận định.
"Một mặt, loại hình leo thang chính sách nước ngoài này là nguy hiểm và sẽ không mang đến điều tốt trong quan hệ với phương Tây", Baunov nói. "Nhưng nếu vượt qua được rủi ro, đó sẽ là một chiến thắng ngoại giao khác".
Canh bạc của Tổng thống Putin
Theo Bloomberg, đây là một tình huống đánh cược khá phổ biến của Moscow trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó Tổng thống Putin đã tận dụng bối cảnh sự tập trung của phương Tây đối với cuộc xung đột Ukraine đang suy yếu để tăng áp lực lên đối tác của mình ở Kiev.
Điều này không chỉ giúp cho Điện Kremlin tiếp tục nâng quyền kiểm soát khu vực lãnh hải ở Crimea mà còn nâng cao sự tín nhiệm của công chúng trong nước.
Tương tự như vậy, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đang khéo léo tận dụng tình hình khủng hoảng để thực hiện các bước đi có lợi cho mình.
Nhà lãnh đạo Ukraine đã yêu cầu quốc hội thông qua tình trạng thiết quân luật, một tính toán mà các nhà quan sát cho rằng, ông Poroshenko đang muốn trì hoãn lại cuộc bầu cử tổng thống mà ông đang nắm chắc phần thua cuộc nhằm ngồi ghế quyền lực lâu hơn.
Có thêm trừng phạt?
Mỹ không đưa ra bình luận gay gắt nào đối với vụ va chạm mới nhất của Nga và Ukraine.
Trước khi xảy ra vụ việc cuối tuần, các quan chức Điện Kremlin đã rất lạc quan về cuộc họp giữa ông Trump và ông Putin đã lên kế hoạch ở G-20. Hai nước cho biết, động lực đằng sau các lệnh trừng phạt mới đã phai nhạt sau cuộc gặp nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo tại Helsinki vào tháng 7.
Ngay cả khi vụ va chạm giữa Nga và Ukraine đã khiến đồng rúp và chứng khoán Nga giảm đáng kể ở các thị trường mới nổi hôm 26/11, dường như phản ứng của phương Tây có thể sẽ không quá khắc nghiệt, theo Eurasia Group.
"Điều mà Washington và Brussels có khả năng áp đặt ở giai đoạn này là trừng phạt nhiều hơn nữa đối với các cá nhân và tổ chức", nhà phân tích Alex Brideau của Eurasia Group cho biết. "Các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhắm vào các thành phần kinh tế mới hoặc các nhà đầu sỏ chính trị của Nga là không có khả năng được đưa ra, trừ khi tình hình leo thang hơn nữa".
Phản ứng của Mỹ
Mỹ sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt liên quan đến tình hình Crimea đối với Nga, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết trong bài phát biểu của mình ngay sau vụ việc.
Tuy nhiên, bà Haley không đưa ra các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn mà chỉ nói rằng "việc leo thang của Nga đối với loại hình này sẽ chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn".
Vụ việc tàu Nga nổ súng bắt tàu Ukraine là diễn biến căng thẳng mới nhất ở Crimea, giữa bối cảnh Nga từng bước cô lập Ukraine tiếp cận Azov, một tuyến đường biển mang ý nghĩa thông thương quan trọng.
Cây cầu mà Nga khánh thành trong năm nay nối liền đất liền với Crimea, trải dài qua eo biển Kerch, ngăn cách Azov từ Biển Đen đã phát huy ý nghĩa địa chính trị chiến lược cho Nga.
Cầu Kerch giới hạn chiều cao đối với tàu lưu thông và Nga bắt đầu kiểm tra các tàu đến và đi từ Ukraine trong mùa hè vừa qua – điều khiến bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc về những gì gọi là "quấy rối vận chuyển quốc tế".
Tuy nhiên, căng thẳng chỉ trở nên đỉnh điểm khi Nga đóng cửa eo biển đối với tất cả các tàu thuyền hôm 25/11 vì lý do an ninh. Ukraine tố cáo Nga chặn tàu thuyền trong vùng biển quốc tế, trong khi Nga cáo buộc nước này vi phạm lãnh hải của mình và bỏ qua các yêu cầu thay đổi hải trình.
Alexei Chesnakov, cố vấn cho chính quyền Moscow về chính sách của Ukraine nói rằng, Nga "không còn cách hành động nào khác" đối với những hành vi của Ukraine dọc theo biên giới biển của mình.
"Khi một quốc gia thể hiện sức mạnh thì việc bị trừng phạt là có thể", ông nói. "Nhưng nếu một quốc gia cho thấy sự yếu đuối thì trừng phạt là điều không thể tránh khỏi".