Uy lực của F-16 – chiến đấu cơ Ukraine muốn nhận được từ phương Tây

Mai Trang |

Liệu tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, loại vũ khí Ukraine đang mong muốn được phương Tây cung cấp, có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột hiện tại hay không?

Sau khi Mỹ và một số nước châu Âu đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine xe tăng hạng nặng, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Yuriy Sak, nói mục tiêu tiếp theo của Kiev là nhận được các máy bay chiến đấu từ phương Tây.

"Nếu chúng tôi có được F-16, lợi thế trên chiến trường sẽ vô cùng to lớn. Không chỉ là F-16. Máy bay thế hệ thứ tư là những gì chúng tôi muốn", ông Yuriy Sak nói.

Uy lực của F-16 – chiến đấu cơ Ukraine muốn nhận được từ phương Tây - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon. Ảnh: cloverchronicle.com

Vì sao Ukraine muốn có F-16?

Cho đến nay, gần 1 năm kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời Ukraine vẫn rất quyết liệt.

Vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các chuyên gia đánh giá rằng Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) sẽ nhanh chóng áp đảo lực lượng không quân Ukraine và chiếm ưu thế trên không. Lực lượng không quân của Nga cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động vũ trang phối hợp chống lại lực lượng bộ binh Ukraine.

Tuy nhiên, kịch bản này đã không xảy ra. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) công bố vào tháng 11/2022 cho thấy, trong khi VKS có thể thực hiện một số nhiệm vụ tấn công quan trọng trong những tuần đầu của cuộc xung đột, sang đến tháng 3/2022, lực lượng này đã giảm khả năng hoạt động trong không phận do Ukraine kiểm soát ngoại trừ ở độ cao rất thấp. Cả hai bên chủ yếu đã thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Theo đánh giá của một số nhà quan sát, Ukraine có thể có cơ hội sử dụng các máy bay hiệu suất cao như F-16 để đạt ưu thế trong các hoạt động tấn công trên không. Trong khi đó, các xe tăng do phương Tây cung cấp sẽ tăng cường khả năng chiến đấu trên mặt đất cho Ukraine.

F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu phản lực đa năng do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ.

Tiêm kích này dài 14,8m, cao 4,8m, sải cánh 9,8m, trọng lượng cất cánh 16,875 tấn, tốc độ 2.100km/h, tầm bay trên 3.200km, trần bay 15.240m. Máy bay chiến đấu hạng nhẹ này được trang bị một khẩu pháo M61 Vulcan và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder. Tên lửa AIM-9 Sidewinder có tầm bắn tối đa 35,4 km, đạt vận tốc Mach 2,7.

F-16 nếu được trang bị vũ khí không đối không có thể sẽ mang lại ưu thế trên không cho không quân Ukraine và tạo ra mối đe dọa đối với không quân Nga.

Tuy nhiên, 19fortyfive nhận định rằng việc gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine sẽ không phải là một yếu tố thay đổi cục diện cuộc xung đột ngay lập tức. Việc đào tạo phi công và phi hành đoàn, bảo trì, tiếp nhiên liệu và duy trì sẽ cần một khoản chi phí lớn.

Sau đó, sẽ có những vấn đề về cách sử dụng máy bay, cách kiểm soát trong các hoạt động và tích hợp chúng vào cấu trúc của lực lượng không quân Ukraine. Tất cả những điều này đều có thể giải quyết được nhưng sẽ mất thời gian. Việc đưa những binh sĩ đang tham chiến ở Ukraine để huấn luyện sử dụng F-16 trong thời gian dài cũng là điều không mấy khả thi.

Liệu Ukraine có nhận được tiêm kích F-16?

VKS đã thận trọng về các hoạt động trên không do sự hiệu quả của hệ thống phòng không Ukraine. Dù lực lượng không quân của Nga đang phải đối mặt với các vấn đề mang tính hệ thống khác nhưng họ vẫn chiếm ưu thế hơn so với Ukraine trong các trận không chiến.

Các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, nếu được trang bị và điều khiển phù hợp, sẽ có khả năng cạnh tranh với F-16, dù tiêm kích này có phạm vi hoạt động xa hơn, khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu hiệu quả hơn.

Sự khác biệt sẽ là về số lượng máy bay chiến đấu giữa Nga và Ukraine. Phương Tây sẽ không có số lượng lớn máy bay chiến đấu thay thế để chuyển đến Ukraine, trong khi Nga có thể triển khai số lượng tiêm kích lớn để đối đầu với lực lượng Ukraine trên chiến trường. Trong trường hợp cần thiết, Moscow có thể sẽ bổ sung lực lượng phòng không bị phá hủy. Vì vậy, điều quan trọng đối với Ukraine là phải bảo vệ các nguồn lực không quân mới cho cuộc tấn công lớn có thể xảy ra.

Pháp và Ba Lan dường như sẵn sàng cân nhắc yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu của Ukraine, trong khi đó Mỹ đã bác bỏ lời đề nghị này và Anh cho rằng việc cung cấp máy bay phản lực của phương Tây cho Kiev là không thực tế.

Một thách thức khác khi phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine là vấn đề ngoại giao. Nga tuyên bố rằng việc phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến "sự leo thang đáng kể" của cuộc xung đột.

Cả Ukraine và các đối tác phương Tây nên suy nghĩ về cách sử dụng viện trợ sát thương ngày càng tăng trong cuộc xung đột với Nga. Khi các cuộc thảo luận về chủ đề này tiếp tục, chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu Ukraine có nhận được F-16 hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại