Trong khi đó, kim ngạch lại giảm 6% so với tháng trước, xuống còn 236 triệu USD.
Nguyên nhân là do lượng ô tô nhập khẩu chủ yếu là dòng xe giá rẻ từ Ấn Độ tăng đột biến với khoảng 3.555 chiếc, tăng 3 lần so tháng 4, kim ngạch chỉ đạt 18,73 triệu USD.
Như vậy, trung bình mỗi xe nhập từ Ấn Độ chỉ khoảng 5.300 USD/chiếc. Trong khi đó, lượng nhập khẩu ô tô từ Nhật chỉ 543 chiếc nhưng kim ngạch đến 19,8 triệu USD.
Theo Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua, từ ngày 1-7, biểu thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi-lanh động cơ từ 1.500 cm3 trở xuống sẽ giảm từ mức 45% xuống 40%.
Sau đó, giảm tiếp xuống còn 35% từ ngày 1-1-2018.
Trong khi đó, cũng với quy định của Luật Thuế thì từ ngày 1-7, các dòng xe có dung tích 2.500 cm3 trở lên sẽ giữ nguyên mức 50% hiện hành.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, giảng viên Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường ĐH Bách khoa TP HCM, từ ngày 1-7, xe có dung tích xi-lanh 1.500 cm3 trở xuống sẽ có lợi thế là giá nhập khẩu giảm khoảng 5%-10%.
Nhìn chung, các dòng xe này có thể sẽ cạnh tranh với xe sản xuất trong nước cùng dung tích, như Hyundai, KIA…
Tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước vẫn tin dùng những thương hiệu xe nổi tiếng lâu nay.
Điều quan trọng là mẫu mã, chất lượng có thuyết phục được người Việt Nam không. Chưa kể, xe nước ngoài mới nhập sẽ bảo hành, phân phối ra sao?
Trưởng phòng kinh doanh một hãng ô tô có xưởng lắp ráp tại Việt Nam cho rằng ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ có thể là những dòng xe quen thuộc nhưng giá thấp.
Phần lớn được doanh nghiệp đăng ký nhập, chờ làm thủ tục khai báo thuế sau ngày 1-7 để hưởng thuế suất giảm.
Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh ô tô tại TP HCM vẫn chưa rõ ô tô nhập khẩu giá rẻ từ Ấn Độ là loại xe nào, đã có mặt trên thị trường trong nước hay chưa.
Dù sao thì với chính sách thuế mới, nhiều khả năng sau ngày 1-7, dòng xe giá rẻ từ các nước sẽ tràn vào Việt Nam.